29/08/2016 13:57
Chúng tôi đã sẵn sàng
Ghé thăm Trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Ia Dom) giữa cơn mưa rừng mờ mịt trời đất khi đã khá muộn. Trong ngôi trường nằm bên sườn dốc chỉ còn phòng hiệu trưởng sáng đèn. Thầy Ksor Sửu “chiêu đãi” ly nước chè xanh bốc khói, cười cười: Mình đang xem lại kế hoạch khai giảng. Bước vào năm học mới nhiều khó khăn lắm, nhưng gỡ dần cũng hết.
Trường Tiểu học Nguyễn Du có 6 phòng học ở trường chính và 3 phòng học ở điểm trường thôn 4 (Làng thanh niên lập nghiệp Mô Rai). Năm học mới này, trường có 160 học sinh, với 10 lớp (gồm 9 lớp đơn và 1 lớp ghép 2-3 ở thôn 4). Dù ngày 18/8, học sinh mới tựu trường, thế nhưng, từ ngày 10/8, giáo viên, học sinh và phụ huynh đã tập trung để triển khai các công việc chuẩn bị cho năm học mới.
|
Vì cơ sở vật chất còn tạm bợ nên công việc đầu tiên mà tất cả cùng bắt tay thực hiện là sửa sang lại trường lớp, vệ sinh môi trường... Theo thầy Ksor Sửu, phụ huynh tham gia rất nhiệt tình bởi thấy điều kiện nhà trường còn khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt. Họ nói với nhau: Con em mình ăn học tại đây nên mình phải có trách nhiệm chứ.
“Hiện nay, trường lớp đã được quét dọn sạch sẽ; số lượng bàn ghế học sinh cũng được sửa chữa hoặc đóng đầy đủ, chỉ còn thiếu một số sách giáo khoa, chúng tôi đang tiếp tục vận động tài trợ từ các doanh nghiệp và thầy cô giáo trong trường. Đến ngày 22/8, học sinh đến lớp đạt 100%. Mọi việc đã sẵn sàng chờ ngày khai giảng” - thầy Ksor Sửu thông báo.
|
Cuối tháng 7 vừa qua, một sự kiện làm thầy trò nhà trường và phụ huynh nức lòng là Ngân hàng NN&PTNT- Chi nhánh Kon Tum đã tài trợ 7 tỉ đồng để xây dựng dãy phòng học hai tầng, nhà hiệu bộ, nhà công vụ giáo viên và các công trình phụ trợ. Dự kiến công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu học kỳ 2 năm học 2016-2017.
Hồi chiều, thầy Nguyễn Quang Thọ- Phó phòng Giáo dục huyện chia sẻ: Là huyện mới thành lập, thuộc vùng sâu vùng xa biên giới, các nguồn kinh phí phân bổ hạn hẹp qua từng năm, nên để đầu tư cho giáo dục toàn diện là rất khó khăn. Bởi vậy, trước năm học mới, chúng tôi đã kêu gọi sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài huyện để góp phần giảm bớt khó khăn cho các trường. Bên cạnh đó, tập trung rà soát sĩ số và có giải pháp vận động học sinh đến trường. Đến thời điểm này, theo báo cáo, các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện gần 100% số học sinh đã đến lớp. Có thể nói, chúng tôi đã sẵn sàng cho năm học 2016-2017.
Sẽ đón làn gió mới
Dù đang rất bận, anh Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch UBND huyện cũng nhận lời gặp gỡ chúng tôi. Khoảng 30 phút thôi nhé, mình bận lắm - anh “mặc cả”.
Ấy vậy mà câu chuyện cứ kéo dài mãi. Bởi anh là người tâm huyết với sự nghiệp phát triển giáo dục của huyện nhà, cũng bởi có nhiều khó khăn mà anh muốn chia sẻ. Theo anh, huyện mới được thành lập hơn 1 năm nay, còn bộn bề gian khó, nên việc phát triển hoàn thiện mạng lưới giáo dục đào tạo là một thách thức lớn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương nên hệ thống giáo dục đang từng bước hình thành; cơ sở vật chất trường, lớp đã và đang được đầu tư ngày càng nhiều.
Anh chia sẻ: Còn về khó khăn của ngành Giáo dục huyện thì nhiều lắm, nói cả ngày không hết, mà không phải chỉ riêng lĩnh vực giáo dục đâu, lĩnh vực nào cũng vậy cả. Toàn huyện hiện có 4 trường mầm non, 3 trường tiểu học và 1 trường THCS, chưa có trường THPT. Các trường đều chưa có phòng học bộ môn, phòng thư viện; nhà công vụ cho giáo viên, nhà bán trú cho học sinh đều là làm tạm, dùng từ nguồn xã hội hóa.
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn ấy, chất lượng dạy và học đã có những bước chuyển biến cơ bản. Trong năm học 2015-2016, tỷ lệ chuyên cần của học sinh đạt 98%; tỷ lệ huy động học sinh ra lớp 6 là 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%; học sinh lên lớp thẳng đạt 97,75%...
Và quan trọng hơn, ngành Giáo dục Ia H’Drai sẽ đón làn gió mới với một Kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2016-2020 đã được huyện xây dựng và ưu tiên triển khai.
Chủ tịch Lộc “bật mí”: Chúng tôi đặt ra mục tiêu là từ nay đến năm 2020, mạng lưới trường học 3 cấp (mầm non, tiểu học, THCS) sẽ phủ kín tất cả các xã. Trong đó, bậc học mầm non sẽ có 20 trường (18 trường công lập, 02 trường dân lập), 6 trường tiểu học với 93 phòng học kiên cố, 6 trường THCS với 81 phòng học kiên cố. Các trường đều được xây dựng khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, như phòng học bộ môn, phòng công vụ, bếp ăn cho giáo viên, thư viện, nhà hiệu bộ, nhà bán trú cho học sinh, bếp ăn bán trú cho học sinh, công trình nước sạch...
|
Để thực hiện kế hoạch dài hơi ấy, tổng nhu cầu vốn đầu tư là hơn 231,24 tỷ đồng (mầm non 73,2 tỷ đồng, tiểu học 74,8 tỷ đồng, THCS 84,88 tỷ đồng). Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, huyện Ia H’Drai sẽ khuyến khích công tác xã hội hóa, tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư bên ngoài; ưu tiên lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn từ các đề án giáo dục...
“Chốt” lại cuộc trò chuyện, Chủ tịch Nguyễn Văn Lộc hóm hỉnh: Điều đáng mừng là ngay khi Kế hoạch được thông qua thì huyện cũng đón nhà tài trợ đầu tiên với 7 tỷ đồng xây phòng học tại Trường Tiểu học Nguyễn Du. “Đầu xuôi đuôi lọt”, tin rằng rồi đây sẽ có nhiều trường học mới như vậy được xây dựng bởi sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và xã hội.
Không hiểu sao, khi nghe anh Lộc nói vậy, tôi lại nhớ đến bức hình chụp lễ ký kết tài trợ kinh phí xây dựng trường được đặt trang trọng ở bàn làm việc của thầy Ksor Sửu và hình dung về niềm vui của các em học sinh xã Ia Dom khi được học ở ngôi trường còn thơm mùi vôi...
Hồng Lam