Tu Mơ Rông: Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi

30/10/2024 13:09

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi (Chương trình), từ nguồn vốn của Chương trình, huyện Tu Mơ Rông đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.

Người dân thôn Kon Hia 2, xã Đăk Rơ Ông nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn của Chương trình đã được đầu tư làm đường đi khu sản xuất. Với số vốn 1,2 tỷ đồng của năm 2024, được phân bổ, UBND xã Đăk Rơ Ông đã khẩn trương triển khai các hạng mục đường đến khu sản xuất thôn Kon Hia 2. Đến nay, tuyến đường đã hoàn thành, tỷ lệ giải ngân vốn đạt 100%.

Ông A Hồng (trưởng thôn Kon Hia 2) cho biết: Trước đây, khi chưa được làm đường, mỗi khi ra khu sản xuất rất khó khăn. Đường dốc, nhỏ hẹp, mùa mưa thì trơn trượt, mùa khô thì gồ ghề, bụi bặm. Đi lại khó khăn nên việc đầu tư cũng hạn chế, nông sản làm ra cũng khó vận chuyển về làng, tư thương ép giá, giảm sút thu nhập. Nay có tuyến đường trải bê tông, người làng có xe máy chạy ra đến tận khu sản xuất, ai nấy đều mừng vì mọi việc thuận lợi hơn.

Đường đến khu sản xuất thôn Kon Hia 2, xã Đăk Rơ Ông được làm đã giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: P.N

 

Cũng như ở thôn Kon Hia 2, người dân thôn Ty Tu, xã Đăk Hà trong năm nay cũng được hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình để kiên cố hóa kênh mương thủy lợi Ngô Mông ở thôn. Với kế hoạch vốn 800 triệu đồng được phân bổ từ đầu năm, xã Đăk Hà là đơn vị chủ đầu tư đã khẩn trương triển khai và đến nay đã giải ngân 100%, đưa công trình vào sử dụng.

Ông Dương Đăng Khoa- Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết: Chương trình đã đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sinh kế cho người dân phát triển kinh tế hộ gia đình. Chỉ tính riêng năm 2024, xã được giao làm chủ đầu tư 5 công trình: Đường đi khu sản xuất Đăk Ter, thôn Kon Pia, cầu treo đi khu sản xuất Đăk Ter, thôn Kon Pia, hệ thống điện chiếu sáng nông thôn tại các thôn trên địa bàn xã, đường đi khu sản xuất Tê Tri, thôn Ngọc Leang và kiên cố hóa kênh mương thủy lợi Ngô Mông, thôn Ty Tu với tổng kế hoạch vốn đầu tư hơn 3,2 tỷ đồng. Đây là những công trình phục vụ cấp thiết cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân nên xã đã khẩn trương triển khai và đến nay đã có một số công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Người dân xã Đăk Na được hỗ trợ sinh kế phát triển nuôi bò. Ảnh: PN

 

Là huyện nghèo, với trên 95% dân số là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm đa số trong tổng dân số toàn huyện, việc triển khai hiệu quả Chương trình có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo thống kê, từ nguồn vốn được giao, thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã triển khai hỗ trợ đất ở cho 10 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 38 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.198 hộ; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 1 hộ; bố trí xắp xếp, ổn định dân cư cho 65 hộ; trồng 635,59 ha ha rừng với sự tham gia của 655 hộ; phê duyệt 11 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 8 dự án  hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng; thăm hỏi, tặng quà vào các dịp Tết Nguyên đán, khi ốm đau đối với lực lượng người có uy tín trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện đã tiến hành đầu tư xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt tập trung; xây dựng, nâng cấp sửa chữa 33 công trình giao thông, thủy lợi và 1 công trình chợ trung tâm xã; duy tu bảo dưỡng 82 công trình trên địa bàn 11 xã; xây dựng 11 công trình phòng ở cho học sinh bán trú, nội trú; xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch ở trường học; xây dựng nhà sinh hoạt, giáo dục văn hóa dân tộc ở trường học; 11 công trình hệ thống điện chiếu sáng nông thôn phục vụ cho khoảng 7.065 hộ. 

Để việc hỗ trợ sinh kế cho người dân từ Chương trình thực sự phát huy hiệu quả, huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc huyện phối hợp với các xã triển khai rà soát, lấy nhu cầu của người dân. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành các quyết định phê duyệt danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện. Qua rà soát, người dân chủ yếu đăng ký hỗ trợ các loại cây dược liệu như đảng sâm, mắc ca, lan kim tuyến, đương quy, ngũ vị tử, sâm Ngọc Linh, cây công nghiệp như cà phê Catimor, cà phê vối, một số loại cây ăn quả và chăn nuôi trâu, bò, heo.

Theo ông Vương Văn Mười- Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện,  từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình cơ sở hạ tầng ở tất cả các xã trong huyện được quan tâm đầu tư cả về số lượng và chất lượng, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Cùng với đó, từ nguồn vốn hỗ trợ, cộng với sự định hướng của huyện trong việc hỗ trợ phát triển sinh kế đã giúp người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS trên địa bàn huyện thay đổi phương thức sản xuất, mạnh dạn thay đổi, phát triển những loại cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao, lâu dài và bền vững.           

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác