Sống xanh

03/02/2025 06:33

Sống xanh (green living) đang là xu hướng được nhiều người, nhất là giới trẻ, ủng hộ mạnh mẽ. Hiểu một cách đơn giản, sống xanh là một lối sống lành mạnh và bền vững, thay đổi các thói quen hàng ngày có thể tác động tiêu cực đến môi trường, đến thiên nhiên.

1. Mô hình lối sống xanh, bền vững hiện đang được nhân rộng tại nhiều quốc gia bởi nó góp phần nâng cao sức khỏe, bảo vệ môi trường; rộng hơn là có vai trò và ý nghĩa to lớn với sự phát triển bền vững.

Ở nước ta, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 đã nêu rõ mục tiêu xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Cụ thể, xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập.

Với sự thúc đẩy từ các chủ trương, chính sách vĩ mô của Chính phủ, sự lan tỏa từ các mô hình, việc làm cụ thể, ngày càng có nhiều người nhận ra rằng, hành vi của họ có thể tác động mạnh mẽ đến môi trường.

Từ đó thay đổi lối sống, được thể hiện qua các hành vi mua sắm xanh, sử dụng sản phẩm xanh, tham gia các phong trào sống xanh, hướng đến những giá trị bền vững về sức khỏe và môi trường.

Tuy nhiên, sống xanh không phải một khái niệm phức tạp hay trừu tượng, mà rất gần gũi và đơn giản, có thể được hình thành từ những thói quen nhỏ nhặt của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.

Tôi muốn kể một câu chuyện để chứng minh cho điều đó!

Sử dụng sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường. Ảnh: HL

 

Phải nói rằng tôi rất có ấn tượng với hình ảnh mấy chị em trong xóm xách làn đi chợ hàng ngày. Một cái làn mây, có nắp đậy hẳn hoi. Thực phẩm được xếp gọn gàng, chứ không lỉnh kỉnh từng túm, từng túm, trừ thực phẩm tươi sống như cá, thịt mới phải dùng túi.

Nhưng thói quen này chỉ mới hình thành chưa lâu, với sự tiên phong của chị Vân, một cán bộ phụ nữ sống trong xóm. Trước đây, chị em cũng giống như bao nhiêu bà nội trợ khác, mỗi lần từ chợ về là túi lớn, túi nhỏ xách nặng cả tay.

Mỗi loại thực phẩm là một cái túi, thực phẩm tươi sống không nói, ngay cả mớ rau muống, bó rau cải, nhúm hành khô, mấy quả ớt tươi, mỗi thứ chủ hàng lại bỏ vào một cái túi. Thành thử, lần nào đi chợ về cũng có cả chục cái túi nilon.

Gần đây, cư dân trong xóm bắt đầu thấy chị Vân xách làn đi chợ. Có người tò mò hỏi, chị giải thích: làm như vậy mục đích chính là để hạn chế lượng túi nilon đựng mỗi loại thực phẩm mình mua. Rau, củ, quả thì để thẳng vào trong làn, còn lại thực phẩm tươi sống thì mới dùng đến túi nilon để đựng cho sạch. Như thế mỗi lần chỉ phải dùng vài túi nilon thôi.

Học theo chị, nhiều ngày nay, chị em phụ nữ trong xóm cũng xách làn đi chợ. Vài lần đầu còn thấy vương vướng, nhưng sau đó quen và thấy cũng tiện, dễ sử dụng, không vướng víu, cồng kềnh như từng nghĩ.

Vậy là chị đang thực hành sống xanh rồi đấy- tôi khen. Chị cười: Nào chị có biết sống xanh là gì. Chỉ thấy rằng, một cái làn đi chợ được quanh năm; lượng rác ít đi, túi nilon không còn vứt vương vãi nữa, môi trường quanh nhà cũng sạch hơn. 

Bản thân tôi cũng học theo, tự đặt mục tiêu cho mình là hạn chế tối đa việc xả rác thải nhựa. Tôi mua một chai thủy tinh đem nước theo trên xe để uống, thay vì mua hẳn một thùng nước suối 24 chai như trước.

Tôi không mua thức ăn, đồ uống đựng trong hộp xốp, hộp nhựa, ly nhựa, túi nilon. Khi uống cà phê, tôi không để lại một phần đem về cơ quan uống tiếp như trước, vì như thế sẽ phải cần đến ly nhựa. Khi phải mua cơm quán về ăn, tôi đã có sẵn một cái hộp bằng inox.

Trên xe của tôi lúc nào cũng có một cái túi vải có thể sử dụng được nhiều lần, phòng khi phải mua gì đó ở chợ hay cửa hàng. Khi ấy, thay vì đựng mỗi thứ vào một túi nilon, tôi yêu cầu người bán bỏ chung vào túi vải.

Tôi không nghĩ mình đang làm điều lớn lao, nhưng lại tin rằng, ít nhất nó cũng có sức lan tỏa trong thực tế hơn những lời hô hào, khẩu hiệu về hình thành lối sống xanh.

2. Bây giờ mới là chuyện liên quan đến Tết!

Khi đang tìm hiểu về sống xanh, tôi bất chợt nhận ra, Tết chính là một “cơ hội”, là dịp để mỗi người thực hành lối sống xanh một cách rõ ràng nhất. Và tôi cho rằng, đây là một thay đổi khá mạnh mẽ.

