25/05/2025 06:01
|
Đầu năm 2021, mặc dù được các cấp, các ngành quan tâm, triển khai nhiều chương trình, dự án, cuộc vận động, song để giảm nghèo, nhất là giúp các hộ người DTTS giảm nghèo vẫn là một bài toán khó. Ngoài nguyên nhân khách quan, nguyên nhân mấu chốt, gốc rễ của cái nghèo được chỉ rõ: do người dân chưa thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Một bộ phận người dân trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước; một bộ phận người dân chưa mạnh dạn tham gia vào các tổ hợp tác, tổ liên kết, chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đặc biệt, các hủ tục đè nặng, cản bước phát triển của mỗi gia đình, của địa phương và của xã hội.
Trước thực trạng đó, với mong muốn giúp đỡ người DTTS trên địa bàn tỉnh có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện và nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 08-KL/TU “Về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh. Ngay sau đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động Cuộc vận động, kêu gọi các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng bào các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh đoàn kết, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động, phát huy nội lực, huy động mọi tiềm năng, lợi thế, chung sức thực hiện.
Chủ trương đúng, đồng thuận cao, Cuộc vận động nhanh chóng huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn; thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai; lãnh đạo xây dựng giao ước thi đua thực hiện, xây dựng kế hoạch cụ thể hoá các nội dung tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình điểm, xác định phương pháp, cách thức, lộ trình triển khai thực hiện phù hợp với đặc thù địa phương, cơ sở. Các đoàn thể chính trị-xã hội, các địa phương lồng ghép thực hiện Cuộc vận động trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.
Không dừng lại ở các cuộc họp, công tác tuyên truyền, vận động được triển khai dưới nhiều hình thức, lan tỏa sâu rộng đến từng hộ người DTTS. Cùng với đó, công tác xây dựng mô hình điển hình tiên tiến, đặc biệt là các mô hình giúp nhau làm kinh tế được chú trọng, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì 1.248 mô hình, huy động hơn 140 tỷ đồng để hỗ trợ giúp người DTTS làm kinh tế, chỉnh trang, cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Vất vả không nản lòng, khó khăn không lùi bước, với sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì, kiên quyết, bền bỉ của hệ thống chính trị, “mưa dầm thấm lâu”. Theo đó, tư tưởng cam chịu nghèo khó đã từng bước được đẩy lùi, người DTTS dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chăm chỉ lao động sản xuất, quyết tâm thoát nghèo.
|
Từ việc ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ, 16.731 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo là người DTTS dần thay đổi nếp nghĩ, tự lực vươn lên. Từ việc ngại thay đổi, không mạnh dạn tham gia các tổ hợp tác, qua công tác tuyên truyền, vận động, 5.235 hộ người DTTS nghèo và cận nghèo đã chủ động tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển kinh tế; có 15.403 hộ người DTTS nghèo và cận nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất.
Thông qua thực hiện Cuộc vận động, đời sống người dân ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc hơn. Những kết quả đạt được từ Cuộc vận động là động lực để mỗi người dân tiếp tục cố gắng, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nỗ lực hỗ trợ người dân trên hành trình bứt phá thoát nghèo, hướng đến làm giàu chính đáng, xây dựng nông thôn mới văn minh.
Hoài Tiến