21/08/2024 06:02
Có thể khẳng định, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước là phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Mọi người dân đều được thụ hưởng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; với tinh thần “tất cả cùng phát triển, cùng hưởng lợi” và “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Với quan điểm đó, việc thực hiện CSXH nói chung, tín dụng chính sách nói riêng, đã được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, với những chủ trương, chính sách lãnh đạo, điều hành đúng đắn.
Trong đó, để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Ngày 10/6/2021, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW.
|
|
Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về kế hoạch triển khai, như Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 và Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021.
Qua 10 năm, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua hệ thống Ngân hàng CSXH đạt trên 47 ngàn tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt trên 373 ngàn tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt gần 351 ngàn tỷ đồng.
Có hơn 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất - kinh doanh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%; đến cuối năm 2023 còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Ở tỉnh ta, với sự lãnh đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, sự điều hành chủ động, linh hoạt của UBND tỉnh và sự chủ động, tích cực của các sở, ngành, địa phương các cấp, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của Ngân hàng CSXH, Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư, Kế hoạch của Chính phủ triển khai Chỉ thị 40, Kết luận 06 đã được triển khai hiệu quả, đem lại những thay đổi thực chất trong đời sống đồng bào các dân tộc.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh tổ chức ngày 16/7, đồng chí A Pớt- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW là chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng CSXH bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, nhất là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.
Ngay khi có Chỉ thị 40, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp quan tâm dành nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách; hỗ trợ về cơ sở vật chất và cân đối nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh hết sức đồng tình, ủng hộ và chủ động, nỗ lực triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nhanh chóng đưa chính sách mang ý Đảng lòng dân vào cuộc sống.
Theo đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh, 19 chương trình tín dụng chính sách đã và đang triển khai, với tổng dư nợ đạt 4.569 tỷ đồng, tăng 3.128 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân hằng năm đạt 21,7% với gần 74.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, tăng gần 14.000 hộ so với trước khi có Chỉ thị 40.
Vốn tín dụng chính sách đã giúp 48.459 lao động có việc làm; 2.512 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 517 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động.
Xây dựng 143.233 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; 11.968 căn nhà cho hộ nghèo, 731 căn nhà cho các hộ gia đình chính sách (theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, tín dụng chính sách đã góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời đóng góp tích cực vào giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 26,11% (cuối năm 2015) xuống còn 6,84% (cuối năm 2023). Đến nay, tỉnh có 48/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Dù vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, nhất là về cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền vững; một số chính sách tín dụng triển khai còn chậm, nhưng thực tế đã chứng minh Chỉ thị số 40-CT/TW, và sau này là Kết luận số 06-KL/TW là một chính sách mang ý Đảng lòng dân.
Trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục xác định tín dụng CSXH là giải pháp quan trọng nhằm để phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội và đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách.
Vì vậy, các ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng CSXH.
Riêng Ngân hàng CSXH tỉnh, cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng các nguồn vốn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa hoạt động; nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ người dân.
Mở rộng quy mô tín dụng, nâng cao quy mô cho vay, tăng cường đối tượng cho vay, nhất là đối tượng là người nghèo, đồng bào DTTS, người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Từ đó tạo việc làm, tạo sinh kế, tạo cơ hội, điều kiện để các đối tượng tự tin, tự lực vượt lên khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ.
Sông Côn