Huyện Đăk Hà: Chính quyền kêu khó, chợ cóc phình to

15/08/2016 14:07

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đăk Hà đang tồn tại một số khu vực kinh doanh, buôn bán không nằm trong quy hoạch, thường được gọi là chợ cóc, chợ tạm. Trong đó, đáng nói nhất là chợ cóc tại tổ dân phố 1 (thị trấn Đăk Hà) chỉ cách chợ trung tâm huyện Đăk Hà (nơi đang được triển khai xây dựng chợ an toàn thực phẩm) chỉ khoảng 1km đang hoạt động nhộn nhịp và ngày càng phình to…

Nhếch nhác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Chợ cóc tổ 1, thị trấn Đăk Hà mọc lên tự phát tại tuyến đường Trường Chinh, dọc theo bờ kênh dẫn nước từ xã Ngọc Wang đến Hà Mòn suốt mấy năm nay. Chợ họp vào buổi chiều hằng ngày, hàng hoá được bày bán đủ cả từ thực phẩm tươi sống, rau xanh; đến hàng ăn uống, may mặc... Đặc biệt, chợ luôn thu hút rất nhiều người dân đến trao đổi, mua bán hàng hoá bởi những tiện lợi như gần đường, không phải gửi xe; người buôn bán không tốn các khoản chi phí thuê mặt bằng, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy...

Chợ cóc trên đường Trường Chinh có rất nhiều người đến buôn bán.Ảnh: T.H

 

Tuy nhiên, khu vực chợ này trông bụi bặm, nhếch nhác bởi chợ họp ngay trên lòng đường đất và trên bờ kênh thuỷ lợi, phần lớn hàng hoá được phơi bày ngay dưới trời bất kể mưa nắng; một số hộ kinh doanh hàng tươi sống, đồ ăn uống có dựng một dãy lán lợp tôn tạm bợ, lụp xụp gọi là để che mưa che nắng. Đặc biệt, chợ không có hệ thống thoát nước thải, không chỗ thu gom rác thải; hàng thịt, cá, ăn uống bày sát nhau... nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực thẩm, ô nhiễm môi trường, phát tán, lây lan dịch bệnh...

Ông Nguyễn Hoài Vũ – Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Hà cho biết: Thực phẩm bán tại chợ cóc rất khó kiểm soát vì các hộ buôn bán nhỏ lẻ, không có ban quản lý chợ nên không có lực lượng kiểm tra nguồn thực phẩm đầu vào. Mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân nên buôn bán thực phẩm có nguồn gốc, đã qua kiểm dịch; song thực tế không thể tránh khỏi nhiều người tranh thủ chợ ngoài luồng để đưa loại thực phẩm không đảm bảo an toàn, bị dịch bệnh đến đây tiêu thụ.

Trong khi đó, hàng ngày toàn bộ lượng nước thải cùng với lượng rác thải không nhỏ của các hộ buôn bán này đều xả trực tiếp xuống dòng kênh và tất cả đều chảy vào khu vực xã Hà Mòn, không những gây ô nhiễm dòng nước kênh, làm ảnh hưởng tới các hộ dân sống tại hạ nguồn, mà nguy cơ phát tán, lây lan dịch bệnh là rất cao vì nếu như người dân đưa gia cầm, các loại thịt bị bệnh đến bán tại đây thì sẽ mang theo cả mầm mống các loại dịch bệnh đi nơi khác.

Bên cạnh đó, khu vực chợ cóc này nằm gần ngay ngã tư đường Hồ Chí Minh và đường vào xã Ngọc Wang, Hà Mòn, vào các buổi chiều khi lượng người ra vào mua bán tại đây tấp nập khiến giao thông khu vực này lộn xộn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Chính quyền kêu khó, chợ cóc phình to

