Ươm mầm những tài năng

27/01/2017 18:05

​Trung bình mỗi năm, Kon Tum có khoảng 120 học sinh phổ thông đạt các giải học sinh giỏi văn hóa và các cuộc thi tài năng cấp quốc gia. Hành trình tìm kiếm, bồi đắp cho những học sinh giỏi, luôn có sự đồng hành của đội ngũ giáo viên giỏi và tâm huyết với nghề như: cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương (Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc) và Trần Thùy Uyên (Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành) ở thành phố Kon Tum.

Có “duyên” với học sinh tài năng tiếng Anh

28 năm tham gia giảng dạy và quản lý Tổ bộ môn tiếng Anh (Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc, thành phố Kon Tum), cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương đã bồi dưỡng, hỗ trợ các thế hệ học sinh giỏi đạt hơn 20 giải thưởng ở các cuộc thi Olympic tiếng Anh (IOE) và tài năng tiếng Anh (OTE) cấp quốc gia.

Cô Phương nhận xét, muốn học sinh giữ “ngọn lửa” yêu thích lâu dài và chọn môn tiếng Anh để tham gia bồi dưỡng nâng cao rất gian nan. Các em học sinh THCS đang ở tuổi phát triển, tâm lý chưa ổn định, chưa có nhiều ý thức tự giác và kiên trì trong thu nạp kiến thức cho bản thân. Nhiều em học tiếng Việt và áp dụng thực tế chưa thật sự tốt, nên việc học thêm ngôn ngữ thứ 2 là tiếng Anh thật sự giỏi rất khó khăn.

Cô Nguyễn Thị Lan Phương có thâm niên 28 năm giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi. Ảnh: M.T

 

Xác định ban đầu có nhiều cái khó khi chọn học sinh bồi dưỡng chuyên ngoại ngữ, nên cô Lan Phương và các cô giáo trong tổ bộ môn tiếng Anh luôn đảm trách công tác theo dõi, chọn học sinh khối lớp 6 để tập trung việc phát hiện, thử thách và bồi dưỡng tài năng.

Theo cô Phương, công tác này phải thực hiện ngay từ khi các em mới vào trường thì việc xây dựng nề nếp học tập, rèn luyện ý thức tự giác, bồi đắp năng khiếu học sinh thuận lợi hơn và tính chuyên sâu tốt hơn về lâu dài.

Những học sinh sau các đợt làm bài kiểm tra định kỳ ở lớp, lần lượt có thành tích vượt trội được các cô chọn lựa thành đội hình bồi dưỡng học sinh giỏi ban đầu. Tiếp đến, các giáo viên sẽ hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm học tập, nghiên cứu nâng cao môn tiếng Anh cho học sinh. Mỗi cô giáo tiếng Anh phụ trách không chỉ ở khối lớp 6, mà từng khối 7, 8 cũng phải thường xuyên xây dựng tinh thần học tập và rèn thói quen tự học cho học sinh.

Giáo viên cũng là người đóng vai trò quan trọng, tạo sự thân thiện giúp cho học sinh tin tưởng vào bản thân về năng lực. Hành động này thể hiện ở chỗ, lúc các em cần, giáo viên và bạn bè luôn ở cạnh cùng trao đổi ý kiến, tháo gỡ khó khăn, thiếu sót khi hiểu nội dung một số phần bài học nâng cao về từ vựng, về câu, cấu trúc câu, các kỹ năng của bộ môn… Sau khi làm rõ, giáo viên không quên tác động tích cực đến cá nhân tự khám phá phương pháp học mới dễ hiểu bài, ghi nhớ tích cực hơn.

Nhiều năm theo các lớp bồi dưỡng học sinh tài năng tiếng Anh, cô Phương cho biết, năng lực học tập vượt trội của các em còn có yếu tố tác động bên ngoài. Chẳng hạn như, hoàn cảnh gia đình, điều kiện học tập và cả quan hệ bạn bè của các em.

Vì thế, các giáo viên được phân công hỗ trợ lớp học bồi dưỡng cho học sinh giỏi cũng phải tiếp cận, tạo quan hệ hài hòa, thông suốt với phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm lớp, để kịp thời động viên, giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Các em được tạo môi trường bồi dưỡng tích cực nhất, để chuyên tâm học tập nâng cao, vận dụng kiến thức vào thực tế nhiều hơn. Một khi học sinh chủ động, tích cực say mê học tập như thế, sẽ thấy được cái hay, cái đẹp của tri thức, thì khả năng kích thích khám phá, bộc lộ tài năng rõ nét nhất, đưa lại thành công cao nhất.

Suốt 28 năm giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Phương đã dẫn dắt các em đạt nhiều thành tích. Thành công này, cũng giúp các em trở thành những hạt giống tốt, tiếp tục được ươm mầm và tỏa sáng ở các trường trung học phổ thông, đại học sau này.  

 

“Người bạn lớn” của học trò

Nhiều năm qua, ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, cô giáo Trần Thùy Uyên (Tổ trưởng Tổ chuyên Địa lý) luôn được các bậc phụ huynh nhận xét là giáo viên nghiêm khắc nhưng rất nhẹ nhàng, yêu mến học trò. Cô như  một “người bạn lớn” để các trò chia sẻ những khó khăn trong học tập và chung niềm đam mê chinh phục tri thức.

Cô Uyên kể rằng, bản thân từng là học sinh của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, cô đã trở về trường cũ giảng dạy. Cô Uyên mong muốn tiếp bước các thầy cô giáo, đóng góp xây dựng thành tích giáo dục mũi nhọn ở trường.

Sau thời gian công tác tích cực, từ năm học 2007 – 2008 đến nay, cô được công nhận là giáo viên giỏi cấp tỉnh và được giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ chuyên Địa lý. Ở vị trí này, cô và 4 cộng sự khác đã nỗ lực tìm nguồn học sinh tài năng, quan tâm động viên các em vượt qua khó khăn, mang về nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia.

Tâm sự về nghề, cô chia sẻ, với cách nhìn nhận của đại đa số phụ huynh và xã hội, thì Địa lý là môn phụ chỉ dành cho học sinh chọn thi vào các trường đại học theo phân ban khối C. Việc học sinh giỏi tự chọn vào đội tuyển thi cấp quốc gia đối với môn Địa lý rất hiếm. Các cô phải phối hợp Tổ bộ môn khác, để vận động phụ huynh và khuyến khích cả học sinh giỏi đăng ký chuyên môn Địa lý.

Cô Trần Thùy Uyên - Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Ảnh: M.T

 

“Mỗi giáo viên chuyên phụ trách ở từng khối lớp 10 và 11, thường là người gần gũi học trò, quan tâm đến các em ham học, có năng lực đối với bộ môn Địa lý. Rồi giáo viên gần gũi, thuyết phục học sinh và kêu gọi sự cộng tác của phụ huynh, tạo điều kiện cho con em tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia” - cô Uyên nói về gian nan tìm học sinh có tài năng môn Địa lý để bồi dưỡng.

Quá trình dạy chuyên, tổ lại phân công giáo viên thường xuyên nắm bắt tâm lý, tạo niềm tin cho học sinh về khả năng xử lý được nguồn vốn kiến thức chuyên, đồng thời giúp các em bồi dưỡng, nâng cao và thực hành tốt kỹ năng vận dụng, xử lý kiến thức chuyên sâu vào giải quyết các bộ đề thi.

Cô Uyên còn cho biết, nhiều thời điểm tập trung ôn luyện, giải các bộ đề chuẩn bị cho kỳ thi cấp quốc gia, cô trò đều căng thẳng, chịu không ít áp lực. Những lúc như thế, các thầy cô giáo trong tổ kiên trì, là chỗ dựa vững chắc về mặt tâm lý, tiếp thêm “lửa” cho học sinh có khao khát chinh phục tri thức.

Các giáo viên cũng không nề hà việc đưa các em về nhà cùng ôn thi, bởi thời gian học trên lớp vẫn cảm thấy chưa đủ. Khi các em chụm vào giải đề, thì các cô sẵn sàng phân công nhau vào bếp trổ tài nấu nướng. Sau buổi học bồi dưỡng, mọi người có bữa tiệc nho nhỏ, vừa bổ sung dinh dưỡng, vừa xả stress.

Cô Uyên nói: Từ sự gần gũi này, học sinh trân trọng tình cảm, công sức thầy cô gửi gắm vào các em mà nỗ lực hơn trong học tập, mang về những thành tích cao.

13 năm bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý, Tổ chuyên Địa lý (Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành) có 15 lượt em đạt giải nhì, ba, khuyến khích học sinh giỏi quốc gia. Không ít thế hệ học trò của cô Uyên đã trở thành thủ khoa của các trường đại học trong cả nước và thành đạt ngoài xã hội.

Điển hình như em Nguyễn Hữu Hưng đạt giải Nhì môn Địa lý cấp quốc gia năm học 2011 – 2012, sau đó thi đỗ thủ khoa đầu vào Trường Đại học An ninh nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2014 đến nay, Hưng tiếp tục nhận được học bổng toàn phần và đang du học tại nước Nga.

Trần Hà

Chuyên mục khác