06/12/2024 13:08
Tháng 7/2024, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN huyện Sa Thầy triển khai hai mô hình điểm về “Gia đình hạnh phúc” tại thôn Lung Leng (xã Sa Bình) và “Gia đình không sinh dày, không sinh nhiều con” tại thôn Ka Bầy (xã Hơ Moong). Dù đi vào hoạt động chưa lâu, hai mô hình đã thu hút 60 gia đình tham gia.
Tại các buổi sinh hoạt định kỳ, các hội viên được cung cấp những kiến thức thiết yếu về kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, họ còn được trang bị các kỹ năng sống, giúp nâng cao nhận thức và áp dụng hiệu quả vào thực tế đời sống gia đình.
Chị Y Bươm - Chủ nhiệm mô hình “Gia đình hạnh phúc” tại thôn Lung Leng cho biết: Các chị em tham gia mô hình đã hiểu hơn về tầm quan trọng của việc sinh ít con để chăm sóc con cái tốt hơn. Đồng thời các chị em còn chia sẻ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, giúp nhau vượt qua khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần, hướng đến mục tiêu xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ổn định.
|
Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng thuận lợi từ khi bắt đầu. Tại thôn Ka Bầy, nhiều cặp vợ chồng vẫn giữ tư duy “trời sinh voi, sinh cỏ”, cho rằng việc sinh con là điều tự nhiên, không cần phải có kế hoạch hay tính toán. Chị Y Bơr - Chủ nhiệm mô hình “Gia đình không sinh dày, không sinh nhiều con” cho biết: Để thay đổi nếp nghĩ đã ăn sâu vào đời sống của người dân là điều không hề dễ, nhưng chúng tôi kiên trì giải thích, đặc biệt tập trung vào các gia đình trẻ để giúp họ nhận thức rõ lợi ích của việc sinh ít con.
Song song với các buổi sinh hoạt, Hội LHPN huyện Sa Thầy còn tổ chức các buổi truyền thông với nội dung dễ hiểu và gần gũi, thông qua những câu chuyện thực tế. Qua đó, giúp bà con dễ dàng tiếp thu các thông điệp về kế hoạch hóa gia đình.
Một trong những thành công đáng kể của các mô hình là sự tham gia của các ông chồng. Không ít người ban đầu còn e ngại, cho rằng kế hoạch hóa gia đình chỉ là chuyện của phụ nữ, nhưng dần dần, qua các buổi sinh hoạt đã giúp nhiều ông chồng hiểu rằng cần đồng hành cùng vợ trong việc chăm sóc con cái.
|
Đến nay, các mô hình đã được triển khai nhân rộng tại 7/11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sa Thầy. Chị Lê Thị Hạnh - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Nhận thức của hội viên, đặc biệt là các gia đình trẻ đã có sự thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, các mô hình vẫn gặp phải một số khó khăn. Trình độ nhận thức giữa các vùng vẫn có sự chênh lệch, đặc biệt là tại các khu vực đồng bào DTTS nơi tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, kinh phí hạn chế, ảnh hưởng đến việc tổ chức các buổi sinh hoạt. Dù vậy, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội và chính quyền địa phương, các hoạt động tuyên truyền vẫn được duy trì đều đặn. Hội đã linh hoạt lồng ghép các hoạt động này với các chương trình và dự án khác để tối ưu hóa nguồn lực và tiếp tục duy trì hiệu quả công tác tuyên truyền.
“Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt của các mô hình để đáp ứng nhu cầu thực tế của hội viên. Các buổi sinh hoạt sẽ được thiết kế phong phú hơn, lồng ghép với hoạt động văn hóa, giáo dục và y tế nhằm thu hút sự tham gia của người dân. Đồng thời, Hội cũng sẽ đẩy mạnh công tác kêu gọi tài trợ, tranh thủ sự hỗ trợ từ các tổ chức, dự án để bổ sung kinh phí duy trì hoạt động” – chị Hạnh cho biết thêm.
Tin rằng, những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp hội LHPN sẽ thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong tư duy và hành vi của người dân trong thời gian tới, giúp họ nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của kế hoạch hóa gia đình và xây dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Qua đó, góp phần vào việc xây dựng một xã hội văn minh, ổn định và phát triển bền vững.
Y Đô