18/10/2024 05:59
Tôi rất tiếc vì bận công việc mà không đến chung vui với anh Nguyễn Đình Vinh ngày gia đình anh xây xong nhà mới. Ở cùng xóm nên tôi biết, trước đây, gia đình anh thuộc hộ nghèo. Hai vợ chồng làm thuê làm mướn, con cái nheo nhóc. Cả gia đình sống trong ngôi nhà lụp xụp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Nhiều năm, vợ chồng anh luôn đau đáu mơ ước về làm được ngôi nhà kiên cố. Ước mơ ấy theo ông vào cả giấc ngủ mỗi đêm.
Để biến ước mơ thành hiện thực, hai vợ chồng luôn nỗ lực làm ăn, tiết kiệm tiền bạc. Nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, dành dụm mãi vẫn chưa đủ số tiền cần thiết để sửa nhà.
Nhưng bây giờ thì không cần mơ nữa rồi. Ngôi nhà lụp xụp đã được thay bằng ngôi nhà xây, mái lợp tôn kiên cố, khang trang. Và động lực để anh hiện thực hóa ước mơ lâu này là khoản hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo.
Khi nhận thông báo được hỗ trợ 30 triệu đồng từ Quỹ vì người nghèo để làm nhà, tôi cứ ngỡ nghe nhầm, hoặc cán bộ đưa nhầm tên mình vào, nên hỏi đi hỏi lại mãi. Thật vui khi biết chắc là không có nhẫm lẫn gì. Đúng là khoản hỗ trợ quý báu- anh Vinh hào hứng nói.
Sau đó, vợ chồng anh còn được chính quyền địa phương vận động, tạo điều kiện cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi heo; trồng cây ăn quả trong vườn nhà.
Chị vợ không đi làm thuê làm mướn nữa, mà chuyên tâm chăn nuôi heo. Quy mô đàn heo tăng dần, thu nhập vì thế cũng nâng lên. Một cuộc sống mới đang về với gia đình nhỏ.
Anh Vinh tâm sự rằng, bây giờ thì đã thực sự có mái ấm, chỉ còn lo làm ăn phát triển kinh tế. Tôi cũng tin, mấy năm nữa gia đình anh sẽ thoát nghèo, và dần dà có của ăn của để.
Không chỉ riêng gia đình anh Vinh, mà đâu đâu tôi cũng được nghe những câu chuyện vui như thế.
|
Kể ra câu chuyện trên để thấy rằng, với người nghèo, điều họ cần không phải là những lời văn hoa đầy nhiệt huyết mà là những hành động thực sự có thể tạo ra thay đổi căn bản trong đời sống của họ.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn đặt giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ, các bộ ngành liên quan và các địa phương dành nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo và các chương trình giảm nghèo.
Đặc biệt, 24 năm trước, ngày 17/10/2000, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời công bố lấy ngày 17/10 hằng năm là “Ngày vì người nghèo” nhằm khơi dậy, phát huy truyền thống nhân ái, bao dung, nghĩa tình, sẵn sàng san sẻ với đồng bào gặp khó khăn và yếu thế trong cuộc sống.
Cuộc vận động hợp “ý Đảng, lòng dân” nhanh chóng lan tỏa sâu rộng, được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ. Những việc làm thiết thực, những nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã xã hội đã giúp người nghèo vượt qua khó khăn, giúp họ có thêm niềm tin và phấn đấu vươn lên thoát khỏi đói nghèo, ổn định cuộc sống.
Từ đó, góp phần to lớn vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của đất nước và tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tiếp đó, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 1258/QĐ-TTg). Phong trào đã góp phần cải thiện rõ rệt đời sống người dân, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao đã có tiến bộ rõ rệt trong công tác giảm nghèo.
Người nghèo được tạo điều kiện tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin; được trao cơ hội vay vốn, chủ động sản xuất, làm ăn vươn lên thoát nghèo.
Quốc hội khóa XV cũng đã ban hành 3 nghị quyết về tiếp tục triển khai 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, gồm Giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2021-2025); Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn 1 từ năm 2021-2025); Xây dựng nông thôn mới.
3 chương trình MTQG được triển khai đồng bộ tại các địa phương đã tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.
Ngày 2/6/2022, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 666/QĐ-TTg về Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua: “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025.
Ở tỉnh ta, Phong trào thi đua được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội trong thực hiện chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Qua theo dõi cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh giảm đều qua các năm. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,84%/năm. Năm 2021, tỷ lệ giảm hộ nghèo là 4,11%; năm 2022, tỷ lệ giảm hộ nghèo là 4,46% (đạt 111,5% kế hoạch); năm , tỷ lệ này là 4,19%.
Đến tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh đã có 49 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (trong đó, có 48 xã được công nhận chuẩn), 5 xã đạt 15-17 tiêu chí, 30 xã đạt từ 10-14 tiêu chí và 1 xã đạt 9 tiêu chí, bình quân toàn tỉnh đạt 16,28 tiêu chí/xã; 8 xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Có 76 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới; 13/25 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 48/186 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Để có được con số khá ấn tượng ấy, trước hết phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh, sự tích cực và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai chủ trương, chính sách về giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và vốn đối ứng địa phương đã được đầu tư cho các dự án, công trình, từ đó góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Xuất phát từ nguyện vọng của các hộ nghèo, các ngành, địa phương có cơ chế, chính sách ưu tiên cho việc thực hiện các hình thức hỗ trợ phù hợp đối với từng nhóm đối tượng.
Theo đó, với nhóm hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo, ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn từ các chính sách, dự án để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đối với hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, thực hiện hỗ trợ bằng vốn vay; đối với nhóm hộ nghèo thiếu đất sản xuất thì hỗ trợ khai hoang, phục hóa đất sản xuất, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, dạy nghề; đối với nhóm hộ nghèo có người ốm đau kinh niên, mất sức lao động thì vận động cộng đồng, doanh nghiệp giúp đỡ.
Riêng đối với nhóm hộ nghèo ỷ lại, chây lười lao động, đã phát huy tối đa vai trò của các đoàn thể trong việc vận động, giáo dục; phân công đảng viên có trách nhiệm, uy tín trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn để thay đổi nhận thức, tích cực lao động để nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân mình và gia đình.
Trên tất cả, các địa phương không “hô khẩu hiệu”, mà tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững. Trong đó tập trung hỗ trợ, hướng dẫn hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo sinh kế; thúc đẩy cơ hội tiếp cận với dịch vụ xã hội cho hộ nghèo.
Công tác vận động, quản lý, phân bổ, sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” công khai, dân chủ, đúng mục đích, đúng đối tượng, tạo được lòng tin của các tổ chức, cá nhân, các nhà tài trợ, thiết thực chăm lo cho người nghèo.
Riêng trong năm 2023, Quỹ "Vì người nghèo" các cấp trong tỉnh đã vận động được trên 8,2 tỷ đồng. Từ nguồn vận động được đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 113 căn nhà đại đoàn kết, hỗ trợ 64 hộ nghèo phát triển sản xuất; hỗ trợ người dân khám chữa bệnh; trao tặng quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng gặp khó khăn trong xã hội nhân dịp lễ, tết.
Từ đó, các hộ nghèo đã có thêm điều kiện để từng bước ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
|
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh tuy đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhưng sự lan tỏa mới ở bề rộng mà chưa sâu; kết quả giảm nghèo trên địa bàn chưa thực sự bền vững.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tại một số địa phương chưa được thường xuyên, còn hạn chế về hiệu quả; việc xác định nội dung hỗ trợ chưa sát với nhu cầu và điều kiện thực tế của đối tượng thụ hưởng.
Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt thực hiện Phong trào thi đua; còn thiếu những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để thu hút nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả.
Đáng chú ý là một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước; vẫn giữ những phong tục, tập quán lạc hậu trong chăn nuôi, sản xuất; không nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Nguồn lực huy động được phải chuyển đến nhiều đối tượng, đẫn đến việc phải chia nhỏ, có tính chia đều, chưa tạo được nguồn lực lớn để giúp hộ nghèo. Cơ sở hạ tầng tuy được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông.
Sinh kế của người dân, nhất là đồng bào DTTS phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Trong khi thiên tai ngày càng khó lường, khiến sản xuất nông lâm nghiệp chịu nhiều rủi ro. Thực tế cho thấy, chỉ cần một cơn bão hay đợt hạn hán nặng là sản xuất nông nghiệp sẽ thiệt hại nặng, dẫn đến nguy cơ tăng tỷ lệ hộ nghèo, hoặc tái nghèo.
Bên cạnh đó, trình độ thấp, thiếu vốn đầu tư, đông con, "căn bệnh ỷ lại" còn bám rễ trong nhận thức của rất nhiều hộ nghèo cũng là những rào cần cần tháo gỡ.
Xóa đói, giảm nghèo từ lâu đã là bài toán khó, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình giảm nghèo còn khó khăn gấp nhiều lần.
Vì vậy, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người nghèo quyết tâm tự vươn lên thoát nghèo, dành sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho những trường hợp còn khó khăn hơn.
Tập trung nguồn lực hỗ trợ người nghèo có nhà ở, ổn định cuộc sống, vì “an cư mới lạc nghiệp”. Đồng thời chú trọng việc giúp về kỹ năng lao động, tư liệu sản xuất; giúp con em được đi học, có kiến thức để nuôi trồng, sản xuất hiệu quả.
Sự hỗ trợ từ 3 chương trình MTQG thực sự là nguồn động lực lớn giúp người dân thay đổi tư duy phát triển kinh tế và muốn thoát nghèo. Vì vậy, cách làm của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần linh hoạt, đổi mới và sát thực tế.
Mặt khác, việc huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội phải được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng để bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, củng cố niềm tin trong xã hội.
Thành Hưng