02/11/2024 06:01
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, phụ nữ và trẻ em gái thường dễ bị tổn thương hơn cả trước thất nghiệp, đói nghèo, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Hơn thế, phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả từ việc bất bình đẳng giới còn tồn tại trong cuộc sống.
Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS, còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Họ không được đại diện đầy đủ trong quá trình ra quyết định kinh tế và chính trị; phải chịu đựng bạo lực và phân biệt đối xử.
Vì vậy, mục tiêu của tỉnh là thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, trong đó chú trọng chấm dứt bạo lực giới; mở rộng và tạo điều kiện cho các cơ hội kinh tế cho phụ nữ; tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc nhấn mạnh.
|
Những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả. Phụ nữ ngày càng có đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế.
Có thể thấy rất rõ kết quả của sự nỗ lực ấy ở lĩnh vực việc làm cho phụ nữ. Trong những năm gần đây, việc làm cho lao động nữ đã có nhiều cải thiện. Chênh lệch trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam và nữ ở mức thấp, trong khi tỷ lệ lao động nữ khá cao.
Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh, đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động chiếm 47,99% (165.060 người). Tỷ lệ lao động có việc làm giữa nam và nữ chênh lệch không đáng kể, ở mức 0,24 điểm phần trăm (99,52% và 99,28%).
Việc làm cho lao động nữ rất đa dạng. Họ có thể tham gia ở hầu hết các công việc trong đời sống xã hội, tập trung ở các lĩnh vực hành chính sự nghiệp, công nghiệp nhẹ, thương mại và dịch vụ.
Cơ hội việc làm của phụ nữ trong một số phương diện khác của thị trường lao động cũng từng bước được cải thiện. Chênh lệch tiền lương đang dần được thu hẹp hơn, do sự phân chia lại trong nghề nghiệp; phân biệt đối xử với phụ nữ tại môi trường làm việc cũng đang được khắc phục.
Một khi phụ nữ được tiếp cận và có việc làm sẽ cải thiện thu nhập và nâng cao quyền tự chủ cũng như tiếng nói để giữ vai trò tích cực hơn trong đời sống cá nhân và cộng đồng
Đặc biệt là về vấn đề tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia hoạt động quản lý, điều hành. Hiện toàn tỉnh có khoảng 11.436 nữ cán bộ, công chức, viên chức (chiếm 63,65%); tỷ lệ cán bộ lãnh đạo nữ tăng lên đáng kể.
Theo đó, cấp tỉnh có 182 cán bộ nữ giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên; cấp huyện có 263 cán bộ nữ giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên. Ở cấp xã, có 367 cán bộ nữ giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND và cấp trưởng, cấp phó tổ chức chính trị xã hội.
Nhiệm kỳ 2021 - 2026, có 2 nữ đại biểu Quốc hội (chiếm 33,33%), 18 nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh (chiếm 35,29%), 95 nữ đại biểu HĐND cấp huyện (chiếm 30,06%) và 850 nữ đại biểu HĐND cấp xã (chiếm 39,32%).
Tại Hội thảo khoa học cấp tỉnh (lần 1) về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ là người DTTS ở tỉnh Kon Tum giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2045 (tổ chức tháng 8/2024), Ban Tổ chức Tỉnh ủy đánh giá: Cán bộ nữ của tỉnh vững vàng về tư tưởng chính trị, năng động, sáng tạo trong công việc, phát huy được vai trò trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả công tác; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao
Tuy nhiên, Hội thảo cũng chỉ ra rằng, vẫn còn một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa chú trọng đúng mức công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ nữ; thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương về công tác cán bộ nữ của Đảng, Nhà nước dẫn đến việc bố trí, sử dụng cán bộ nữ còn thấp.
|
Ở các khía cạnh khác, vẫn tồn tại bình đẳng giới hình thức. Phụ nữ và trẻ em gái vẫn yếu thế, dễ bị “bắt nạt” hơn; khó có cơ hội độc lập về kinh tế và phát triển các mối quan hệ. Từ đó giảm quyền lên tiếng khi quyết định các vấn đề trong gia đình và cộng đồng.
Bởi thế, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 (từ ngày 15/11 đến ngày 15/12) với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” được xem là một trong những cơ hội để chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động vì phụ nữ và trẻ em gái.
Kế hoạch số 3872/KH-UBND ngày 28/10 của UBND tỉnh về hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 cũng xác định huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện bình đẳng giới, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái.
Thay đổi định kiến giới, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái là mục tiêu không dễ đạt được. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị toàn xã hội, chúng ta có thể đem đến sự thay đổi mạnh mẽ.
Mỗi hành động của chúng ta sẽ góp phần xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái; trao quyền cho phụ nữ; đạt được sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới.
Hồng Lam