Vọng lời non nước

16/03/2021 06:05

Tôi đã xem đi xem lại clip các em học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Kon Tum) hát Quốc ca, và lần nào cũng vậy, đều không kìm được mà đặt tay lên ngực trái của mình, nơi trái tim đang đập, hát theo đầy nhiệt huyết xen lẫn tự hào.

Sáng hôm nay, vừa mở máy tính ra, nhận được email của một người bạn làm ở ngành Giáo dục. Trong email, anh bạn gửi cho tôi một clip quay hình ảnh các em học sinh Trường Tiểu học Trần Phú hát Quốc ca ở Ngục Kon Tum- di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia, “địa chỉ đỏ” của tỉnh nhà.

Theo như lời giới thiệu, đây là clip tham gia Cuộc thi video clip hát Quốc ca tại các địa chỉ đỏ “Em yêu Tổ quốc Việt Nam” do Hội đồng Đội Trung ương phát động từ tháng 9/2020. Các video clip dự thi có thời lượng không quá 7 phút, trong đó phải có hình ảnh học sinh thể hiện bài hát và không giới hạn số lượng người tham gia.

Giai điệu hào hùng, như giục giã, như cổ vũ, như động viên ấy đã in đậm trong trái tim, trong ký ức bao thế hệ học sinh Việt Nam, qua mỗi lễ chào cờ đầu tuần. Khi nhìn những em học sinh, cổ mang khăn quàng đỏ, hát vang, hát to Quốc ca, mình thấy tự hào vô cùng- bạn viết.

Tôi đã xem đi xem lại clip ấy. Cũng tự hào như vậy. Không, đúng hơn, khi nghe các em hát Quốc ca, tôi như nghe lời của non nước vọng khắp không gian, khắp núi đồi, sông suối!

Lần nào xem, tôi đều không kìm được mà đặt tay lên ngực trái, nơi con tim đang đập, hát theo đầy nhiệt huyết.

Các em học sinh hát Quốc ca tại Ngục Kon Tum. Ảnh: T.H

 

Và tôi cũng nhớ lại lễ chào cờ sáng thứ 2 đầu tuần hàng chục năm trước, khi tôi còn là cậu học sinh cấp 2. Khăn quàng đỏ trên vai, mắt nhìn cờ Tổ quốc, hát vang Quốc ca sau khẩu lệnh của thầy giáo. Giai điệu hào hùng khiến những đứa học trò chân trần chúng tôi cảm thấy máu chảy rần rần trong người, và cảm thấy tự hào vì mình là người con của đất nước Việt Nam. Từng lời ca như thúc giục hãy học tập, rèn luyện để ngày mai cùng mọi người xây dựng đất nước.

Hỡi em trai cổ mang khăn quàng đỏ đang hát Quốc ca bằng tất cả sự trang trọng và tình cảm thiêng liêng kia ơi. Tôi muốn ôm lấy em, muốn được sánh vai em hát lên những giai điệu thiêng liêng.

Hỡi bé gái có mái tóc ngắn bồng bềnh và đôi mắt tròn, sáng long lanh kia ơi, tôi muốn cảm ơn em vì đã hát bằng cả trái tim non nớt đang ngập tràn niềm tự hào, bằng cảm xúc chân thành, vì em đã cho tôi thấy lại mình của mấy mươi năm về trước. Và trong đôi mắt mở to háo hức của em, tôi thấy hình ảnh tương lai đất nước đang vươn mình với khát vọng hùng cường.

Nhưng mấy chục năm qua, kể từ khi hát Quốc ca trong lễ tốt nghiệp phổ thông, bản thân mình đã hát Quốc ca thêm được mấy lần? Tôi tự hỏi. Và có cảm giác như  những người xung quanh tôi, bạn bè tôi, gia đình tôi cũng nên tự hỏi mình như vậy.

Không ít người, đã lâu rồi, không hát lại Quốc ca thêm một lần kể từ sau những buổi chào cờ dưới mái trường. Hát thực sự chứ không chỉ mấp máy môi theo nhạc hoặc theo “máy hát”. Đã lâu rồi, người ta  quen với việc “máy móc hóa” khi hát Quốc ca khi làm lễ chào cờ. Việc sử dụng đĩa nhạc Quốc ca trong các buổi lễ chào cờ tại các cơ quan, tổ chức, trường học, các lễ kỷ niệm… khiến nhiều người càng có "lý do" để không thuộc Quốc ca. Thay vì hát Quốc ca thì thu sẵn vào băng, đĩa và… ấn nút.

