23/08/2016 08:42
Khó chồng lên khó
Theo bác sỹ Võ Văn Quang- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia H’Drai, hiện tại phần lớn nhân lực của Đội y tế dự phòng đã được đưa về bám các xã để giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh, vận động người dân thực hiện các biện pháp diệt muỗi, phòng bệnh.
Trước đó, Trung tâm y tế huyện cũng đã chỉ đạo Trạm y tế các xã tham mưu chính quyền địa phương tổ chức ra quân diệt lăng quăng/bọ gậy; phối hợp với Đội công tác của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá mật độ muỗi ở từng vùng, vận động người dân tẩm màn bằng hóa chất...
|
Tính đến nay, chúng tôi đã thực hiện phun 35 lít hóa chất diệt muỗi ở các thôn trọng điểm. Tuy nhiên, hiện công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, có thể nói là khó chồng thêm khó- Bác sỹ Quang lo lắng nói.
Trước hết, địa bàn huyện rộng, dân cư ít nhưng phân tán thành các điểm nhỏ, đa số nhà dân đều ở sát bìa rừng hoặc nằm trong lô cao su, là những nơi có mật độ muỗi cao, hóa chất diệt muỗi nhanh hết tác dụng. Với những đặc điểm này, một khi xuất hiện sốt xuất huyết, ngành y tế sẽ rất khó kiểm soát.
|
Khó khăn thứ hai là biến động dân cư trên địa bàn lớn. Do là huyện biên giới mới chia tách, các mặt hàng chủ yếu được cung ứng từ bên ngoài vào nên lượng người đến huyện buôn bán hàng ngày nhiều; công nhân của các doanh nghiệp trồng cao su cũng thường xuyên ra vào nên không thể kiểm soát được nguồn lây lan bệnh (nếu có).
Một khó khăn nữa là cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực của Trung tâm chưa đảm bảo cho việc phòng chống dịch bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe người dân. Hiện tại, Trung tâm y tế huyện vẫn chưa “an cư”, đang phải “ở nhờ” cơ sở của Trung tâm y tế Công ty cao su Chư Mom Ray; 10 giường bệnh đặt tại Phòng khám Đa khoa khu vực Nam Mô Rai ở xã Ia Dom. Đặc biệt, Trung tâm chỉ có 42 cán bộ, y bác sỹ, nhân viên, gồm 8 biên chế, 34 nhân viên hợp đồng, chủ yếu là mới ra trường, còn thiếu kinh nghiệm.
Nhưng điều khiến cho bác sỹ Võ Văn Quang và các cộng sự “phập phồng” lo ngại nhất là dịch sốt xuất huyết sẽ từ huyện lân cận Ia Grai (tỉnh Gia Lai) “tràn” sang Ia H’Drai, bởi phần lớn người buôn bán hàng ngày ra vào huyện đều đến từ Ia Grai- nơi sốt xuất huyết đang hoành hành.
Hơn nữa, đây là thời điểm kết thúc hè, nhiều giáo viên có nhà ở thành phố Kon Tum hoặc tỉnh Gia Lai, là những vùng hiện đang có dịch, trở lại trường, cũng không thể biết có mang theo mầm bệnh hay không. Điều này đem lại nguy cơ lây nhiễm rất cao- Bác sỹ Quang nhận định.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Đến ngày 16/8, trên địa bàn huyện Ia H’Drai đã ghi nhận 3 trường hợp bị mắc sốt xuất huyết; cả 3 trường hợp đều đã được chữa khỏi. Trong đó, 2 bệnh nhân là người nơi khác đến huyện công tác và 1 bệnh nhân ở thôn 7, xã Ia Tơi là cháu Nguyễn Thiện Nhân (sinh năm 2014).
Ngay sau đó, Trung tâm y tế huyện đã tăng cường lực lượng phòng dịch xuống địa bàn. Từ thôn 7, anh Nguyễn Phúc Thiện- Đội phó Đội y tế dự phòng (Trung tâm y tế huyện) thông báo qua điện thoại: Khi phát hiện cháu bị sốt, gia đình đã đưa cháu về Gia Lai khám, được kết luận mắc sốt xuất huyết và điều trị luôn. Chiều 16/8, chúng tôi đã tiến hành phun hóa chất tại khu vực, tiếp tục giám sát chặt chẽ để có thể phát hiện kịp thời các trường hợp mắc mới (nếu có), không để lây lan. Tiếp đó, trong 2 ngày 17-18/8, phun hóa chất diệt muỗi ở khối cơ quan huyện, khối Mặt trận, đoàn thể, các điểm dân cư, trường học...
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, có thể nói huyện Ia H’Drai đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Ông Nguyễn Tiến Dũng- Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện cho biết: Xác định rõ nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết vào địa bàn cao, cũng như nhận diện rõ những khó khăn, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân diệt lăng quăng/bọ gậy, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà, thực hiện ngủ màn; ngành y tế phân công cán bộ bám địa bàn, giám sát chặt chẽ tình hình, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh; chính quyền các xã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cụ thể trên địa bàn mình.
Gần đây nhất, ngày 10/8, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND về phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn toàn huyện. Ngày 15/8, Huyện ủy ban hành Công văn số 126-CV/HU yêu cầu UBND huyện, MTTQVN huyện và các đoàn thể, Trung tâm y tế huyện, UBND các xã tăng cường các biện pháp ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết xâm nhập vào huyện và phát triển thành dịch.
Khi chúng tôi vào xã Ia Đal thì gần như cán bộ, công chức xã đều đã được tăng cường về các điểm dân cư để vận động, hướng dẫn người dân thực hiện phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Ông Ngụy Đình Phúc- Chủ tịch UBND xã thông báo: Từ ngày 10/8, ở tất cả các thôn trong xã đã tổ chức phát động người dân tự diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy; thu gom rác thải, các dụng cụ chứa nước đọng (như lốp xe, chum vại, chén đựng mủ cao su)...
Một cách làm hay, sáng tạo trong công tác phòng chống sốt xuất huyết của xã Ia Đal là chỉ đạo Đoàn thanh niên xã thành lập các tổ xung kích phòng sốt xuất huyết tại các thôn (mỗi tổ ít nhất 6 người) để diệt lăng quăng/bọ gậy ở những khu vực trọng điểm về muỗi; giúp dân phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, lấp hố nước đọng ở khu dân cư; phụ trách hộ gia đình để giám sát, nhắc nhở thực hiện các biện phòng phòng dịch...
Thành Hưng