24/10/2016 18:09
Theo chân các cán bộ kiểm lâm, chúng tôi đến thăm khu rừng ông A Guồng (thôn trưởng thôn 2, xã Đăk Ruồng) được huyện giao 8ha rừng (có bìa đỏ hẳn hoi) theo Phương án giao rừng, cho thuê rừng tỉnh giai đoạn 2009-2012.
Ông Guồng bảo: Kể từ khi được giao rừng, nhận thấy quyền lợi và trách nhiệm trong việc nhận đất, nhận rừng, gia đình tôi gắn bó với rừng. Xác định rừng được giao như tài sản quan trọng, tôi thường xuyên lên thăm rừng, không để xảy ra khai thác và phá rừng làm nương rẫy trái phép. Rừng được giao ngày càng hồi sinh.
|
Thấy ông quan tâm đến rừng và có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, các hộ gia đình cùng được giao rừng đã bầu ông làm Tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ rừng.
Chia sẻ về vấn đề này, A Guồng thật lòng: Rừng ở xa làng, bà con đi hơn một buổi đường mới đến rừng. Trước đây, việc tuần tra rừng theo hộ, không phát huy được sức mạnh của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng.
Để phát huy sức mạnh của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng, năm nay, các hộ đã liên kết lại tuần tra, bảo vệ rừng theo tổ, nhóm. Hàng tháng, tổ phân công các nhóm thay nhau tuần tra từ 3-4 lần để bảo vệ rừng. Rừng của tổ được các nhóm thay nhau tuần tra bảo vệ nên không để xảy ra mất rừng.
Cũng ở xã Đăk Ruồng, chúng tôi gặp ông A Tin vừa là thôn trưởng thôn 3, vừa là nhóm trưởng bảo vệ rừng. Ông A Tin cho biết, gia đình ông được Nhà nước giao 30ha rừng theo Quyết định 304/2004/QĐ-TTg ngày 23/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các tỉnh Tây Nguyên.
Diện tích rừng được giao của gia đình ông nằm trong diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Vì vậy, hàng năm gia đình ông nhận khoảng trên 15 triệu đồng từ nguồn dịch vụ môi trường rừng.
|
Từ khi nhận đất, nhận rừng và được hưởng chính sách dịch vụ môi trường rừng, gia đình ông không còn khó khăn như trước nữa. A Tin phấn khởi khoe: Từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, gia đình tôi có thêm khoản tiền để mua lương thực, thực phẩm và lo cho các con ăn học. Nhờ ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ, trong nhiều năm liền, gia đình tôi bảo vệ không để xảy ra mất rừng.
Thấy được vai trò và tinh thần trách nhiệm của ông trong việc bảo vệ rừng, năm 2016, 41 hộ được giao đất, giao rừng trong thôn 3 bầu ông làm nhóm trưởng bảo vệ rừng. Phát huy vai trò nhóm trưởng, ông phân công các thành viên thay nhau tuần tra bảo vệ rừng và không để xảy ra mất rừng.
Bàn về giao đất, giao rừng và việc phát huy vai trò của người có uy tín trong việc bảo vệ rừng, A Câu- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Kôi đánh giá cao vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong việc bảo vệ rừng.
Theo ông, xã có trên 27.000ha rừng. Trong đó, Nhà nước giao hơn 3.000ha rừng cho 300 hộ gia đình, 2 cộng đồng quản lý, bảo vệ; diện tích rừng còn lại là rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy và Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy. Ở diện tích rừng được giao cho dân, người dân quản lý bảo vệ tốt, không để xảy ra mất rừng.
Có được kết quả này còn là nhờ lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ rừng; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm tra nên người dân không dám lơ là trong việc bảo vệ rừng.
|
Tại xã Đăk Pne, ông Trần Huy Quốc - kiểm lâm địa bàn ghi nhận vai trò của các cá nhân tiêu biểu như ông A Giao (thôn 4), bà Y Mem (thôn 2)… là những thôn trưởng có công trong việc phát huy vai trò của cộng đồng bảo vệ rừng. Bằng trách nhiệm và uy tín của mình, những cá nhân này đã lên lịch, phân công các nhóm hộ tuần tra bảo vệ có hiệu quả rừng nhận khoán.
Từ công tác quản lý và tìm hiểu quá trình giao đất, giao rừng cho dân, ông Nguyễn Sỹ Phương - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy đánh giá cao vai trò của các cá nhân điển hình trong việc phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng. Trên cơ sở này, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu địa phương thành lập các tổ, nhóm và phát huy vai trò của các cá nhân trong việc dẫn dắt tổ, nhóm bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng.
Văn Nhiên