Điều đó làm giảm tính trang nghiêm và ý nghĩa của lễ chào cờ Tổ quốc. Bởi Quốc ca, không chỉ là giai điệu và ca từ, mà ở đó hội tụ tinh thần dân tộc, hội tụ sự linh thiêng ngàn năm sông núi và khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam, cần được “hát thật”, bằng cả trái tim.

Cũng từ tình trạng trên mà không ít ý kiến phàn nàn rằng, ngày càng nhiều người không nhớ và không thuộc Quốc ca. Nhất là thế hệ trẻ.

Tôi không phủ nhận hiện tượng này, nhưng tôi nghĩ, đó chỉ là số ít, và Quốc ca, cùng với tình yêu đất nước, lòng tự tôn dân tộc, luôn tồn tại vĩnh hằng trong lòng dân. Mỗi khi vang lên, dù ở bất cứ đâu, Quốc ca cũng mang hồn cốt và tinh thần của dân tộc, truyền sức mạnh và kết nối triệu triệu con tim hướng về Tổ quốc, dân tộc mình.

Chào cờ, hát Quốc ca ở huyện Ia H’Drai. Ảnh: T.H

 

Ở thành phố Kon Tum, suốt 20 năm qua, kể từ năm 2001, các thôn, làng đồng bào DTTS  duy trì chào cờ Tổ quốc vào sáng thứ Hai hàng tuần. Hôm ấy, đúng 6 giờ sáng, dân làng lại tập trung tại nhà rông thực hiện nghi thức chào cờ và cùng nhau hát vang Quốc ca.

Có một lần, cùng dân làng Kon Tum Kơ Pơng (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) chào cờ Tổ quốc, cùng dân làng hát Quốc ca, nhìn xung quanh, có những cụ già hoặc em nhỏ nói tiếng phổ thông không thạo nhưng thuộc lòng và hát rất to, rất rõ bài Quốc ca, tôi cảm nhận rất rõ tình yêu quê hương đất nước trong mỗi con người bình dị ấy.

Còn nữa, 3 năm nay, chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca vào buổi sáng thứ 2 tuần đầu tiên của tháng đã trở thành nghi thức không thể thiếu của cán bộ, công chức, người lao động huyện biên giới Ia H’Drai.

Việc duy trì hát Quốc ca đem lại hiệu quả thiết thực trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, công chức, đảng viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân- Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Thạch cho hay.

Còn với người dân vùng biên giới còn nhiều gian nan này, hình ảnh cán bộ, công chức và người lao động đi làm sớm hơn ngày thường để kịp lễ chào cờ; tiếng hát Quốc ca vang vọng trong nắng mai truyền cho họ niềm tin hết sức thiêng liêng về tương lai phát triển bền vững của vùng đất này.

Có người nói: Không phải cứ yêu nước thì chào cờ và hát Quốc ca, và cũng không phải hát Quốc ca, chào cờ là cách duy nhất thể hiện lòng yêu nước. Dù vậy, tôi vẫn muốn nhắc nhở mình, nhắc nhở những người xung quanh mình rằng: Chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là một nghi thức quan trọng thể hiện lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị, lòng tự hào và trách nhiệm của con người Việt Nam với Tổ quốc và nhân dân.

Tôi tin rằng, mỗi khi những lời ca hào sảng cất lên, ngắm hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời... ai cũng sẽ thấy dâng trào một tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt.

Hơn 80 năm trước, “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc…”, làm nên Cách mạng Tháng Tám, thay đổi vận mệnh dân tộc. Cũng “đoàn quân Việt Nam” ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, băng qua muôn trùng thử thách, đau thương, quả cảm đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, thống nhất đất nước, non sông về một mối.

Và hôm nay, trong bối cảnh đất nước hòa bình, độc lập, “đoàn quân Việt Nam” đang xốc lại đội ngũ, trong nhịp Tiến quân ca, không vác súng lên vai ra chiến trận diệt phát-xít, diệt đế quốc, mà hành trang mang theo là tri thức thời đại mới để tiến lên xây dựng đất nước giàu mạnh, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng mong mỏi.

Thật tự hào là trong đội hình điệp trùng ấy, có tôi, có bạn!        

Thành Hưng

Chuyên mục khác