15/01/2017 18:00
Đến thăm gia đình chị Y Plic (26 tuổi), trú tại thôn Lay, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum. Chị Y Plic bị teo một chân nên đi đứng rất khó khăn. Chị kể: Mình mới lập gia đình và đã có một đứa con hơn 1 tuổi. Hai vợ chồng mình làm nông, mình lại bị tật cái chân nên không đi làm việc nặng được, chỉ ở nhà chăm con nên kinh tế gia đình rất khó khăn.
“Nhờ Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ 14 triệu đồng xây dựng một quầy bán hàng tạp hóa tại nhà mà mỗi tháng bình quân mình thu nhập được trên 3 triệu đồng, nên đã chăm lo được nhiều cho gia đình. Từ nay trở đi, mình khỏi phải lo cực khổ nữa” - chị Y Plic xúc động.
Còn chị Y Hà (28 tuổi), trú tại xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ xây dựng cho một căn nhà ở.
Chị cho biết: Mình bị khuyết tật bẩm sinh ở chân nên chỉ làm được việc nhẹ thôi, mọi việc gia đình đều nhờ vào sức lao động của chồng là chính. Mình lấy chồng từ năm 2007, nghề nghiệp làm nông và đến nay đã có 3 đứa con, nên kinh tế gia đình thường thiếu trước hụt sau.
“Khi được Hội hỗ trợ xây dựng cho một căn nhà khang trang như thế này, gia đình rất phấn khởi. Mình rất cảm ơn Hội, cám ơn nhà tài trợ đã tạo điều kiện hỗ trợ cho gia đình mình có một ngôi nhà ở đảm bảo, khang trang, sạch đẹp” - chị Y Hà chia sẻ.
Cảm động nhất là khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Lý Thái Sơn (31 tuổi) trú tại thôn 6, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô bị teo cơ tay và chân từ khi mới 3 tuổi, nên việc đi lại và học tập rất khó khăn.
Năm 2010, anh theo học lớp sửa chữa điện thoại di động tại thành phố Kon Tum. Sau gần 1 năm học tập vất vả, anh đã có nghề và trở về địa phương mở tiệm sửa chữa điện thoại di động. Qua 5 năm sửa chữa có uy tín, đến nay, khách hàng trong 2 xã Kon Đào và Đăk Rơ Ông phần lớn đều đem đến nhờ anh sửa, nên thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Từ nguồn vốn tích lũy đó, anh đầu tư thêm cho tiệm sửa chữa điện thoại di động trên 50 triệu đồng, ngoài ra anh còn thuê người trồng được 1.000 cây cà phê, 2 ha mì, nuôi 6 con bò, vài con heo thịt… Nhờ vậy, gia đình anh đã thoát nghèo.
|
Vợ chồng anh Vi Văn Xuân bị mù đôi mắt và chị Lương Thị Thắt bị liệt một tay, đều là dân tộc Tày, trú tại thôn 4, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô. Nhờ cần cù lao động, cộng với sự hỗ trợ của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh giúp đỡ, nên đến nay gia đình anh chị đã có 1,5 sào ruộng lúa 2 vụ, quanh vườn trồng rau các loại và chuồng nuôi gà rộng khoảng 250m2, thu nhập bình quân trên 2,5 triệu đồng/tháng.
Vợ chồng anh Lê Văn Thạch và chị Vũ Thị Lệ trú tại thôn 5, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum đều bị tật chân tay do bại liệt từ nhỏ. Thấy hoàn cảnh khó khăn của anh chị, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã hỗ trợ 10 triệu đồng mua 1 chiếc xe bán hàng cùng với 4 triệu đồng để vợ anh bán hàng trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh của xã.
Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ vợ chồng anh Thạch 2 con bò cái sinh sản và đến nay đã sinh được 1 con bò nghé gần 1 năm tuổi. Khi rảnh rỗi, anh còn đi xe ba bánh ra tận trung tâm thành phố Kon Tum bán vé số để có thêm thu nhập. Đến nay, vợ chồng anh đã xây dựng được căn nhà cấp 4 khá khang trang.
Tâm sự với chúng tôi, bà Vũ Thị Minh Huệ - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn người khuyết tật và trẻ mồ côi đã được các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ về cả tinh thần và vật chất, nhằm động viên họ vươn lên trong cuộc sống và xóa bỏ mặc cảm với cuộc đời.
Riêng trong năm qua, Hội đã vận động xây dựng quỹ “Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi của tỉnh” được trên 5,172 tỷ đồng... Từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân, Hội đã hỗ trợ cho 5.945 lượt người khuyết tật và trẻ mồ côi với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.
Một mùa xuân nữa lại đến với mọi nhà. Trong niềm vui xuân mới này, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi các cấp cũng đã chuẩn bị nhiều phần quà để đến thăm, động viên những người khuyết tật và trẻ mồ côi trong tỉnh. Sự quan tâm ấy sẽ sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh, mang về cho họ một mùa xuân ấm áp.
Trần Văn Phúc