Huyện Sa Thầy: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào nghèo

09/10/2016 09:22

Trước tình trạng quỹ đất hạn hẹp, huyện Sa Thầy cũng đã chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá lại nhu cầu của người dân, đặc biệt là nội dung hỗ trợ đất sản xuất để đề xuất tỉnh cho chủ trương điều chỉnh sang hỗ trợ mua nông cụ sản xuất.

Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn theo tinh thần Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Sa Thầy được tỉnh phê duyệt hỗ trợ đất ở cho 205 hộ/4,11ha, đất sản xuất cho 197 hộ/149,55ha.

Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, dù huyện đã có nhiều cố gắng nhằm ổn định cuộc sống cho người dân trong diện được thụ hưởng theo Quyết định 755/QĐ-TTg nhưng do có những khó khăn từ nhiều phía nên tiến độ triển khai vẫn chậm. Đến nay, huyện mới thực hiện hỗ trợ đất sản xuất được cho 12 hộ dân (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) với diện tích 10,6ha, đạt 6,09%; hỗ trợ đất ở cho 107 hộ dân với diện tích 2,16ha, đạt 52,2%.

Cán bộ thị trấn Sa Thầy vận động hộ nghèo phát triển sản xuất sau khi ổn định cuộc sống. Ảnh: T.Q

 

Bà Y Sâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy chia sẻ: Khó khăn vướng mắc nhất là hiện nay các xã, thị trấn trên địa bàn huyện không còn quỹ đất để hỗ trợ tập trung. Một số hộ tự khai hoang ở nhiều địa điểm khác nhau, diện tích khai hoang manh mún, nhỏ lẻ và ở các vùng núi hiểm trở nên rất khó khăn cho công tác kiểm tra, đo đạc, thẩm định. Một số hộ đã tự khai hoang nhưng vi phạm đất lâm nghiệp không thể hỗ trợ hoặc nhận chuyển nhượng từ đất không hợp pháp nên phải rà soát, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai thực hiện…

Thời gian đầu mới thành lập (năm 2014), thôn tái định cư Đăk Tăng (Sa Nghĩa) chỉ có 56 hộ (100% dân số là đồng bào DTTS) đều được Nhà nước cấp đất ở, đất sản xuất. Thế nhưng, đến nay, thôn đã phát sinh thêm 31 hộ (do tách hộ). “Cùng với sự gia tăng về dân số đã dẫn đến tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con nơi đây” - ông A Geoh - thôn phó thôn Đăk Tăng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch UBND xã Sa Nghĩa khẳng định quyết tâm của địa phương: Giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho dân, chính quyền địa phương đã đề xuất lên UBND huyện cho chủ trương thu hồi diện tích đất còn lại thuộc thôn Đăk Tăng (10ha) đang trồng cây cao su và một phần đất trống (do UBND huyện quản lý) để cấp cho các hộ dân là người DTTS đang sinh sống trên địa bàn khó khăn về đất ở, đất sản xuất. Hiện, huyện đã thống nhất chủ trương và địa phương cũng đã hoàn tất phương án phân chia đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân còn thiếu đất trên địa bàn thôn…

“Dự kiến 31 hộ dân phát sinh sẽ được ưu tiên cấp đất với diện tích 400m2/hộ đối với đất ở và 2868m2/hộ đối với đất sản xuất. Đối với những hộ phát sinh thêm sau này, địa phương cũng tính đến giải pháp đề nghị hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề nhằm ổn định cuộc sống cho bà con” - ông Minh cho biết.

Việc “khát” đất sản xuất với người dân vùng nông thôn mới nghe qua như nghịch lý nhưng thực tế đang xảy ra tại nhiều địa phương. Lâu nay bà con vẫn có đất để sản xuất nhưng nhiều diện tích qua đo đạc, nghiệm thu không hợp pháp, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, hiện nay, không phải địa phương nào cũng còn quỹ đất dự phòng để bố trí cho dân.

Ngay tại địa bàn thị trấn Sa Thầy, mặc dù nằm ở vị trí trung tâm huyện nhưng qua rà soát có đến 86 hộ gia đình thiếu đất ở và đất sản xuất (theo Đề án phê duyệt của tỉnh), tập trung chủ yếu tại 3 làng đồng bào DTTS, trong đó 70 hộ thiếu đất sản xuất, 16 hộ thiếu đất ở.

Năm 2015, thị trấn nỗ lực giải quyết cho 16 hộ thiếu đất ở, đạt 100% kế hoạch Đề án thông qua việc vận động các hộ gia đình trong dòng họ cho, tặng, sang nhượng với giá rẻ và 9 hộ thiếu đất sản xuất.

Chủ tịch UBND thị trấn Sa Thầy - Phan Thị Hà Tiên cho biết, địa phương đang tiếp tục rà soát để giải quyết đất sản xuất cho 42 hộ; đề xuất điều chỉnh hỗ trợ 19 hộ thiếu đất sản xuất sang hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề vì quỹ đất trống trên địa bàn không còn.

Tuy nhiên, bà Tiên chia sẻ: Quá trình đo đạc để nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết các hộ dân lâu nay có thói quen tự khai hoang đất hoặc sang nhượng ở khắp nơi. Đối với 42 hộ dân đang triển khai các bước để hoàn tất hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đa số diện tích đất của bà con cũng đều nằm phân tán tại địa bàn 7 xã thuộc huyện.

Xác định quỹ đất trống trên địa bàn không còn nên trong triển khai thực hiện Quyết định 755, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Sa Thầy trước đó cũng đã chủ động đề nghị hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho hộ dân.

Ông A Hnhưr được hỗ trợ bò giống. Ảnh: T.Q

 

Theo Đề án phê duyệt của tỉnh, Sa Thầy có 586 hộ được hỗ trợ mua nông cụ, chuyển đổi ngành nghề thay thế. Qua 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, Sa Thầy đã có 473 hộ được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề thay thế đất sản xuất, đạt 83,27%.

Ông A Hmão – Phó chủ tịch UBND xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy) cho biết, nhận thấy quỹ đất hỗ trợ phát triển sản xuất không còn nên địa phương đã chủ động đề xuất hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho người nghèo. Từ tình hình thực tế địa phương và điều kiện của người dân, đến nay, 26 hộ dân thuộc Đề án đều đã được hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản.

Trước tình trạng quỹ đất hạn hẹp, huyện Sa Thầy cũng đã chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá lại nhu cầu của người dân, đặc biệt là nội dung hỗ trợ đất sản xuất để đề xuất tỉnh cho chủ trương điều chỉnh sang hỗ trợ mua nông cụ sản xuất.

Trước mắt, huyện đang tập trung chỉ đạo Phòng Tài nguyên-Môi trường và các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ thẩm định và tham mưu cho huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ được hỗ trợ đất sản xuất; rà soát quỹ đất công tại địa bàn các xã để bố trí cho người dân; điều chỉnh quy hoạch tại các điểm dân cư để bố trí đất ở cho hộ gia đình. Dự kiến đến cuối năm 2016, Sa Thầy tiếp tục hỗ trợ đất ở cho 98 hộ dân với diện tích 1,96ha, phấn đấu đạt 100% kế hoạch Đề án đề ra; hỗ trợ đất sản xuất cho 102 hộ với diện tích 55 ha...

Tú Quyên

Chuyên mục khác