Cuộc gặp gỡ với một nhóm bạn trẻ trong chiều cuối năm đã gợi mở cho tôi nhìn thấy điều đó!

Hôm ấy, dừng xe dưới cột cờ Tổ quốc ở Quảng trường 16/3, tôi thấy một nhóm bạn quen đang bàn chuyện khá sôi nổi, trong đó có Hân- sinh viên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum- ở gần nhà.

Nhận ra tôi, các bạn rối rít chào hỏi. Tôi tò mò: Các bạn đang bàn chuyện gì vui thế? Đáp rằng: Đang bàn chuyện Tết ạ. Vậy đã xong chưa? Đáp rằng: Rồi ạ. Cả nhóm thống nhất sẽ ăn Tết xanh.

Tết xanh? Hay đấy nhỉ- tôi tò mò.

Mọi năm, Tết là thời điểm tụi em mua sắm tưng bừng nhất, thanh niên mà. Nhưng năm nay, Tết xanh đang là xu hướng. Đó là chi tiêu đúng mực, vừa phải, không lãng phí; ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, có thể tái chế, tái sử dụng; lựa chọn ủng hộ các doanh nghiệp có sản phẩm xanh, thân thiện- một bạn nói.

Còn Hân? Tôi hỏi.

Mua sắm hợp lý, đủ dùng trong dịp Tết. Ảnh: HL

 

Hân cười: Em cũng nghĩ như vậy. Mọi năm, em luôn mua sắm khá nhiều, từ quần áo, giày dép đến các loại đồ dùng sinh hoạt khác. Hơn nữa, gia đình em cũng mua sắm đủ thứ, qua Tết rồi vẫn còn rất nhiều, thậm chí bị hư hỏng phải vứt bỏ, vừa lãng phí vừa xả nhiều rác ra môi trường. Vì vậy, năm nay em chỉ mua những thứ thật sự cần thiết; vận động bố mẹ sắm Tết với vừa phải, ưu tiên sử dụng sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường.

Em nghĩ, không chỉ bản thân mình đón Tết xanh, mà cần lan toả những giá trị sống xanh, sống bền vững tới mọi người xung quanh và tới cộng đồng xã hội. Và Tết là cơ hội để vận động mọi người thực hiện tiêu dùng xanh, tức là giảm thiểu lãng phí, xả rác thải; lựa chọn các sản phẩm, thực phẩm an toàn anh ạ- Hân chia sẻ.

Nghe Hân nói, tôi nhớ lại chuyện sắm Tết của nhiều gia đình mà giật mình. Như nhà anh tôi thôi, Tết về là tôi choáng với mức độ mua sắm, chuẩn bị thực phẩm. Rau củ, bánh chưng, các loại nem chả, thịt, cá, tôm, mực, thịt heo, thịt gà cho đến bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm khô cứ gọi là chất đầy trong tủ lạnh, tủ bếp.

Còn cái khoản cây cảnh, hoa trang trí Tết thì khỏi bàn. Từ mai, đào, quất, đến đa, sung, bưởi, chỉ cần anh thấy hay, thấy đẹp là sẵn sàng “móc hầu bao” ngay.

Điều xót xa là, sau Tết, phải đến phân nửa trong số đó bị hư hỏng, phải đổ bỏ đi. Những chậu hoa hàng chục triệu đồng cũng bỏ ra… xe rác.

Chính vì tâm lý sắm sửa và tiêu dùng nhiều trong những ngày Tết, nên lượng rác thải cao hơn hẳn ngày thường.

Mua sắm, bày biện để có cái Tết chu đáo, trang trọng, đủ đầy là phong tục, là nhu cầu tất yếu của mỗi người, mỗi nhà. Tuy nhiên cần mua sắm vừa đủ, nên cắt giảm tối đa những thứ không cần dùng đến.

Điều đáng ghi nhận, cùng với việc sống xanh đang ngày càng lan tỏa, đón Tết xanh, trên tinh thần tiết kiệm, hợp lý cũng dần phổ biến. Không ít gia đình chỉ mua đồ ăn đủ cho 3 ngày Tết, tránh tình trạng dư thừa sau tết, bị hư hỏng phải vứt bỏ, gây lãng phí.

Một kế hoạch chi tiêu ngày tết bài bản sẽ không bao giờ thừa, bởi nó sẽ giúp chúng ta xác định rõ những món quan trọng không thể thiếu, cũng như cắt giảm những thứ không thực sự cần thiết, tránh được việc mua sắm ngẫu hứng, nhớ đến đâu mua đến đấy, “vung tay quá trán”.

Hơn nữa, khi sắm Tết, nên  ưu tiên các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường, có thể tái chế để hạn chế rác thải và tiêu hao tài nguyên.

Rõ ràng là, cách sinh hoạt, sản xuất và tiêu dùng của từng người đều  có tác động trực tiếp, thậm chí là đáng kể đến sức khỏe và môi trường. Việc sống xanh và đón Tết xanh giúp ta duy trì một cuộc sống lành mạnh, khỏe mạnh, giảm thiểu hoặc không gây tổn hại đến môi trường xung quanh.

Tôi tin rằng, không phải cứ mua sắm thật nhiều, ăn uống cỗ bàn linh đình, trang hoàng nhà cửa thật đẹp thì mới ra Xuân, mới ra Tết.

Bây giờ, đón Tết xanh mới là Tết!

HỒNG LAM

Chuyên mục khác