Núi rừng có điện thay sao

28/12/2016 14:00

Đề cập phát triển lưới điện trên địa bàn huyện Ia H’Drai, Phó Chủ tịch UBND huyện Pờ Ly Hảo chỉ nói ngắn gọn “Hệ thống điện lưới quốc gia đã phủ kín trung tâm các xã và 15/16 thôn của huyện”. Nhưng có đến Ia H’Drai mới biết, đó là kết quả của cả một hành trình đầy gian khó để biến niềm mơ ước của người dân vùng biên thành hiện thực...

Màn đêm buông xuống. Tôi và Chủ tịch xã Ia Đal Ngụy Đình Phúc, Trưởng thôn Lê Văn Hào lặng lẽ đứng trên đầu dốc thôn 3, nơi có chốt an ninh thôn, ngắm nhìn những nếp nhà tuềnh toàng sáng ánh điện nép bên rừng cao su đen thẫm. Trong tiếng tivi, radio râm ran, dường như tôi còn nghe cả tiếng trẻ thơ học bài. Nhìn từ xa, ánh điện làm những ngôi nhà lấp lánh sáng như những ngôi sao, xua tan hơi lạnh núi rừng biên giới.

Yên bình và ấm cúng quá- tôi thốt lên. Chủ tịch Ngụy Đình Phúc cười vui vẻ. Là người gắn bó với vùng đất gian khó này từ những ngày tháng chuẩn bị thành lập huyện, anh quá hiểu cuộc sống thiệt thòi, khó khăn của người dân nơi đây suốt từ những ngày đầu mở núi, bạt đồi, xây dựng cuộc sống trên quê hương mới. Đường sá khó khăn, cuộc sống thiếu thốn không làm họ ngán ngại, chùn bước, nhưng nhiều năm liền không có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất lại khiến nhiều người rời đi.

 Trưởng thôn Lê Văn Hào nhớ lại: Không có điện đời sống của bà con cực khổ, lạc hậu lắm. Biên giới mà, xa xôi hẻo lánh lắm, hàng quán không có, muốn mua dầu hỏa, bà con phải đi xuống Gia Lai, cách thôn mấy chục cây số. Có khi đang ăn cơm, đèn hết dầu tắt ngúm là mọi người đành ăn trong bóng tối cho qua bữa...

Ngày ấy, mỗi lần có việc đi xuống Gia Lai, nhìn ánh sáng điện trên cầu Sê San mà thèm thuồng, mà ao ước đến ngày được bật cái công tắc điện ở nhà mình, nghe tiếng tách mà sướng trong bụng. Nghĩ lại cũng thấy tủi thân, huyện có tới 3 nhà máy thủy điện đã phát điện hòa lưới quốc gia chứ ít đâu (Sê San 3A-108 MW, Sê San 4-360 MW, Sê San 4A-63 MW- PV), nhưng người dân vẫn chịu cảnh... đèn dầu.

Thế rồi khoảng giữa năm 2015, nhân viên điện lực vận chuyển cột điện, dây điện rải dọc tuyến đường. Mọi người vui mừng truyền tai nhau: Sắp có điện rồi. Trưởng thôn Lê Văn Hào tổ chức họp thôn phổ biến: Thôn được kéo điện theo Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 của Nhà nước. Trong thời gian này, bà con cần tham gia bảo vệ vật tư, thiết bị, đừng để xảy ra mất hay phá hoại.

Đóng điện lưới điện xã Ia Dom. Ảnh: T.H

 

Sau 4 tháng miệt mài thi công, ngày 30/12/2015, Công ty Điện lực Kon Tum đã chính thức đóng điện trong niềm vui vỡ òa của 334 hộ dân của hai xã Ia Dom, Ia Đal. Công trình xây dựng lưới điện cho xã Ia Dom và Ia Đal có kinh phí hơn 17,1 tỷ đồng; khối lượng thi công gồm 12,581km đường dây trung thế, 4 trạm biến áp, 7,543km đường dây hạ thế. Không chỉ đưa điện tới từng thôn, các hộ dân còn được hỗ trợ toàn bộ đường dây sau công tơ, 1 bảng điện, 1 bóng đèn compact.