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoài Vũ cho biết, trước đây khu vực ngã tư giao giữa đường Hồ Chí Minh và đường vào xã Ngọc Wang, Hà Mòn này chỉ có một số hộ bán cá, thịt, rau vào buổi chiều. Sau này do chính quyền xã Hà Mòn và thị trấn Đăk Hà kiên quyết dẹp bỏ, các hộ buôn bán mới chạy sang khu vực bờ kênh thuộc đường Trường Chinh (thuộc tổ 1, thị trấn Đăk Hà). Lúc đầu, chỉ có số ít hộ bán cá, thịt và những người dân mang các loại rau quả tự sản xuất được ra bán; nhưng do khu vực này có vị trí thuận tiện, không mất các khoản phí nên ngày càng có nhiều người đến bán; với giá thực phẩm rẻ hơn so với ở chợ chính và tiện đường đi nên người dân tới đây mua ngày càng đông. Vì cả người bán và người mua đều có nhu cầu nên chợ cóc này mới ngày càng phình to, đến nay đã có 26 hộ kinh doanh thường xuyên và mỗi buổi có hàng trăm người dân, người bán hàng rong tập trung đến đây mua bán. Chính quyền thị trấn phối hợp với các ngành chức năng của huyện cũng đã tổ chức các đợt truy quét, dẹp bỏ; mời các hộ dân lên đối thoại, bắt cam kết phải ngừng việc  buôn bán, thế nhưng sau đó mọi việc lại đâu vẫn hoàn đó. Việc dẹp bỏ rất khó khăn vì liên quan đến đời sống của nhiều người và nếu chính quyền làm mạnh tay thì dẹp chỗ này họ lại chạy chỗ khác...

Ông Nguyễn Hoài Vũ cũng thừa nhận rằng “Ngay từ đầu, khi chợ mới hình thành, chính quyền địa phương đã không chấn chỉnh kịp thời, không kiên quyết dẹp bỏ nên mới dẫn đến việc người dân tụ tập kinh doanh, buôn bán ngày càng đông đúc. Hiện nay, chợ đã hình thành nên càng khó dẹp được; địa phương chỉ có thể cử lực lượng giám sát, đảm bảo trật tự và nhắc nhở người dân giữ gìn vệ sinh môi trường”.

Không dẹp bỏ được, gần đây, chính quyền thị trấn Đăk Hà lại triển khai thu phí quản lý trật tự và có lực lượng thu thuế của các hộ kinh doanh, nên nhiều tiểu thương ở đây cho rằng điều này đồng nghĩa với việc địa phương đã thừa nhận việc họp chợ ở khu vực không được phép.

Việc tồn tại chợ cóc này khiến cho hoạt động của các chợ chính, nhất chợ Trung tâm huyện Đăk Hà, chợ xã Hà Mòn gặp nhiều khó khăn; nhiều tiểu thương kinh doanh phải kêu trời vì không cạnh tranh nổi hàng hoá bán tại chợ cóc.  Đặc biệt, huyện Đăk Hà đang tích cực triển khai xây dựng chợ Trung tâm thương mại thành chợ an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người dân; thế nhưng, nhiều tiểu thương tỏ ra lo ngại và dè dặt khi chuyển đổi vì giá cả khó cạnh tranh nổi với chợ cóc. Vả lại, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn thích mua bán tại chợ cóc cho tiện lợi mà không quan tâm nhiều đến chất lượng thực phẩm. Do đó, mối lo ngại về việc xây dựng chợ an toàn vệ sinh thực phẩm của huyện Đăk Hà sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc không phải là không có cơ sở.

Trong công văn số 865/UBND-TH ngày 22/7/2016 về việc tiếp tục triển khai dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm và chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường; họp chợ không đúng quy định trên địa bàn huyện”, UBND huyện Đăk Hà chỉ đạo UBND thị trấn Đăk Hà xây dựng kế hoạch và chủ trì tổ chức vận động, tuyên truyền yêu cầu các hộ dân tự tháo dỡ công trình, giải tỏa họp chợ không đúng quy định trên bờ kênh tại đoạn đường Trường Chinh (tổ dân phố 1), hoàn thành xong trước ngày 30/8/2016. Song, trong buổi làm việc với phóng viên Báo Kon Tum, ông Nguyễn Hoài Vũ lại cho rằng “Rất khó để làm việc này trong một sớm một chiều”.

Chính quyền kêu khó, người dân thì viện nhiều lý do không có nơi buôn bán ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế, tại địa bàn huyện Đăk Hà, tất cả các chợ chính đều chưa lấp kín chỗ ngồi. Nếu chợ cóc, chợ tạm không được dẹp bỏ thì hoạt động của các chợ được cấp phép rất khó khăn, đồng thời tạo tiền lệ phát sinh loại chợ này ở nơi khác.

Thuỳ Hương 

Chuyên mục khác