04/11/2024 06:01
Chiều cuối tuần, tôi đi làm về muộn. Vừa rẽ vào đầu hẻm đã thấy khá đông người bàn tán ồn ào.
Dừng xe lại hỏi có chuyện gì, thì anh P. (hàng xóm của tôi) bức xúc nói: Còn chuyện gì ngoài chuyện nhà ông T. đây xây nhà, đổ gạch, cát, sắt thép ngay trên đường, gây nguy hiểm cho việc đi lại của mọi người? Chưa kể mấy hôm vừa rồi mưa to, cát, sỏi, đá dăm bị cuốn trôi, gây tắc đường cống thoát nước, nên nước mưa tràn cả vào nhà.
Một chị góp chuyện: Chú về muộn nên không biết, lúc nãy có người đi làm về, vì thắng gấp tránh trẻ con chơi nên đã bị ngã vì cát tràn ra đường, may mà chỉ bị xây xước nhẹ. Nếu mà lao vào đống đá kia thì không biết hệu quả sẽ thế nào.
Thật ra, chuyện này đã âm ỉ cả mấy ngày nay, từ khi trong xóm có gia đình xây nhà, tập kết vật liệu trên đường hẻm mà không che chắn. Từng đống cát, đá đổ tràn ra cả nửa con hẻm. Gặp hôm mưa lớn, cát chảy xuống gây tắc cống thoát nước.
|
Một số người, vì khá bức xúc, đã gặp chủ nhà phàn nàn, đề nghị khắc phục, nhưng chỉ nhận được lời hứa suông, rồi vẫn như cũ. Có lần tôi cũng sang nói chuyện thì chủ nhà khăng khăng cho rằng “đã xin phép chính quyền”, còn về phía người đi đường thì “phải tự chú ý quan sát để đảm bảo an toàn cho mình”.
Có thể nói, tình trạng tập kết vật liệu xây dựng trên vỉa hè, lòng đường đang diễn ra khá phổ biến ở thành phố Kon Tum. Dạo quanh một số tuyến phố lớn như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Đào Duy Từ, chúng ta dễ bắt gặp những công trình đang thi công.
Đa số các công trình đều sử dụng một phần vỉa hè, thậm chí lòng đường, để làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường.
Tại không ít công trình, nhà thầu thi công còn xếp các bao xi măng cao hàng mét chặn ngang vỉa hè không còn lối cho người đi bộ. Đây là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến những tai nạn giao thông không đáng có, khiến người tham gia giao thông cũng như người dân khu vực xung quanh bất an, lo lắng.
Không chỉ gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, việc tập kết vật liệu xây dựng trên vỉa hè nhưng không che chắn kỹ còn là một trong những tác nhân chính làm tăng tình trạng bồi lấp cống thoát nước, gây ngập úng.
Theo một nữ công nhân môi trường, mấy ngày qua mưa nhiều, một số tuyến đường có nhiều hộ gia đình tập kết vật liệu xây dựng trên vỉa hè, khi mưa xuống, cát, đá bị cuốn trôi, lấp kín các điểm thu nước hoặc lưới chắn rác, bồi lấp lòng cống, nước không thoát được. gây úng ngập cục bộ.
Chỉ vào “núi” rác, đất cát được nạo vét lên, chị công nhân phàn nàn: Đấy anh xem, đất, cát, đá dăm dồn xuống như thế này thì thoát nước sao nổi. Giá như các hộ gia đình tập kết vật liệu xây dựng trên hè phố che chắn kỹ càng thì đỡ biết mấy.
Có hộ gia đình đổ vật liệu tràn cả ra đường, đè lên nắp cống, chúng tôi nhắc nhở thì chửi bới, dọa nạt, nói đã xin phép chính quyền phường. Thậm chí có người còn nói “muốn đổ ở đâu thì đổ, không phải là việc của các anh, các chị- một công nhân khác bức xúc kể.
|
Cho đến nay, thành phố Kon Tum vẫn đang đau đầu giải quyết vấn đề đường ngập khi có mưa lớn, và một trong những lý do chính là vì đường cống thoát nước bị tắc khiến nước không kịp thoát.
Và người ta thường đổ lỗi cho hệ thống thoát nước kém, thiếu đồng bộ; đổ lỗi cho chính quyền địa phương thiếu quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị.
Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, một trong những nguyên nhân chính đến từ những đống cát, đá đang “nuốt” vỉa hè kia.
Về phần mình, một chủ tịch UBND phường cho rằng, tình trạng tập kết vật liệu xây dựng ngổn ngang, sai quy định vẫn tồn tại và rất khó xử lý triệt để, do chế tài xử phạt còn thấp và chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tế là ở phố, người dân khi có nhu cầu xây dựng, không tập kết vật liệu trên vỉa hè thì biết tập kết ở đâu?
Cũng không thể phủ nhận rằng, thời gian qua, chính quyền thành phố đã chủ động chỉ đạo các phòng, ban, chính quyền xã, phường tăng cường công tác quản lý vỉa hè, lòng lề đường, hành lang ATGT; xử lý các hành vi chiếm dụng vỉa hè hoặc lòng đường làm nơi để vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những nỗ lực trên là chưa đủ. Nhất là công tác giải tỏa, cưỡng chế hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường chưa thực sự quyết liệt, triệt để; chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm làm ảnh hưởng đến hành lang ATGT.
Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng này, cần có sự phối hợp tích cực của các ngành, địa phương, đơn vị trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm quy định về tập kết vật liệu xây dựng.
Cùng với đó, tổ chức cho các hộ có hoạt động xây dựng ký cam kết không lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để tập kết vật liệu xây dựng; không tập kết vật liệu trên vỉa hè, lòng đường quá 24 giờ (tập kết tạm phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về an toàn giao thông); thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ngoài nỗ lực của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, mỗi đơn vị thi công, hộ gia đình có hoạt động xây dựng cũng cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định về tập kết vật liệu xây dựng, từ đó góp phần giữ gìn môi trường, mỹ quan đô thị; bảo đảm an toàn giao thông, tránh những vụ tai nạn đáng tiếc.
Hồng Lam