Phát triển thể chất và chuyện uống sữa học đường

26/09/2014 12:52

sau 10 năm thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng (giai đoạn 2001-2010), tình trạng dinh dưỡng trẻ em Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, qua khảo sát năm 2013, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực.

Bình diện chung, một thực trạng đáng buồn hiện nay, là thể trạng của người Việt Nam còn khá “khiêm tốn”: So với Nhật Bản, nam thanh niên Việt Nam 18 tuổi thấp hơn 8cm (163,4 cm và 172cm); thiếu nữ lứa tuổi này cũng thua 4cm về chiều cao (152,7 cm và 157 cm). Thanh niên Việt Nam chỉ cao tương đương thanh niên Lào, Myanmar nhưng thấp hơn thanh niên Cămpuchia. Sự yếu kém này không chỉ thể hiện về mặt chiều cao, cân nặng mà cả về các tố chất thể lực, sức bền (theo số liệu nghiên cứu của GS. Dương Chí Nghiệp).

Nhận định của các chuyên gia, một trong những yếu tố có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển thể trạng của mỗi người chính là các chất dinh dưỡng, luyện tập thể dục- thể thao và môi trường sống. Tuy nhiên, trong phạm vi của bài viết này, tôi xin chỉ đề cập về khía cạnh: trẻ em bị thấp, còi do thiếu dinh dưỡng.

Theo số liệu khảo sát gần đây, số trẻ em nước ta đang bị thấp còi do thiếu dinh dưỡng là 25%. Một trong những nguyên nhân gây thiếu dinh dưỡng ở trẻ em học đường là do: chế độ ăn thiếu về số lượng và kém về chất lượng. Các vi chất dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ. Sự thiếu hụt dinh dưỡng của lứa tuổi học đường, chính là căn nguyên ảnh hưởng sâu sắc đến tầm vóc, cũng như thể lực khi trưởng thành.

Mới đây, tại lễ phát động “Chung tay vì tầm vóc Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ mong muốn toàn xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa, chung tay để nhiều loại sữa đến với trẻ em Việt Nam. Lễ phát động “Chung tay vì tầm vóc Việt Nam”, chính là hoạt động “khởi động”, chuẩn bị cho việc triển khai chương trình “Sữa học đường” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Từ sự quan tâm lớn của Chính phủ, của các bộ ngành Trung ương đối với sự phát triển thể chất của học sinh, là một tín hiệu vui để các địa phương có thêm điều kiện và động lực thực thi chương trình một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình này như thế nào, hiệu quả đến đâu để tránh sự giàn trải, hình thức là việc cần phải được các cấp, ngành hữu quan và các trường học phải tính đến. Người viết muốn nhấn mạnh điều này, bởi, trong thực tế (cách đây chừng chục năm) cũng đã có thời điểm ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước rầm rộ triển khai chương trình cho trẻ em được uống sữa. Nhưng cách thức triển khai ở một số nơi lại rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”, khiến nhiều phụ huynh bức xúc, kêu ca! Xin đơn cử sự vụ trong một lần tác nghiệp báo chí tại xã Vinh Quang (TP Kon Tum): Việc thực hiện cho trẻ uống sữa không tiến hành ở trường học, mà được “nhà tổ chức” tiến hành tại sân UBND xã. Cùng với đó là những khẩu hiệu, tờ bướm quảng bá cho thương hiệu một số loại sữa, được trang trí khá bắt mắt. Trái nghịch với mục đích tất cả “vì trẻ”! Hàng trăm bà mẹ, trong đó có những bà mẹ phải địu con, dang nắng đi nhiều cây số, để rồi tập trung, để rồi vất vưởng chờ đợi, mới có được ly sữa cho con uống! Vô hình chung, từ mục đích tốt đẹp: “cung cấp sữa” cho trẻ tăng cường dinh dưỡng, đã bị lợi dụng vào mục đích kinh doanh, quảng bá thương hiệu của một số công ty, đơn vị khi triển khai thực hiện.

Chương trình “Sữa học đường” một trong những bước đi của lộ trình nhằm phát triển thể chất của học sinh là một trong những mục tiêu quan trọng về phát triển con người Việt Nam. Làm tốt được việc này, sẽ góp phần quan trọng thực hiện được “mục tiêu tổng quát” của đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, theo Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28-04-2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Hơn 2 triệu trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học trên toàn quốc sẽ được uống 200-220ml sữa tươi mỗi ngày để hỗ trợ cải thiện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng. Đó là một trong những mục tiêu chính được thảo luận trong cuộc hội thảo về dinh dưỡng bổ sung cho trẻ em và xây dựng chương trình sữa học đường hỗ trợ nâng cao thể trạng cho trẻ mầm non và tiểu học giai đoạn 2014-2020.

Theo đó, điều mong muốn lớn nhất của các bậc cha mẹ - đó là, “chương trình” khi triển khai phải đi vào thực chất. Để đạt được điều ấy, thiết nghĩ các cấp, ngành chức năng và nhà trường cần có sự quan tâm, phối hợp, để từ đó có cách thức triển khai hợp lý, đồng bộ, phù hợp với từng điều kiện hoàn cảnh của từng vùng, từng trường và từng lớp học. Mục đích cuối cùng là, làm sao cho sữa đến được với học sinh một cách thường xuyên trong các bữa ăn tại trường, tại lớp theo khẩu phần quy định. Chứ đừng lặp lại việc lạm dụng chủ trương, để lồng ghép quảng bá thương hiệu, như đã từng diễn ra trong thực tế trước đây.     

T.T

Chuyên mục khác