Bộ máy mới cần được vận hành với tư duy mới

27/05/2025 13:00

Tỉnh Kon Tum đang khẩn trương rà soát, sắp xếp bộ máy tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức các cấp sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới. Một trong những yêu cầu trọng tâm là đảm bảo bộ máy mới phải được vận hành với tư duy mới để đem lại lợi ích lớn nhất cho nhân dân.
Quảng Ngãi - Kon Tum làm việc lần 2 về việc sáp nhập tỉnh. Ảnh: DƯƠNG NƯƠNG

 

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (từ ngày 10-12/4) đã thống nhất chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện.

Triển khai chủ trương trên, ở tỉnh Kon Tum, các cơ quan có thẩm quyền đã và đang khẩn trương rà soát, đề xuất sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính (ĐVHC) cấp xã. Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh năm 2025 đã được HĐND tỉnh thông qua. Theo đó, tỉnh sẽ sắp xếp giảm từ 102 đơn vị ĐVHC cấp xã (10 phường, 7 thị trấn và 85 xã) còn 40 ĐVHC cấp xã (3 phường, 37 xã), giảm 62 ĐVHC cấp xã (7 phường, 7 thị trấn và 48 xã) đạt 60,78% theo yêu cầu.

Có thể nói, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh là phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển chung của cả nước, sẽ tạo sự thay đổi tích cực và tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng phát triển của địa phương, phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm được ngân sách nhà nước, góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức để xây dựng bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả.

Sau khi sắp xếp, các đơn vị hành chính cấp xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho các địa phương sớm ổn định và phát triển.

Vấn đề đặt ra là, bộ máy mới sau sắp xếp phải hoạt động một cách linh hoạt nhất, tốt nhất, vận hành với tư duy mới để đem lại lợi ích lớn nhất cho quê hương, cho nhân dân. Bởi một bộ máy mới mà vẫn vận hành bằng tư duy cũ thì rất khó để đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đáp ứng yêu cầu, cần chú trọng đổi mới tư duy cả về tổ chức, phương thức vận hành của bộ máy và tư duy của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngay khi tiến hành sắp xếp.

Trước hết là đổi mới tư duy vận hành, cần từ bỏ cách làm “không quản được thì cấm”, tăng cường tự chủ để “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Chuyển trọng tâm vận hành của bộ máy chính quyền cấp xã từ quản lý sang phục vụ; lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp làm trung tâm và đích đến của hoạt động hành chính.

Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính đang gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, làm tăng chi phí hành chính, kéo dài thời gian, gây lãng phí nguồn lực và cơ hội phát triển.

Tiếp đến là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Theo thống kê, tỉnh hiện có khoảng 18.314 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 1.887 công chức cấp tỉnh, huyện; 2.026 công chức cấp xã và 14.401 người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan hành chính cấp tỉnh thời gian qua cho thấy, mặc dù có những tâm tư, bùi ngùi, nhưng điều đáng ghi nhận là hầu hết đều đồng thuận, ủng hộ chủ trương chung, sẵn sàng chấp hành sự bố trí, sắp xếp mới; nhiều người tiên phong hy sinh lợi ích cá nhân vì sự nghiệp chung.

Sắp xếp tổ chức bộ máy suy cho cùng là công việc liên quan đến con người, mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.  Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”.

Do vậy, công việc này cần được triển khai thận trọng, bài bản, khách quan, công khai, công tâm. Trong đó, việc rất quan trọng và nên làm ngay khi sắp xếp là làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, để tạo động lực, tạo niềm tin cho họ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến, sẵn sàng bắt tay ngay vào công việc sau sắp xếp.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Ảnh: SC

 

Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước. Có chính sách thu hút, tuyển chọn, trọng dụng cán bộ có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức; cơ chế đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín đối với nhân dân. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ngày 8/5/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 2593-KL/TU về một số nội dung liên quan đến công tác nhân sự cấp ủy cấp xã (sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới).

Ngoài các tiêu chuẩn chung, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định cụ thể tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo cấp xã (ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND) sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới.

Đáng chú ý, Kết luận nêu rõ, có thể xem xét, bố trí nhân sự là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh làm bí thư cấp ủy cấp xã; trường hợp đặc biệt, nếu đảng bộ có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế, hạ tầng giao thông đô thị phát triển, số lượng đảng viên, dân số đông, thì có thể xem xét, bố trí nhân sự là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm bí thư cấp ủy cấp xã.

Việc thực hiện nghiêm Kết luận số 2593-KL/TU là một trong những nền tảng để đảm bảo bộ máy mới, nhân sự mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.     

Sông Côn

 

Chuyên mục khác