11/12/2016 09:25
“Lấy chồng từ thuở 13”
Ngọc Tem là một trong những xã có tình trạng tảo hôn được xếp vào hàng đáng báo động. Chỉ trong 2 năm qua, xã Ngọc Tem đã có 13 cặp tảo hôn; riêng 6 tháng đầu năm nay toàn xã có 6 trường hợp. Tuy nhiên, đây chỉ những con số thống kê được, còn thực tế có những trường hợp tảo hôn người dân không báo nên các cấp, các ngành không thể nắm bắt được.
Chị Y Say – Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã tình nguyện dẫn chúng tôi đi tìm hiểu vấn đề này. Trước đây, chị Say từng làm Chủ tịch Hội LHPN xã nên chị nắm rất rõ về thực trạng tảo hôn ở đây.
Chị Say kể: Ở đây, thanh niên 15, 17 tuổi lập gia đình là bình thường, thậm chí có trường hợp mới 13 – 14 tuổi đã kết hôn. Ví như Y Hon và A Buôn (làng Điek Nót, xã Ngọc Tem) là một trong những cặp vợ chồng có tuổi kết hôn khá nhỏ. Hồi Y Hon đang học lớp 8, nó quen A Buôn lúc đó cũng mới 16 tuổi, rồi bỏ học về lấy chồng, sinh con.
Giờ con nó đã được 2 tuổi rồi, chồng nó đang đi bộ đội. Thấy con của Y Hon đã lớn nên nhà trường cùng với cán bộ xã đến động viên nó quay lại học cho hết lớp 9, nhưng tính nó còn mải chơi lắm, có con rồi mà ưng là nghỉ học đi chơi thôi, cuộc sống thì vẫn do bố mẹ chu cấp – chị Say cho biết thêm.
|
Vợ chồng Y Lin và A Nhắc (làng Măng Krí, xã Ngọc Tem) cũng lấy nhau từ năm 16 tuổi. Bây giờ cả hai vợ chồng mới chỉ 24 tuổi, nhưng cậu con trai đầu đã lên 7 tuổi.
Trong ngôi nhà nhỏ trống trải, Y Lin ôm đứa con nhỏ vào lòng, ngại ngùng thỏ thẻ: “Hồi đó, em và chồng vừa học xong lớp 9, ở nhà đi chơi thấy ưng nhau rồi về xin bố mẹ cho cưới thôi. Hồi mới lấy nhau ở chung với bố mẹ còn thấy đỡ chứ đến khi tách hộ, hai vợ chồng phải tự lập hoàn toàn, con cái bìu ríu mới thấm thía hết cái khổ của cảnh lập gia đình sớm”.
Cũng ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, Y Bảy (thôn Đăk Lúp, xã Đăk Nên) đã vội vàng “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Y Bảy chia sẻ: Em lập gia đình lúc 15 tuổi. Lúc đó gia đình khó khăn, không có điều kiện đi học xa, ở nhà không có việc gì làm nên em lấy chồng. Trải qua 1 lần sảy thai, 1 lần sinh con và giờ phải vất vả nuôi con nhỏ, em mới thấu hiểu cảnh cơ cực khi lấy chồng ở độ tuổi còn quá sớm.
Từ đầu năm 2015 đến nay, xã Đăk Nên cũng thống kê được toàn xã có 20 cặp nam nữ tảo hôn và 1 cặp hôn nhân cận huyết thống. Và đây cũng là thực trạng chung của nhiều xã trên địa bàn huyện Kon Plông.
Bên cạnh các trường hợp tảo hôn, ở Kon Plông, tình trạng hôn nhân cận huyết thống tuy ít hơn nhưng vẫn còn xảy ra ở một số địa phương vùng sâu. Chẳng hạn như trường hợp của vợ chồng A Thưa và Y Hai (thôn Điek Tem, xã Ngọc Tem), theo quan hệ trong họ hàng, 2 vợ chồng này là con cô và con cậu. Hai người lấy nhau, sinh con đến giờ cũng đã được 5 năm, nhưng mỗi khi gặp người ngoài, hai vợ chồng vẫn ngại ngùng khi nói về gia đình mình.
Ông Lê Tấn Hiển – Trưởng phòng Dân tộc huyện Kon Plông, cho biết: Nguyên nhân tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thì nhiều, nhưng chủ yếu là do đời sống của người dân còn khó khăn và nhận thức còn hạn chế nên muốn con em kết hôn sớm để có thêm người làm. Bên cạnh đó, một trong những lý do cũng phải nói tới, đó là trẻ em ở những vùng khó khăn thường hay nghỉ học sớm, anh em trong làng, trong họ thường gần gũi nhau, dễ phát sinh tình cảm nên dễ xảy ra những việc đã rồi.
Tìm lời giải từ những mô hình điểm
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết dẫn đến hệ lụy là đời sống kinh tế của nhiều gia đình cứ mãi quanh quẩn trong khó khăn nghèo đói, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao và suy giảm nòi giống. Đồng thời, việc kết hôn sớm dẫn đến những hệ luỵ về sức khoẻ, tâm lý của các ông bố, bà mẹ ở độ tuổi vị thành niên vì sau khi kết hôn, các em phải gánh trên vai trách nhiệm quá nặng nề, vượt quá sức hiểu biết, chịu đựng dẫn đến xảy ra nhiều mâu thuẫn trong đời sống gia đình.
|
Trước thực trạng đó, huyện Kon Plông đã chọn 2 xã Ngọc Tem và Đăk Nên để triển khai xây dựng mô hình điểm về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trên cơ sở đó sẽ rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.
Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem- Đinh Hồng Quế chia sẻ: Ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết là một trong những nhiệm vụ được chính quyền, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn xã xác định là then chốt để nâng cao dân trí, đời sống của người dân, chất lượng dân số.
Do đó, xã đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, nòng cốt là Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ xã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Luật Hôn nhân và gia đình, quyền trẻ em, Luật Bình đẳng giới…cho người dân. Đồng thời, chính quyền cũng sẽ tích cực theo dõi, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những trường hợp vi phạm.
Đó cũng là các giải pháp mà xã Đăk Nên đang tích cực triển khai với mục tiêu từng bước giúp người dân hiểu và nâng cao nhận thức về việc kết hôn đúng độ tuổi.
Ông Lê Tấn Hiển cho biết thêm, huyện đã hỗ trợ các xã xây dựng các tổ tư vấn với mục đích tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thông tin cho người dân nhằm nâng cao hiểu biết về vấn đề hôn nhân và gia đình. Chỉ khi người dân hiểu, nhận thức đúng họ mới thay quan niệm và hành vi trong hôn nhân, từ đó sẽ từng bước đẩy lùi thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống này.
Đến nay, 2 xã Đăk Nên và Ngọc Tem thành lập được 22 tổ tư vấn với lực lượng nòng cốt là các cán bộ phụ nữ, mặt trận, thanh niên, thôn trưởng, già làng... thực hiện nhiệm vụ tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề hàng tháng, phát tờ rơi, tư vấn pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, hệ luỵ của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các biện pháp tránh thai an toàn... Từ đầu năm đến nay, các tổ tư vấn đã tư vấn, hỗ trợ thông tin cho gần 800 phụ huynh, học sinh và các thanh niên trong độ tuổi kết hôn hoặc có khả năng tảo hôn.
Nỗ lực đẩy lùi nạn tảo hôn ra khỏi đời sống cộng đồng dân cư vẫn đang được chính quyền và các cấp, các ngành của huyện Kon Plông tích cực triển khai. Song để đẩy lùi tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống là cả một quá trình, cần phải có thời gian cùng với sự quyết tâm mạnh mẽ của các cấp, các ngành và ý thức của mỗi người dân.
Hương Nga