Sa Thầy: Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và huy động học sinh DTTS đến trường

14/09/2024 13:15

Huyện Sa Thầy hiện có 21 thành phần dân tộc, trong đó đồng bào DTTS chiếm 57% dân số toàn huyện. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Huyện ủy, UBND huyện luôn chú trọng đến công tác phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và huy động học sinh DTTS ra lớp.

Đến thăm thầy và trò Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) xã Ya Ly  trong ngày đầu khai giảng năm học 2024-2025, Hiệu trưởng Ngô Văn Lượng cho biết: Toàn trường hiện có 10 lớp tiểu học với 203 học sinh DTTS. Trong những năm qua, nhà trường thực hiện nhiều giải pháp để vận động học sinh tiểu học bỏ học ra lớp, nhằm đảm bảo tỷ lệ chuyên cần và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh DTTS cấp tiểu học ra lớp năm học 2020-2021 đạt 99%, đến năm học 2023-2024 đạt 100% và tiếp tục duy trì trong năm học 2024-2025. Học sinh DTTS bậc tiểu học năm học 2020-2021 có 99,1% học sinh hoàn thành chương trình và còn 0,9% học sinh yếu; đến năm học 2023-2024 tăng lên 99,6% học sinh hoàn trình lớp học và giảm học sinh yếu còn 0,4%.

Tặng túi xách cho học sinh Trường TH-THCS Ya Ly. Ảnh: TVP

 

Cô Đinh Thị Kim Tùng- Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Rờ Kơi kể: Trường nằm ở địa bàn xã biên giới, có điều kiện kinh tế khó khăn, trong đó 97% đồng bào DTTS. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhà trường  huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt 100%. Hàng năm, nhà trường rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất và xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực đầu tư trang bị đồ dùng đồ chơi, tạo môi trường để trẻ vui chơi học tập.

Bà Võ Thị Kim Dung- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Sa Thầy cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 6/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về “Nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Nghị quyết số 02-NQ/TU), Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo ngành GD&ĐT huyện tổ chức quán triệt đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Nhờ đó, nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là đồng bào DTTS về sự nghiệp “trồng người” được nâng lên đáng kể.

Trong năm học 2024-2025, toàn ngành có 38 trường, với 562 lớp, tăng 4 lớp so với năm học 2020-2021. Theo đó, cơ sở vật chất phòng học, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư cơ bản đảm bảo cho việc triển khai nhiệm vụ nâng cao chất lượng GD&ĐT. Cụ thể, các trường học được bổ sung 41 phòng học, 8 công trình vệ sinh, 3 công trình nước sạch, 6 phòng học bộ môn, 3 nhà hành chính-quản trị. Riêng đối với phòng học, so với năm học 2020-2021, số phòng học được kiên cố hóa tăng 33 phòng, đạt 79,7%, tăng 2,5%.

Giờ học của học sinh Trường Mầm non xã Rờ Kơi. Ảnh: T.V.P

 

Trong giai đoạn 2021-2024, huyện huy động các nguồn lực tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 tại các trường ở vùng DTTS. Trong đó, các hạng mục được cải tạo sửa chữa bao gồm: 71 phòng học, 6 công trình vệ sinh và nước sạch; các trường học được bổ sung 756 máy vi tính, 1.885 bộ bàn ghế mới, sửa chữa 757 bộ bàn ghế, 319 bộ đồ dùng đồ chơi và 38 thiết bị khác.

Năm học 2024-2025, toàn huyện có 977 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học. Đội ngũ nhà giáo tiếp tục được bổ sung về số lượng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, đáp ứng việc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Toàn huyện huy động 10.212 học sinh DTTS đến trường, tăng 1.224 học sinh so với năm học 2020-2021. Trong đó, cấp mầm non 3.029 cháu, tăng 390 cháu; cấp tiểu học 4.239 học sinh, tăng 161 học sinh; cấp THCS 2.944 học sinh, tăng 673 học sinh.

Theo đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện, chất lượng giáo dục năm học 2023-2024 vừa qua, cấp mầm non có 2.596 trẻ DTTS được theo dõi sức khỏe định kỳ. Trong đó, có 2.476 cháu phát triển bình thường, chiếm 95,37%; 120 cháu suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, chiếm 4,63%, giảm 2,12%; 130 cháu suy dinh dưỡng thể thấp còi, chiếm 5%, giảm 3,33% so với chất lượng năm học 2020-2021. Ở cấp tiểu học có 4.155 học sinh DTTS, trong đó 4.054 học sinh hoàn thành chương trình lớp học, chiếm 97,6%, tăng 1,27%; 101 học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học, chiếm 2,4%, giảm 1,27%. Cấp THCS có 2.730 học sinh DTTS, trong đó về học lực có 69 học sinh giỏi, chiếm 2,5%, tăng 0,83%; 607 học sinh khá, chiếm 22,2%, tăng 1,2%; 1.981 học sinh trung bình, chiếm 72,6%, tăng 1,22%; 73 học sinh yếu, chiếm 2,7%, giảm 3,24%.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Võ Thị Kim Dung, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU và sự chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện về việc tiếp tục lãnh đạo cả hệ thống chính trị đẩy mạnh Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” để vận động đồng bào DTTS đưa trẻ đến trường, năm học 2024-2025, ngành GD&ĐT huyện tập trung huy động các nguồn lực, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia cho việc đầu tư cơ sở vật chất các trường học vùng DTTS, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, phối hợp với các xã, thị trấn chỉ đạo các đơn vị trường học xây dựng, củng cố và phát triển mô hình “bán trú dân nuôi”, nhằm huy động có hiệu quả học sinh ra lớp, duy trì chuyên cần để nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS.                            

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác