Huyện Kon Rẫy: Nâng bước học sinh vùng khó đến trường

04/09/2016 07:07

Những năm qua, ngành GD&ĐT huyện Kon Rẫy đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để vận động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, nhất là giáo dục học sinh vùng DTTS.

Chăm lo cho học sinh nghèo, DTTS

Ông Đặng Nhẫn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kon Rẫy cho hay, năm học qua, hơn 1.500 học sinh DTTS/7.046 học sinh trên địa bàn, đang học bậc mầm non đến THCS luôn được tạo điều kiện đến trường. Cụ thể, 560 học sinh DTTS đang theo học ở 3 trường PTDTBT bậc tiểu học và trung học cơ sở (tại xã Đăk Pne và Đăk Kôi) đã được quan tâm, tiếp nhận kịp thời các chính sách về hỗ trợ gạo, đồ dùng học tập, chi phí học tập dành cho con em vùng đặc biệt khó khăn.

Nhờ đầu tư các trường bán trú này, các em được giáo dục tốt hơn; phụ huynh tự giác đưa các em đến trường luôn đạt sĩ số 100%. Đến cuối các năm học, chất lượng giáo dục ngày càng tăng, hiện tỉ lệ học sinh lên lớp đạt 98% trở lên.

Điều này đã tạo sự vững tin cho đội ngũ giáo viên vùng sâu yên tâm công tác, cũng như tháo gỡ dần khó khăn trong việc vận động, duy trì sĩ số học sinh ra lớp không đạt kế hoạch đề ra như các năm học 2011- 2012 trở về trước.       

Học sinh thuộc diện nghèo, học sinh DTTS đang học ở các trường học khác trên địa bàn cũng được quan tâm giúp đỡ về điều kiện học tập. Chẳng hạn như 19 học sinh ở thôn 4, 5 (xã Tân Lập) thuộc diện đặc biệt khó khăn, khoảng cách từ nhà các em đến Trường THCS xã Tân Lập khoảng 8km và phải lội qua con suối. Năm học 2013 – 2014 trở về trước, các em thường xuyên nghỉ học, nên ảnh hưởng đến sĩ số trên lớp, 11/19 em học lực đạt trung bình, yếu. Trước khó khăn này, đơn vị đã đề xuất Sở GD&ĐT xây dựng nhà ở bán trú 4 phòng trong khuôn viên Trường THCS xã Tân Lập, để các em ở các thôn trên có điều kiện học bán trú.

Mặt khác, đơn vị đã tham mưu UBND huyện kêu gọi xã hội hóa nguồn kinh phí hỗ trợ tiền ăn trưa cho các em với định mức 330 ngàn đồng/học sinh/tháng, trong suốt 2 năm học vừa qua. Có nhà ở bán trú, cơ hội học tập của các em được cải thiện. Năm học vừa qua, 19 học sinh này đi học chuyên cần đạt 100%; có 6 em đạt học lực khá và 10 em học lực trung bình, còn lại em 3 học yếu được bồi dưỡng vào dịp hè vừa qua.

Phát triển quy mô trường, lớp

Bên cạnh công tác ưu tiên chăm lo cho học sinh DTTS, Phòng GD&ĐT cũng tranh thủ sự quan tâm của địa phương, Sở GD&ĐT đầu tư phát triển quy mô trường, lớp học và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đến nay, toàn huyện có 27 trường học, với tổng số 322 lớp và 7.046 học sinh. Trong đó, bậc mầm non có 10 trường, tiểu học 10 trường và 7 trường THCS.

Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đã được ngành và địa phương quan tâm. Ảnh: M.T

 

Trang thiết bị dạy học và đồ dùng, đồ chơi trẻ em, tiếp tục được ngành và địa phương quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục trên địa bàn. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên 576 người có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên (đạt 100%), trong đó trên chuẩn 57,3%. 

Năm học qua, huyện có 7 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 87,1% (so với lộ trình quy hoạch giai đoạn 2011-2015, đề ra đạt 45%). Theo đánh giá từ ngành GD&ĐT huyện, qua thực tế kiểm tra, các trường đều tổ chức thực hiện phương pháp giảng dạy cho học sinh theo quy định.

Đối với chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, ở các trường tùy theo cấp học và độ tuổi, đã tổ chức cho các em tham gia vui chơi tập thể lành mạnh, khơi gợi và phát huy các sở thích, tài năng về âm nhạc, hội họa…ở từng lứa tuổi học sinh. 

Đồng thời, nối tiếp yếu tố tích cực về huy động nguồn lực xã hội hóa, năm học qua, ngành cũng vận động được hơn 1 tỷ đồng, phục vụ xây dựng, sửa chữa nhỏ trường lớp, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho giáo viên và bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp.

Đơn vị luôn phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo trường học tổ chức công tác tốt việc điều tra, cập nhật dữ liệu hoàn thiện các bộ hồ sơ về phổ cập giáo dục đúng thời gian quy định; tham mưu các cấp công tác kiểm tra, công nhận lại kết quả phổ cập các cấp ở 7/7 xã, thị trấn đã đạt chuẩn.  

Kết quả năm học 2015-2016 vừa qua, toàn huyện chỉ có 11 học sinh bỏ học, chiếm 0,16% (so với năm học trước đó 22/6.822 em bỏ học). Toàn huyện đã duy trì sĩ số học sinh trên lớp đạt hơn 99%.

Đối với giáo dục mầm non, 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình và học sinh tiểu học đạt 95,9%; học sinh THCS có học lực khá, giỏi chiếm 29,16% và trung bình là 67%.

Toàn ngành còn tham gia tích cực công tác bồi dưỡng, thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi các cấp, với 40 học sinh THCS thi và đạt các giải học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh; 42 giáo viên giỏi cấp huyện, đạt giải cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp cấp tỉnh.

Mai Trâm

Chuyên mục khác