11/01/2019 13:00
Đảng viên Trần Hùng Hưng ở thôn 5 (thị trấn Đăk Rve) là một trong những “đầu tàu” như thế.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cà phê, ông Trần Hùng Hưng tâm sự: Gia đình tôi về lập nghiệp ở thôn 5 từ năm 2007. Khi ấy, tôi có 1ha lúa ruộng và 1ha đất rẫy trồng mì, sau này khai hoang thêm được ít nữa. Dù rất chăm chỉ làm ăn, nhưng nguồn thu từ lúa, mì cũng chỉ đủ ăn, không khá lên được.
Năm 2016, khi Đảng bộ thị trấn có chủ trương vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, ông Hưng quyết định thực hiện. “Trước là làm cho mình, sau là để bà con nhìn thấy và mạnh dạn làm theo”- ông nghĩ.
Sau khi tìm hiểu kỹ về đất đai, thổ nhưỡng và học hỏi các mô hình khác trong huyện, ông chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa, mì sang trồng cà phê theo phương thức lấy ngắn nuôi dài. Đến nay, gia đình ông đã chuyển đổi được 2,4ha. Được trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật nên diện tích cà phê sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Bên cạnh đó, ông còn vận động bà con trong thôn làm theo; sẵn sàng hướng dẫn, tư vấn, chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây công nghiệp cho các hộ gia đình có nhu cầu.
Từ sự tiên phong của những đảng viên như ông Hưng, hiện thôn 5 đã giảm dần diện tích lúa rẫy; diện tích cà phê, cao su đạt 51ha (tăng 10ha so với năm 2016). Diện tích trồng mì trước đây bị bạc màu, hiệu quả kém, nay phủ kín màu xanh của cao su, cà phê, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho nhiều gia đình.
Có thể nói, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở thị trấn Đăk Rve đang phát triển nhanh và mạnh, trong đó, nhiều đảng viên đã tích cực phát huy vai trò gương mẫu, đi trước để quần chúng noi theo. Tuy nhiên, trước năm 2016, đây là một vấn đề làm nhiều đảng viên trăn trở.
“Với tổng số 480ha đất đã gieo trồng các loại cây hàng năm và cây công nghiệp, về cơ bản bà con không thiếu đất sản xuất, nhưng vẫn còn nhiều hộ nghèo, thiếu đói giáp hạt, điều đó cho thấy hiệu quả kinh tế các loại cây trồng không cao. Từ đó chúng tôi đặt ra câu hỏi: làm thế nào để khắc phục thực trạng trên. Và câu trả lời chính là phải đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giảm dần diện tích lúa rẫy hoặc trồng mì, xác định giống cây công nghiệp phù hợp để phát triển” - chị Đinh Thị Sương - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Rve chia sẻ.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại gặp không ít khó khăn, trong đó, rào cản lớn nhất lại chính từ người dân. Thực tế cho thấy, không ít người không muốn thay đổi, ngại tham gia các đợt học tập, chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng mới thay cho lúa và mì.
Trước tình hình trên, năm 2016, Đảng bộ thị trấn Đăk Rve đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn thị trấn giai đoạn 2015-2020, trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân thoát nghèo bền vững. Trong đó, đảng viên ở 9 chi bộ khu dân cư phải tăng cường nêu gương, đi trước trong việc đưa các loại giống cây trồng cho năng suất, sản lượng và chất lượng cao vào ruộng rẫy, tăng diện tích cây công nghiệp, giảm diện tích lúa rẫy, mì.
Trong quá trình thực hiện, cán bộ, đảng viên cũng đã giúp đỡ cho quần chúng nhân dân. Mặt khác, đảng viên còn là người đi đầu trong học tập, áp dụng khoa học kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm hay trong sản xuất ở các cấp hội, cho nhân dân học theo.
Từ cách làm này, đảng viên và quần chúng nhân dân càng gần gũi, gắn kết và hỗ trợ, giúp nhau cùng làm kinh tế gia đình. Phong trào chuyển đổi diện tích trồng lúa, mì ở những vùng thiếu nước, không phù hợp sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày như mía, hoặc cây công nghiệp dài ngày như cà phê, bời lời, cao su lan rộng ra 9 thôn, làng.
Cùng với thực hiện hiệu quả chủ trương đảng viên nêu gương, đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Đảng bộ thị trấn cũng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cấp hỗ trợ 150 phương tiện sản xuất (máy cắt cỏ, máy bơm thuốc); cấp miễn phí 51.500 cây bời lời và thực hiện đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho gần 216 hộ nghèo tham gia; cấp phân bón miễn phí một số diện tích cây trồng cho hộ nghèo; tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi…
Theo đánh giá chung của Đảng bộ thị trấn Đăk Rve, trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tích cực trên, từ năm 2016-2018, tổng diện tích cây trồng trên địa bàn đạt 505,2ha, tăng 25,14ha so với năm 2015. Trong đó, diện tích cây lương thực (lúa, bắp…) có 144,7ha, giảm 16ha; diện tích cây công nghiệp đạt 360,5ha, tăng 27,33ha. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng cây công nghiệp. Mỗi năm, có từ 8 đến 12 hộ nghèo trên địa bàn thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 30,9% (năm 2016) giảm còn 27,9% (cuối năm 2018).
Những kết quả trên cho thấy Đảng bộ thị trấn Đăk Rve đã và đang đi đúng định hướng, tạo động lực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Kon Rẫy nhiệm kỳ 2015-2020.
Trần Hà