Phát huy vai trò cộng đồng trong bảo vệ rừng

25/09/2016 14:00

Khi nhận tiền dịch vụ môi trường rừng các hộ gộp chung lại và chia đều cho nhau. “Phát huy tính cộng đồng, trong những năm gần đây, các hộ cùng nhau bảo vệ tốt vốn rừng được giao, không để xảy ra khai thác gỗ và phá rừng làm nương rẫy trái phép...

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã giao đất, giao rừng cho nhiều cộng đồng, hộ gia đình quản lý bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR). Tài nguyên rừng được giao ở nhiều địa phương được cộng đồng, hộ gia đình quản lý bảo vệ và phát triển tốt.

Rừng đầu nguồn làng Kơ Bei đang hồi sinh. Ảnh: V.N

 

Đánh giá cao vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng, A Thố - Phó Chủ tịch UBND xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) dẫn chúng tôi đến làng Kơ Bei. A Đứu -Thôn trưởng thôn Kơ Bei huy động thêm nhiều thành viên trong cộng đồng đưa đoàn công tác đến thăm khu rừng đầu nguồn ở núi cao sau làng.

Mùa mưa đường rừng trơn trượt và lầy lội, xe ô tô phải bỏ ở đường làng. Theo chân A Đứu cùng các thành viên trong cộng đồng, chúng tôi leo dốc đá vào sâu trong rừng. Rừng được cộng đồng bảo vệ phục hồi nhanh. Ở một số khu đất trống trong rừng trước đây có lẽ là nương rẫy, giờ đây được dân làng trồng bời lời, sa nhân do Viện Tư vấn phát triển hỗ trợ đang sinh trưởng tốt.

Luồn người dưới tán cây rừng để leo ngược lên khe nước cao đầu nguồn, vừa lấy tay gạt những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt rắn rỏi, A Đứu khoe: Nhờ bảo vệ tốt rừng đầu nguồn nên trong đợt hạn hán mùa khô vừa qua, mặc dù nhiều làng thiếu nước sinh hoạt, nhưng công trình cấp nước sinh hoạt từ rừng đầu nguồn này vẫn đảm bảo cung cấp nước cho cả làng...

Ngiuồn nước đầu nguồn của công trình nước sạch tại rừng đầu nguồn của làng Kơ Bei. Ảnh: V.N

 

Quản lý bảo vệ hơn 10ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng này, năm 2015, làng Kơ Bei nhận gần 4,5 triệu đồng (kể cả tiền thanh toán bổ sung năm 2014). Số tiền không nhiều, chỉ mang tính chất hỗ trợ và động viên cộng đồng, nhưng quan trọng hơn là cộng đồng bảo vệ được nguồn nước đầu nguồn.

Tại làng Đăk Xanh, xã Văn Lem (huyện Đăk Tô), chúng tôi gặp các hộ được Nhà nước giao đất, giao rừng. A Dun cho biết mình được giao 15ha rừng, A Pheo được giao 11ha rừng… từ năm 2006. Nhiều hộ dân ở đây cũng được giao đất, giao rừng như thế. Mặc dù được giao đất giao rừng riêng, nhưng các hộ ở làng Đăk Xanh tự nguyện thành lập nhóm hộ cùng nhau bảo vệ rừng. Khi nhận tiền dịch vụ môi trường rừng các hộ gộp chung lại và chia đều cho nhau. “Phát huy tính cộng đồng, trong những năm gần đây, các hộ cùng nhau bảo vệ tốt vốn rừng được giao, không để xảy ra khai thác gỗ và phá rừng làm nương rẫy trái phép” - A Dun quả quyết.   

Vệ sinh bể lọc tại tràn. Ảnh: V.N

 

Phát huy tính cộng đồng, ông A Chiêu (già làng thôn Đăk Chờ, xã Văn Lem) vận động được 38 hộ dân liên kết với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô tham gia trồng rừng.

Nhìn lại công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình, ông Lê Văn Thoan - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy cho biết, toàn huyện giao được trên 23.300ha rừng cho 247 hộ dân và 4 cộng đồng. Thực hiện chủ trương, chính sách này cùng với chính sách dịch vụ môi trường rừng, tài nguyên rừng, đặc biệt là rừng bảo vệ nguồn nước đầu nguồn đang được bảo vệ phát huy hiệu quả. Rừng ngày một lên xanh, đời sống người dân được cải thiện nhờ chính sách hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.

Tuy nhiên, ông Thoan đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho cộng đồng, hộ gia đình trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao trên diện tích đất trống và dưới tán rừng để giúp người dân nâng cao thêm thu nhập, gắn bó với rừng.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Định - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Tô cho biết, trên địa bàn huyện giao 673ha rừng và đất lâm nghiệp cho 64 hộ gia đình ở các thôn Măng Rương, Đăk Xanh, Tê Pen, Tê Rông (xã Văn Lem). Trước kia khi chưa giao đất, giao rừng, người dân thường xâm canh, lấn chiếm đất rừng, phát rừng làm nương rẫy trái phép. Ở những nơi giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng cùng với việc thực hiện Quy ước bảo vệ rừng, rừng được bảo vệ tốt, ngày càng giàu về trữ lượng và đa dạng sinh học.

Ông Định đề xuất xuất thêm: Các cơ quan cấp trên quan tâm mở các lớp tập huấn về công tác QLBV&PTR để hộ gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.

Phát huy vai trò của cộng đồng cùng với việc tiếp tục có những chính sách hợp lý bảo đảm quyền lợi cho người dân gắn bó với rừng, rừng sẽ hồi sinh... 

Văn Nhiên

Chuyên mục khác