Mãi cho đến bây giờ, Chủ tịch xã Ia Dom Nguyễn Công Sơn vẫn nhớ không khí vui như hội của ngày đóng điện: Bà con vui lắm, mỗi hộ góp 200 nghìn đồng mua thực phẩm về nhà thôn trưởng nấu nướng, ăn mừng sự kiện này. Cả đêm không ai ngủ… Có điện thì sẽ có tivi, radio, bà con sẽ học hỏi được những mô hình, kinh nghiệm hay trong sản xuất. Có điện, việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân cũng thuận lợi hơn.

Nằm gần nhà máy thủy điện Sê San 4, nhưng suốt 5 năm lập nghiệp ở đây, gia đình chị Hà Thị Thắm và hàng chục gia đình khác luôn mơ ước một ngày có điện. Ở vùng biên giới này, khi bóng tối bao trùm, tất cả là một màn đen thẫm, chỉ nhận ra ở đâu đó có nhà nhờ vào ánh sáng le lói từ ngọn đèn dầu. Nhà nào cũng nghèo nên dầu cũng hết sức tiết kiệm, chỉ khi thực sự cần thiết như ăn cơm, cho con học bài...mới thắp đèn. Cuộc sống của người dân cứ trôi qua một cách lặng lẽ.

Niềm vui của gia đình chị Hà Thị Thắm ngày có điện. Ảnh: T.H

 

Thế rồi điều mơ ước cũng thành hiện thực khi đường điện hạ thế được kéo vào tận thôn. Tận mắt nhìn thấy chiếc đồng hồ được anh thợ điện cẩn thận đấu nối dây vào nhà, còn được Nhà nước hỗ trợ cho mỗi hộ một mạng điện trong nhà và một bóng đèn thắp sáng, chị Thắm cứ nghẹn ngào. Ngày đóng điện, cả thôn nghỉ làm, ra trạm biến áp để xem.

Gớm, cái anh công nhân đóng điện kỹ quá, mãi mà chưa chịu nâng cây gậy đóng điện. Có ai đó than vãn, mọi người cười ồ vui vẻ. Khi cầu dao được đẩy lên, mọi người reo hò, anh chồng chị Thắm chạy vội về nhà, bật bóng điện lên, bật tivi lên, bật quạt lên, rồi... khóc vì vui. Chiếc đèn dầu gắn bó mấy năm trời với gia đình được anh kỳ cọ kỹ rồi cất, bởi từ nay, nó đã trở thành... kỷ vật cho một thời “đói” điện.

Hôm nay, ngồi nhắc lại chuyện cũ, anh cười ngượng ngùng: “Vui quá mà. Đúng là vui đến phát khóc lên ấy chứ”. Ông Lương Văn Tăng góp chuyện: Ngày trước, tôi và mấy gia đình chung nhau mua một máy phát điện, góp tiền mua xăng, dầu về chạy ngày vài tiếng vào buổi tối để phục vụ sinh hoạt và việc học tập của bọn trẻ; sắm tivi, nồi cơm điện nhưng dùng được vài bữa đều bỏ xó. Khi chuẩn bị có điện lưới, lại mang ra sửa, có nhà mua mới; nhiều nhà đã mua tủ lạnh…Tết này, chắc chắn cả thôn sẽ ăn Tết to hơn, vui hơn.

Ừ nhỉ, gần Tết rồi. Thảo nào đi đến đâu cũng thấy bà con tất bật dọn dẹp lại nhà cửa, vườn tược. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng có lẽ đây là mùa xuân không thể quên đối với mấy chục nóc nhà ở thôn 8. Anh Hà Văn Tuân hớn hở khoe: Mọi năm chưa có điện thì nhà cửa để thế nào cũng được. Năm nay có điện thì phải khác chứ, nhà mình có 2 ha cao su mới mở miệng cạo, giá cả có nhích hơn nên sẽ mua cái tivi...

Chia tay bà con thôn 8, trên đường trở về huyện, tôi lại đi qua những ngôi nhà tuềnh toàng nép bên rừng cao su. Bóng điện trước sân chiếu sáng con đường, chiếu sáng cả vạt rừng cao su đen thẫm mùa lá rụng, đem lại niềm tin và hi vọng vào mùa xuân mới đang về với vùng biên Ia H’Drai.

Thành Hưng

Chuyên mục khác