Khi hộ nghèo có “bệ đỡ”

06/12/2024 06:13

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã khẳng định vai trò là một trong những “bệ đỡ” mạnh mẽ để hộ nghèo vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Phải nói rằng, tôi rất ấn tượng với sự vươn lên gia đình A Phơng trong năm qua. Từ một hộ nghèo, và từng có tư tưởng muốn “được nghèo” đã trở thành hộ gia đình có mức sống trung bình.

Ngôi nhà tường gạch, mái lợp tôn đỏ của A Phơng nằm giữa vườn cây. Gương mặt cằn cỗi, khắc khổ in hằn dấu vết những năm tháng vất vả, khó khăn của anh giãn ra khi kể về cuộc sống mới.

Em và dân làng ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm- A Phơng nói- Bây giờ gia đình em có nhà xây, bản thân có nghề thợ xây, vợ ở nhà làm vườn, chăm sóc đàn heo, cuộc sống đã khá lên nhiều rồi.

Tôi đọc được niềm vui từ ánh mắt trong sáng của A Phơng, và biết rằng, đó là anh nói theo suy nghĩ thật của mình, không phải để làm khách thấy hài lòng. 

Nỗ lực vươn lên của em, cũng như bao hộ nghèo khác sẽ không đem lại kết quả hôm nay, nếu như thiếu đi nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước- A Phơng chân thành nói.

Tôi biết, ấy là A Phơng đang nói đến nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) đang được triển khai khá hiệu quả trên địa bàn.

Mô hình hỗ trợ hợ nghèo nuôi heo từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Ảnh: H.L

 

Năm 2023, A Phơng được tham gia lớp dạy nghề thợ xây do địa phương mở từ nguồn vốn tiểu dự án 1, dự án 4 Phát (triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững) thuộc Chương trình. Sau khi học xong, anh có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định

Gia đình A Phơng còn được hỗ trợ triển khai mô hình chăn nuôi heo địa phương từ nguồn vốn Dự án 2 (Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo) của Chương trình. Được đầu tư con giống, hướng dẫn kỹ thuật, đàn heo nhà A Phơng sinh sôi này nở nhanh, đem lại nguồn thu nhập đáng kể mỗi năm.

A Phơng chỉ là một trong rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã vươn lên từ “bệ đỡ” là nguồn lực của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Được triển khai từ năm 2022, Chương trình có mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Rất nhanh chóng, Chương trình đã khẳng định vai trò là một trong những “đòn bẩy”để hộ nghèo vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Ngay trong năm đầu thực hiện, đã có gần 300 tỷ đồng được bố trí để  thực hiện các chính sách giảm nghèo, trong đó vốn Trung ương giao là 265,917 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 32,497 tỷ đồng. Kết quả là tỷ lệ giảm nghèo đạt 4,31%, bằng107% so với kế hoạch.

Năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình, đã có 6.258 hộ thoát nghèo, tương ứng 4,19%, đạt 103,7% so với kế hoạch; 6.975 người được đào tạo nghề nghiệp; giải quyết việc làm cho 7.267 lao động.

Năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình hơn 355,73 tỷ đồng (vốn Trung ương hơn 325,73 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh 30 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương đăng ký lồng ghép hơn 13,75 tỷ đồng.

Từ nguồn lực trên, tỉnh ta tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin.

Người nghèo được trao cơ hội vươn lên. Ảnh: HL

 

Theo UBND tỉnh, các ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có sự chủ động trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Trong đó, ban chỉ đạo các cấp được thành lập, kiện toàn kịp thời, thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, điều phối, đảm bảo Chương trình được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Quá trình thực hiện Chương trình tại các đơn vị, địa phương luôn nhận được sự phối hợp tham gia của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Một số dự án đầu tư quan trọng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân. Tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Và khi có “bệ đỡ”, nhiều hộ nghèo không còn e ngại, tự ti và lo lắng nữa, mà chủ động, mạnh dạn tiếp nhận và thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo; khắc phục tư tưởng trông chờ, lại vào Nhà nước.

Báo cáo số 374/BC-UBND ngày 7/11/2024 của UBND tỉnh dự kiến đến hết năm 2024 sẽ hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, nghĩa là toàn tỉnh giảm 3-4%; các huyện nghèo giảm từ 6-8%.

Kết quả trên có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trên hành trình giảm nghèo bền vững.

Dù vẫn còn những vướng mắc, hạn chế trong thực hiện Chương trình, tuy nhiên, chúng ta có lợi thế khi nguồn lực đầu tư lớn; cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo đa dạng; chính quyền, ngành chức năng có nhận thức đúng đắn, thống nhất trong hoạch định và thực thi chính sách giảm nghèo; đa số hộ nghèo có khát vọng vươn lên.

Vấn đề hiện nay là cần tận dụng và phát huy tốt nguồn lực từ Chương trình. Trong đó, cần triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế cho hộ nghèo; có chính sách tín dụng ưu đãi để họ mạnh dạn đầu tư cho sản xuất.

Có chính sách hỗ trợ giới thiệu việc làm, đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo đi xuất khẩu lao động, từ đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống của bản thân và gia đình.

Tăng cường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo tiếp cận tín dụng (sử dụng đất làm thế chấp) và giúp người nghèo đầu tư vào những cây trồng có lợi nhuận hơn nhưng đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu cao hơn.      

Hồng Lam

Chuyên mục khác