Nói lời xin lỗi

23/11/2024 06:02

Lời cảm ơn hay lời xin lỗi là một nét văn hóa đẹp trong ứng xử. Với con trẻ, việc dạy con biết nói lời xin lỗi khi mắc phải lỗi lầm là điều cực kỳ quan trọng góp phần hình thành nhân cách của trẻ.

Sáng ra, cô em gái đã la mắng cậu con trai út: Tại sao con sai mà không chịu xin lỗi anh? Đứa trẻ nhìn mẹ la mắng nhưng không mảy may sợ hãi, gương mặt cứ lầm lì.

Nghe cô em kể, từ nhỏ đến giờ, không hiểu sao cháu không chịu nói lời xin lỗi mỗi khi làm điều gì sai. “Có người không hiểu cứ bảo do em không dạy con nên con không biết. Nhưng em đã dạy bảo đủ đường, hết cách mà cháu vẫn không chịu làm theo”- cô em than.

Tôi nhẹ nhàng góp ý: Giúp trẻ tự nhận sai và biết nói lời xin lỗi là một trong những kỹ năng quan trọng và cần thiết. Trong câu chuyện này em  cũng nên tìm hiểu lại nguyên nhân, từ đó mới có cách xử lý phù hợp, đừng vội la mắng thế.

Sở dĩ tôi góp ý như vậy vì tôi chứng kiến đầu đuôi câu chuyện hai anh em tranh nhau một món đồ chơi mà mẹ vừa đi chợ về mua cho. Cậu em nói đây là món đồ chơi của mẹ mua cho mình, còn cậu anh thì khăng khăng cho rằng mẹ mua cho hai anh em.

Giúp trẻ biết nói lời xin lỗi là một trong những kỹ năng quan trọng và cần thiết. Ảnh: SC

 

Cậu em vốn tính nghịch ngợm, hiếu thắng, biết anh hay nhường nhịn nên nổi hứng nhào tới hất anh ngã ra sàn nhà, rồi giật luôn món đồ chơi trên tay anh, sau đó bỏ chạy. Hành động bất ngờ của cậu em khiến cậu anh ngã xuống sàn nhà, đầu va vào chiếc ghế gỗ, nên khóc thét lên vì đau. Thấy thế, em tôi lật đật chạy lại bế con trai lớn xem sao rồi không quên quát mắng cậu con trai út, bắt bé phải xin lỗi anh trai.

Nhưng xem ra thì tính cách cậu nhỏ chẳng vừa. Mẹ càng bắt xin lỗi anh thì cậu em càng lầm lì. Đến mức đứa em gái tôi cáu gắt: Nếu con không xin lỗi anh thì mẹ không cho con chơi món đồ đó nữa.

Cu cậu nghe mẹ nói vậy thì lập tức mang món đồ chơi trả lại cho mẹ, chứ nhất quyết không chịu xin lỗi với lý do khá thuyết phục: “Món đồ này lúc nãy mẹ đi chợ về đưa cho con, mẹ nói mẹ mua cho con, chứ không nói mua cho anh”.

Cái lý mà cu em đưa ra cũng khá thuyết phục, bởi lỗi tại mẹ không nói rõ ràng.

Sau khi nghe tôi góp ý, cô em bình tĩnh lại, rồi có vẻ giật mình, hẳn là nhận ra trong chuyện này mình cũng có lỗi không nói rõ với con. Vì vậy, em kéo hai con lại gần và nói: “Mẹ xin lỗi hai con, mẹ đã không nói rõ ràng là món đồ chơi này mẹ mua cho hai anh em cùng chơi chung. Vậy nên mẹ sẽ rút kinh nghiệm, lần sau mẹ sẽ nói rõ ràng hơn”.

Nghe mẹ nói xong, hai cậu con trai có vẻ hết giận hờn, lại vui vẻ chơi chung món đồ chơi mới!

Việc dạy con biết nói lời xin lỗi khi mắc phải lỗi lầm là điều cực kỳ quan trọng. Ảnh: SC

 

Thế mới thấy, cái gì cũng có nguyên nhân của nó, đừng nghĩ con nít không biết lập luận, chưa biết suy nghĩ rồi quy chụp cho chúng cái tật này tật nọ, trong khi người lớn hành xử chưa đúng.

Như khi ba mẹ làm sai, vô tình la mắng con khi chưa hiểu rõ nguồn gốc sự việc thì đừng nghĩ vì là người lớn, vì là cha mẹ mà không cần xin lỗi con cái. Chính cha mẹ là tấm gương quan trọng nhất để con trẻ noi theo.

Tất nhiên, cũng có đứa trẻ cứng đầu cứng cổ không chịu nói lời xin lỗi khi mắc sai lầm. Mà nguyên nhân chưa hẳn do trẻ, mà do nhận thức của người lớn trong gia đình, luôn có suy nghĩ cho rằng trẻ con mà có làm sai chút cũng chẳng sao vì đó là con nít nên không cần phải xin lỗi. Có gia đình bao bọc con cái, không muốn ai nặng nhẹ với con mình và có cái suy nghĩ: Bắt con mình xin lỗi là hạ thấp chúng. Dần dà, những đứa trẻ ấy không biết xin lỗi, không thích xin lỗi, không cần phải xin lỗi khi chúng mắc sai lầm.

Tôi có ông anh cũng có hai đứa con trai từ nhỏ đã vô cùng cưng chiều chúng, đến mức người ngoài nhìn vào khó chấp nhận được. Nhất là mỗi lần con anh chị làm sai chuyện gì được người lớn trong nhà góp ý thì anh chị lại tỏ ra bực dọc, không bao giờ tìm hiểu nguyên nhân để dạy con cư xử cho phải phép mà cứ trách móc người này, người kia rằng “trẻ con đã biết gì đâu, sao cứ phải khắt khe với chúng”. Vì vậy, chúng có làm sai gì thì đã có ba mẹ lo, chứ chúng không hề biết xin lỗi ai.

Dạy con phải xuất phát từ môi trường gia đình rồi mới ra ngoài xã hội. Nhưng gia đình đã bao bọc thì rất khó để mà ra ngoài những đứa trẻ ấy biết nói lời xin lỗi ai.

Từ chuyện con trẻ, lại nghĩ đến chuyện người lớn. Xin lỗi chính là hành động nhìn nhận về sai lầm hay khuyết điểm của bản thân. Bên cạnh đó, xin lỗi còn mang ý nghĩa về sự đồng cảm và sẻ chia với người bị ta làm tổn thương. Từ “xin lỗi” được sử dụng trong hai trường hợp, đó là khi ta làm điều gì sai trái hoặc thể hiện cảm giác làm phiền người khác.

Những người biết nói lời xin lỗi luôn sống hiền hòa, chuẩn mực, quan tâm và tôn trọng người khác.

Lời xin lỗi nói ra không phải là hạ thấp uy tín, danh dự của mình mà còn nâng giá trị của một con người, khi được nói ra đúng lúc.

Và nếu chúng ta nghĩ một cách đơn giản theo đúng ý nghĩa của nó thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn.   

Sông Côn

Chuyên mục khác