16/12/2016 09:23
Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh
Tham quan khu nhà ăn, ở và học tập của các em học sinh ở ngôi Trường THCS bán trú DTTS Tu Mơ Rông, chúng tôi rất ngạc nhiên trước sự ngăn nắp, gọn gàng ở nơi đây.
Mùa này, Tu Mơ Rông mưa nhiều nhưng lớp học nào cũng sạch sẽ vì ý thức giữ vệ sinh chung của các em. Khu ăn, ở của các em cũng tươm tất. Phía hành lang trước khu nhà ở, những bó củi được các em lấy từ trên đồi về xếp ngay ngắn. Khoảnh sân phía sau dãy nhà hiệu hộ, những vườn rau xanh do chính các em học trồng để gây quỹ cho lớp cũng xanh mướt…
Thầy giáo Hoàng Văn Hải – Hiệu trưởng nhà trường khoe: Kết hợp giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cho các em, từ khi thành lập trường đến nay, Ban giám hiệu đã giao cho Ban lao động nhà trường hướng dẫn các em học sinh trồng và chăm sóc vườn rau. Sau mỗi giờ học, các em luân phiên nhổ cỏ, tưới nước cho vườn cây.
|
“Nguồn rau xanh các em làm ra được nhà trường thu mua vào (thay vì nhập rau bên ngoài), giúp các em có kinh phí tổ chức các hoạt động phong trào hoặc giúp đỡ các bạn trong lớp có hoàn cảnh khó khăn. Bình quân mỗi lớp đều có nguồn quỹ từ 4-5 triệu đồng, có lớp nguồn quỹ lên đến gần 10 triệu đồng” - thầy Hải cho biết.
Em Y Lệ, ở làng Kạch Nhỏ, xã Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông) kể: Trước đây, chưa quen với môi trường học tập mới nên em cứ muốn về nhà. Bây giờ, em đã quen rồi với việc 5h sáng thức dậy theo tiếng kẻng của nhà trường để tập thể dục, sau đó vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi lên lớp học trước 7h. Sau giờ học, chúng em phân công nhau vệ sinh lớp học, khu vệ sinh chung, rủ nhau đi lấy củi, chăm sóc vườn rau… Chính môi trường tập thể và cuộc sống tự lập này đã rèn kỹ năng sống cho chúng em.
Thầy Hải cho biết thêm, mặc dù là mô hình bán trú nhưng nhà trường gần như áp dụng chế độ nội trú cho các em học sinh do điều kiện đi lại của các em rất khó khăn. Vì vậy, nhà trường đang hướng đến phát triển thêm mô hình chăn nuôi heo, vì đa số các em học sinh học tập tại đây đều thuộc hộ nghèo nên bố, mẹ không có tiền đóng góp thêm cho con em mình.
Nâng cao chất lượng dạy-học
Thầy Hải nhớ lại, nếu như năm đầu thành lập trường (2012-2013), tỉ lệ học sinh giỏi của trường chỉ đạt 3,5%, học sinh khá đạt 35%, học sinh yếu 4,5%; thì hiện nay nhà trường không còn học sinh yếu, tỉ lệ học sinh khá giỏi tăng lên 51%. Không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, 2 năm nay, chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng nâng lên rõ rệt, trường đã có học sinh giỏi cấp tỉnh.
|
Để có được thành tích trên, nhà trường đã triển khai và áp dụng chặt chẽ nhiều phương pháp, đặc biệt là phân luồng học sinh để giảng dạy phù hợp thông qua chất lượng khảo sát đầu năm.
Đối với học sinh khá, giỏi, nhà trường tiếp tục có chương trình bồi dưỡng để giúp các em nâng cao hơn về kiến thức. Đối với học sinh trung bình, nhà trường có kế hoạch bổ trợ kiến thức cho các em. Theo đó, mỗi tuần, nhà trường dành 3 buổi học bổ trợ kiến thức cho học sinh trung bình ở tất cả các môn học. Điểm đặc biệt là ngoài 2 buổi học trên lớp ban ngày thì buổi tối (từ 7-9h) nhà trường tổ chức cho các em tự học trên lớp dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của thầy cô giáo các bộ môn.
Trong nhiều thành tích của ngôi trường vùng khó khăn này, thầy Hoàng Văn Hải tự hào: Trong năm học 2015-2016, nhà trường có 1 em học sinh đạt giải Ba học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh; năm học 2016-2017, nhà trường có 3 học sinh đạt học sinh giỏi môn Lịch sử cấp huyện, đang được bồi dưỡng để thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
9 năm liền giữ vững danh hiệu học sinh giỏi, em Y Quà học sinh lớp 9B (người làng Mô Bành 2, xã Đăk Na) chia sẻ: Tuy học đều các môn nhưng em thích nhất là môn Lịch sử, nhất là lịch sử Việt Nam, bởi qua đó, em càng thêm yêu quý đất nước của chúng ta, tự hào truyền thống dân tộc và có trách nhiệm hơn trong việc dựng xây đất nước như lời Bác Hồ đã dạy “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Vì yêu thích môn Lịch sử nên ngoài sách ở thư viện, Y Quà còn tích góp tiền để mua thêm những cuốn sách lịch sử bổ sung kiến thức. Y Quà chia sẻ bí quyết để học tốt môn Lịch sử đó là không được “học vẹt” vì sẽ rất mau quên, mà phải ghi nhớ kiến thức cơ bản theo từng giai đoạn lịch sử. Ngoài việc soạn những câu hỏi trong sách giáo khoa theo bài học, phải chịu khó hỏi thầy giáo những câu hỏi xoay quanh bài học, để từ đó xâu chuỗi, liên kết vấn đề để dễ hình dung.
Mới đây, Y Quà đạt học sinh giỏi cấp huyện môn Lịch sử, đang được bồi dưỡng để tiếp tục thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Quang – giáo viên dạy môn Lịch sử cho biết, đặc thù của bộ môn Lịch sử là kiến thức dài (nhiều giai đoạn, thời kỳ), ghi nhớ nhiều nên muốn các em học sinh yêu thích môn Lịch sử, nhất là với vùng DTTS là rất khó khăn. Vì vậy, qua quá trình giảng dạy, bản thân nhận thấy cần phải có phương pháp phù hợp để giúp các em học tập tốt hơn. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất đó là nêu vấn đề và giải quyết vấn đề; nghĩa là, sau mỗi bài học, ngoài những câu hỏi trong sách giáo khoa, thầy giáo và học sinh cùng nêu những câu hỏi liên quan đến bài học để mỗi học sinh trả lời, những vấn đề học sinh chưa trả lời được, thầy sẽ giải thích để các em hiểu…
Tú Quyên