Phòng, chống “giặc lửa” - trách nhiệm không của riêng ai

03/10/2016 17:59

Thời gian qua, cùng với sự phát triển của đô thị, các cơ sở kinh doanh theo đó cũng hình thành ngày càng nhiều, nên tình hình cháy, nổ xảy ra trên phạm vi cả nước cũng như ở Kon Tum có chiều hướng tăng. Mặc dù, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn cháy, nổ đến mọi người dân, nhưng tình hình cháy, nổ vẫn không cải thiện, mà ngày càng phức tạp hơn…

Trước tình hình cháy, nổ gia tăng và có tính chất phức tạp, trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) – Công an tỉnh đã đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội để hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Tổ chức tập huấn cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp Công an tỉnh. Ảnh: D.Đ.N
Tập huấn PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở. Ảnh: D.Đ.N

Theo đó, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH đã tổ chức 10 lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC cho hàng ngàn người là lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng trên toàn tỉnh; tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại 7 cơ sở trên địa bàn thành phố Kon Tum có nguy cơ cháy nổ cao như Xí nghiệp May Kon Tum, các cửa hàng xăng dầu, Trung tâm thương mại…

Song song đó, công tác kiểm tra đảm bảo an toàn PCCC cũng được Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH đẩy mạnh. Thời gian qua, lực lượng nghiệp vụ PCCC đã tiến hành kiểm tra 644 cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh, phát hiện 2.682 thiếu sót, vi phạm về an toàn PCCC; xử lý hành chính 12 cơ sở với số tiền xử phạt trên 17 triệu đồng…

Thượng tá Đặng Việt Dũng - Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH cho biết: Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở đều tuân thủ các quy định về an toàn PCCC. Các cơ sở vi phạm lần đầu đều bị lập biên bản và xử lý ngay; nếu tái phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động. Thông qua việc kiểm tra thường xuyên cũng đã kịp thời chấn chỉnh những sai phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Các vi phạm của các cơ sở chủ yếu như sử dụng người lao động chưa được tập huấn PCCC; để khách sử dụng điện thoại, hút thuốc khi mua xăng đối với các cửa hàng xăng dầu; hoặc là sắp xếp các nguyên vật liệu chưa đúng quy trình, không đảm bảo an toàn PCCC… Tuy đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và xã hội, nhưng tình hình cháy, nổ vẫn xảy ra và ngày càng có tính chất phức tạp.

Qua tìm hiểu các vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, mức độ thiệt hại về tài sản lớn và khó lường. Có vụ cháy làm thiệt hại lên tới 15 tỷ đồng (vụ cháy cơ cở kinh doanh thương mại tại thị trấn Plei Kần- huyện Ngọc Hồi vào tháng 5/2016), để lại những hệ lụy khó lường cho khổ chủ.

Nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ cháy nổ vẫn là do ý thức của người dân chủ quan, lơ là trong công tác phòng ngừa. Theo điều tra của cơ quan chức năng, trong các vụ hỏa hoạn xảy ra, có tới 45-50% số vụ là do người sử dụng bất cẩn trong sử dụng điện, gây chạm, chập điện dẫn đến cháy, nổ.

Cụ thể là người dân sử dụng các thiết bị điện sinh nhiệt để đun nấu, sinh hoạt nhưng lại đặt gần những vật liệu dễ cháy như vải, nhựa, vật liệu gỗ…gây ra cháy; nếu không được phát hiện và cứu chữa sớm thì hậu quả cháy sẽ rất khó lường.

Theo Thượng tá Đặng Việt Dũng, từ trước đến nay, tại địa bàn các huyện chưa có lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp khu vực, nên hầu hết các vụ cháy xảy ra tại các địa bàn này, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tỉnh luôn bị động. Khi xảy ra cháy, việc điều xe chữa cháy từ thành phố Kon Tum đến nơi cháy là quá xa, nên hầu như bị chậm trễ trong việc cứu chữa, trong khi đó lực lượng chữa cháy cơ sở không thể đảm đương được những vụ cháy lớn, nên thiệt hại về tài sản lớn.

Thực tập phương án chữa cháy tại khách sạn Đông Dương. Ảnh: D.Đ.N

 

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, mới đây, lực lượng PCCC chuyên nghiệp tỉnh được trang bị 2 xe chữa cháy và cứu nạn cứu hộ hiện đại để tăng cường phương tiện kỹ thuật cho công tác PCCC. Trước đó, vào tháng 5/2016, Công an tỉnh đã điều động một tổ PCCC chuyên nghiệp gồm 3 xe chữa cháy với 16 cán bộ, chiến sĩ túc trực tại huyện Ngọc Hồi, nhằm ứng phó kịp thời với các vụ cháy xảy ra tại các địa bàn huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi và Đăk Tô...

Thượng tá Đặng Việt Dũng cho biết: Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC; tăng cường công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình để quản lý PCCC đối với các cơ sở trên địa bàn. Bên cạnh đó, đề ra các biện pháp phòng ngừa; kiểm tra, phát hiện những thiếu sót trong PCCC để hướng dẫn cho cơ sở khắc phục.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng, sẽ tăng cường công tác thẩm duyệt về PCCC; kịp thời phòng ngừa ngay từ bước đầu hình thành các công trình của dự án; các trường hợp cố tình vi phạm, kiên quyết xử lý, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể truy cứu về trách nhiệm hình sự…

“Cuộc chiến” chống “giặc lửa” sẽ không còn là nan giải nếu ý thức của mọi người dân về an toàn cháy, nổ được nâng cao; có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Bởi trách nhiệm này đều xuất phát từ ý thức của mỗi người dân, chứ không phải là của riêng ai…

 Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác