19/10/2016 13:57
Khi chúng tôi đến cũng là lúc chị em Chi hội Phụ nữ làng Kon Nhên, thôn 8, xã Đăk Ruồng đang đóng tiền tiết kiệm. Các chị cho biết, thực hiện tiết kiệm theo lời Bác dạy, ngoài việc góp vốn xoay vòng, 25 thành viên trong Chi hội còn tự nguyện tham gia vào tổ tiết kiệm và vay vốn thôn. Dù mới thành lập từ tháng 12/2015 nhưng đến nay, tổ hoạt động rất hiệu quả, giúp đỡ nhiều chị em trong những lúc khó khăn, ngặt nghèo.
Tham gia vào tổ tiết kiệm, mỗi tháng vào ngày 15 và 30, các chị em trong tổ tập trung lại, vừa họp vừa tổ chức đóng tiền. Một lần các thành viên được đóng tối đa 5 dấu, tối thiểu 1 dấu, mỗi dấu trị giá 20 ngàn đồng.
|
“Cùng với đó, trong mỗi lần đóng, chúng tôi cũng đóng luôn quỹ xã hội: 5 ngàn đồng/lần. Số tiền trong quỹ xã hội và tiền lãi sẽ được cả tổ trích ra hỗ trợ, giúp đỡ, thăm hỏi các thành viên bị đau, ốm hay sẻ chia lúc gia đình có người ốm đau, tang gia, hoạn nạn” – chị Y Hur - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Kon Nhên cho biết.
Số tiền các chị đóng được để trong một cái rương nhỏ có 3 khóa và được cất giữ cẩn thận. Với phương châm “gửi lẻ rút chẵn, vay chẵn trả lẻ”, mỗi tháng, các chị sẽ xem xét hoàn cảnh nào khó khăn, túng thiếu và cho vay.
Mỗi một lần, một chị sẽ được vay gấp 3 lần số tiền mình đã gởi tiết kiệm (ví dụ đã đóng tiết kiệm được 1 triệu đồng thì sẽ được vay tối đa 3 triệu đồng) và mỗi tháng cứ 1 triệu đồng, các chị sẽ trả 10 ngàn tiền lãi. Số tiền cả lãi lẫn gốc sẽ phải hoàn trả trong vòng 3 tháng và chuyển lại cho chị khác vay.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Trần Thị Thúy phấn khởi: Vừa qua tôi được cho vay 2,5 triệu để hùn thêm tiền mua bò. Dù ít thôi nhưng số tiền đó đã giúp tôi ban đầu rất lớn. Nếu không có số tiền đó có lẽ tôi không mua được rồi.
Hay như chị Y Hur, vừa rồi con chị bị đau, trong lúc túng thiếu, chị đã được vay 1 triệu đồng để lo cho con. Số tiền đó đã giúp con chị được chữa trị kịp thời, vượt qua được bệnh tật.
Bên cạnh việc tham gia vào tổ tiết kiệm, từ tháng 3/2016, chị em trong chi hội làng Kon Nhên còn vào đẩy mạnh mô hình nuôi heo đất. Mỗi tháng đến ngày 15, các chị tự nguyện bỏ tiền vào heo đất. Khi heo đất đầy, các chị sẽ cùng đập ra, sử dụng nguồn tiền đó giúp đỡ các chị em.
“Tiền thì không nhiều đâu nhưng đó là tấm lòng, sự tương trợ, sẻ chia của chị em lúc khốn khó. Từ lúc hoạt động, các chị em đoàn kết hơn, biết san sẻ và thương yêu nhau hơn” – chị Hur cho hay.
Cũng như chị em làng Kon Nhên, phát huy tinh thần tương thân tương ái, chị em phụ nữ chi hội làng Kon Sơ Rệt, thôn 9 cũng cùng chung tay, góp sức giúp các chị em nghèo thông qua mô hình hũ gạo tình thương.
Hàng ngày, mỗi khi nấu cơm, các chị lại bớt một nắm gạo cho vào túi ni lông, cứ như thế, đến tháng các chị cùng mang đến đổ vào hũ.
|
“Trong 1 năm, các chị em đã góp được hơn 400kg gạo. Số gạo đó, chúng tôi đã giúp cho những người đơn thân 200kg, những gia đình khó khăn 100kg. Số còn lại chúng tôi bán rẻ lại cho các hộ gia đình phụ nữ nghèo với mức giá 7.000 đồng/kg để gây quỹ. Hoạt động này thật sự thiết thực, dù không nhiều nhưng thể hiện được sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của chị em” – chị Y Dim - Chi hội trưởng chi hội làng Kon Sơ Rệt chia sẻ.
Bên cạnh việc giúp nhau trong việc vay vốn hay giúp gạo, các chị em trong xã Đăk Ruồng còn nhiệt tình giúp đỡ nhau ngày công, cây con giống.
Như trường hợp của chị Y Ly ở làng Kon Nhên, chị có 3ha mì nhưng vừa qua chị bị đau nặng, không đi làm cỏ được khiến cỏ cao ngập cả mì. Thấy vậy, để chị Ly an tâm chữa trị, chẳng cần chị Ly phải nhờ, tất cả chị em phụ nữ trong chi hội liền bàn bạc, tập trung giúp chị làm sạch cỏ mì. Sau khi giúp xong, chị em còn đến động viên, thăm nom, chia sẻ để chị mau khỏe.
“Nếu không có sự giúp đỡ của các chị chắc mì của nhà mình mất thu luôn rồi. Thật sự mình rất xúc động và cảm ơn các chị em nhiều lắm” – chị Ly xúc động.
Hay như trường hợp của chị Y Hur, trong thời gian chị Hur chăm con bị đau dưới bệnh viện, các chị em trong chi hội cũng tự bàn bạc rồi tổ chức làm cỏ mì giúp chị Hur. Và bất kể trường hợp nào, chỉ cần khó khăn, các chị em liền giúp đỡ tận tình.
Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao, bằng các hoạt động cụ thể, chị em phụ nữ xã Đăk Ruồng đã cùng đoàn kết, chung sức giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
“Khi tham gia các mô hình, hoạt động, ngoài việc được chia sẻ, bản thân mỗi chị cũng mạnh dạn hơn, hiểu hơn về cách quản lý tài chính hộ gia đình, có thói quen tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, giúp đời sống kinh tế ổn định hơn rất nhiều. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình để khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của chị em” – chị Lê Thị Làn - Chủ tịch hội LHPN xã Đăk Ruồng cho biết.
BA