29/10/2024 13:11
Năm học 2024-2025, huyện Ngọc Hồi có 28 trường học trực thuộc quản lý của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hồi (trong đó MN 13 trường, Tiểu học 7 trường, THCS 3 trường, TH-THCS 5 trường) với tổng số 519 lớp (tăng 4 lớp), 15.209 học sinh (tăng 59 em) so với năm học 2023-2024.
Đến tháng 10/2024, toàn ngành GD&ĐT huyện Ngọc Hồi có 928 cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV). Trong đó có 61 cán bộ quản lý, 828 giáo viên, 39 nhân viên; còn thiếu 55 giáo viên (35 giáo viên mầm non, 16 giáo viên tiểu học, 4 giáo viên trung học cơ sở).
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, trong quý IV/2024, huyện Ngọc Hồi sẽ tuyển dụng số lượng giáo viên còn thiếu. Nếu tuyển không đủ giáo viên theo chỉ tiêu, UBND huyện Ngọc Hồi ngành GD&ĐT huyện Ngọc Hồi thực hiện hợp đồng lao động theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP; bố trí giáo viên dạy liên trường, dạy tăng tiết (tiếng Anh, Tin học) và thực hiện chi trả chế độ dạy thêm giờ cho giáo viên theo quy định.
Chúng tôi đến thăm Trường TH-THCS Đăk Nông. Nhà trường hiện có 43 CBGVNV, 24 lớp, 739 học sinh; trong đó tiểu học 15 lớp, 409 học sinh, THCS 9 lớp, 330 học sinh.
Sau gần 2 tháng bước vào năm học 2024-2025, nhà trường đã ổn định công tác dạy và học, dạy học 2 buổi/ngày, biên chế giáo viên đủ để dạy các môn, tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 100%. Nhà trường đang nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2024-2025. Trong đó có chỉ tiêu duy trì tỷ lệ chuyên cần 100%; 100% học sinh lớp 5 đủ điều kiện lên lớp 6, 100% học lớp 9 được vào lớp 10 hoặc theo học trung cấp nghề.
|
Rời Trường TH-THCS Đăk Nông, chúng tôi đến thăm Trường Tiểu học số 1 thị trấn Plei Kần.
Tại đây, cô giáo Nguyễn Thị Thúy- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 thị trấn Plei Kần cho hay, sau gần 2 tháng vào năm học mới, công tác dạy và học của nhà trường đã đi vào nề nếp, ổn định, dạy học 2 buổi/ngày. Trường triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học; trong đó phấn đấu duy trì học sinh học chuyên cần 100%, hơn 99% học sinh đạt năng lực học tập và phẩm chất đạo đức, 100% học sinh đủ điều kiện lên học lớp 6.
Năm học 2024-2025, Trường Mầm non Đăk Xú huy động được 95,9% trẻ độ tuổi 3-5 tuổi ra lớp, trẻ từ 0-2 tuổi ra lớp đạt 31,8%, trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%; trong đó trẻ DTTS chiếm 67%. Trường có 42 CBGVNV, 17 lớp, 396 học sinh.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc giảng dạy, chăm sóc cho học sinh theo quy định của ngành, Trường Mầm non Đăk Xú còn quan tâm dạy tăng cường tiếng Việt cho các cháu từ 3-5 tuổi; chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho 100% học sinh bán trú; phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 cuối năm học 2024-2025.
|
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2024-2025, ngành GD&ĐT huyện Ngọc Hồi tập trung chỉ đạo các trường triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó bám sát chủ đề năm học, các chỉ tiêu về giáo dục tại các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch của cấp trên. Đồng thời, chủ động thực hiện Kế hoạch năm học 2024-2025 phù hợp, hiệu quả, tạo tiền đề cho việc triển khai Kế hoạch 5 năm tiếp theo (giai đoạn 2025-2030).
Bên cạnh đó, quan tâm thực hiện chủ trương giảm số điểm trường lẻ, thực hiện việc sáp nhập trường lớp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh.
Phòng GD&ĐT chủ động tham mưu Sở GD&ĐT, UBND huyện Ngọc Hồi tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Song song với đó, ngành GD&ĐT huyện chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Theo đó, triển khai hiệu quả nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; khuyến khích CBGV tham gia các lớp đào tạo nâng chuẩn trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá, xếp loại CBGV, giải quyết tinh giản biên chế theo quy định đối với viên chức không đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ và vị trí việc làm; thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động giáo viên giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn, đảm bảo hài hòa, khách quan, công bằng.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn đổi mới phương pháp dạy học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, phù hợp với từng nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh. Coi trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học, hoạt động ngoại khóa, tư vấn tâm lý, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh và xây dựng văn hóa học đường. Vận dụng tối đa ưu điểm của công nghệ số để kết nối, xây dựng các kênh truyền thông, định hướng dư luận xã hội liên quan đến lĩnh vực giáo dục.
Quang Định