Hành trình “đòi” sổ đỏ và cái kết có hậu

24/10/2016 09:08

Trên khuôn mặt những người nông dân quanh năm bám đất, bám vườn cây tỏ rõ niềm vui, bởi mong mỏi bấy lâu nay của họ đã sắp thành hiện thực, họ vui mừng với cảm giác mình thực sự có quyền với mảnh đất đã đổ mồ hôi, công sức lâu nay.

Đầu tháng 10, tôi nhận được một cuộc điện thoại của anh Nguyễn Hữu Sơn- thôn 3, xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà. Anh thông tin rằng, hành trình “đòi” sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) dài đằng đẵng của bà con sắp kết thúc, vì theo yêu cầu của xã, bà con trong thôn đang chuẩn bị kê khai biến động đất đai để huyện làm hồ sơ, cấp sổ đỏ cho diện tích đất đã sản xuất nhiều năm qua.

Mấy ngày nay không khí trong thôn vui lắm. Ai cũng mừng, bởi cứ  nghĩ việc đi “đòi” sổ đỏ còn phải kéo dài, không ngờ lại nhanh thế này. Đã có gia đình tính đến việc có sổ đỏ rồi sẽ vay vốn ngân hàng để đầu tư mạnh cho vườn cà phê- anh Sơn sôi nổi.

Nhận ra sự hưng phấn đến khó kìm chế được trong giọng nói của một người đàn ông đã gần đến tuổi “tri thiên mệnh” mà tôi thấy cay cay sống mũi.

Nặng nỗi lo phiền

Cũng là anh, nhưng ấn tượng để lại trong lần gặp cách đây hơn 2 tháng lại khác hẳn. Nhân chuyến công tác vào xã Đăk Psi, chúng tôi cùng Phó Chủ tịch xã Phan Văn Học sang thăm mấy gia đình ở thôn 3, trong đó có nhà anh Sơn.  

Hôm ấy, người đàn ông 47 tuổi, gầy nhẳng, có nước da đen sạm chậm rãi phơi bắp, ậm ừ trả lời khi được hỏi chuyện đất đai: Nhiều năm nay, bà con trong thôn đã kêu nhiều rồi, đợt tiếp xúc cử tri nào cũng kêu, đợt tiếp dân nào cũng ý kiến, nhưng có được đâu, báo chí cũng viết đấy.

Rồi cứ thế, anh nhấm nhẳng kể rằng: Tháng 6/2003, gia đình tôi và nhiều hộ gia đình khác rời quê hương Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) vào Đăk Hà lập nghiệp theo dự án của Nông trường 701, làm công nhân đội sản xuất ở xã Đăk Psi. Đời sống trên quê mới tuy nhiều vất vả nhưng tất cả mọi người đều mừng vì đất đai rộng, màu mỡ hơn ở quê cũ vốn đất chật người đông, chỉ cần cố gắng, chăm chỉ làm ăn sẽ khá giả.

Khi vào, gia đình tôi được nhận 2,2ha đất trồng cà phê. Năm 2008, Nông trường 701 sáp nhập vào Công ty Cà phê 734 (nay là Công ty TNHH MTV Cà phê 734), tôi nhận thanh lý vườn cây với giá 75 triệu/ha (đất có cà phê), 25 triệu/ha (đất không có cà phê).

Theo cam kết, khi các hộ gia đình trả tiền đầy đủ sẽ được cấp sổ đỏ, nhưng ngay trong năm 2010, tôi đã trả hết nhưng không thấy sổ đỏ đâu. Các năm sau, nhiều nhà nộp hết tiền, cũng không đòi được sổ đỏ. Hỏi công ty thì nói sổ đỏ đang thế chấp ngân hàng rồi, không lấy về được.

Ông Đỗ Văn Lực thăm vườn cà phê. Ảnh: T.H

 

Hôm ấy, ở nhà anh Sơn còn có ông Đỗ Văn Lực (57 tuổi), nhận thanh lý gần 3ha cà phê, chị Nguyễn Thị Thu (cùng quê với anh Sơn) nhận 2ha... Ông Lực cho biết đã trả gần 150 triệu cho công ty, nhưng ngóng mãi không thấy sổ đỏ. Chính quyền xã, huyện giải thích thẩm quyền thu hồi đất thuộc tỉnh, chỉ khi nào tỉnh thu hồi đất giao cho địa phương, huyện mới cấp sổ đỏ được.

“Ông Lực lo không có sổ đỏ, mai mốt khó chia cho con cái”- Anh Sơn cố đùa một câu, cho không khí bớt nặng nề. Mọi người quanh bàn cũng cười mấy tiếng, nhưng rồi vẫn buồn.

Anh Sơn, ông Lực cũng chỉ kể chuyện vô tư thôi, đúng sự thật cả, bởi đấy là những con người bình thường với những nỗi lo rất bình thường. Vì chuyện sổ đỏ nên cuộc sống hàng ngày thêm nặng nỗi lo phiền.

Cái kết có hậu

Ngay trong chiều ấy, tôi đến thôn 3, về nhà anh Nguyễn Hữu Sơn. Cùng đi có Phó Chủ tịch xã Đăk Psi Phan Văn Học.

Ngôi nhà gạch nhỏ của anh Sơn rộn rã tiếng nói cười. Những người nông dân quanh năm bám đất, bám vườn cây tươi hẳn ra, không còn kiểu ậm ừ, nhấm nhẳng, mà trên khuôn mặt ai cũng tỏ rõ niềm vui, bởi mong mỏi bấy lâu nay của họ đã sắp thành hiện thực.

Nụ cười trên khuôn mặt những người dân thôn 3. Ảnh: T.H

 

Ông Lực điềm tĩnh, nhưng vẫn không giấu được sự vui mừng: Nhiều năm nay, gần 70 hộ dân ở thôn 3 này chưa từng được thấy cái sổ đỏ nó như thế nào. Vì thế, khi biết UBND tỉnh đã thu hồi đất của doanh nghiệp, trong đó có 72,2ha của chúng tôi và cấp sổ đỏ cho dân, chúng tôi phấn khởi lắm.

Chị Thu ngồi bệt xuống nền nhà xi măng, tay kéo vạt áo lau mồ hôi, miệng nói: Lâu nay tôi vẫn chưa thực sự yên tâm khi chưa có được tấm sổ đỏ trên tay. Nghe xã thông báo sẽ được cấp sổ đỏ trong nay mai, tôi rất vui. Từ nay mình có thể yên tâm làm ăn trên đất của mình, muốn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế cũng có cái để thế chấp cho ngân hàng.

Tôi cùng anh Học đi thăm vườn cây của anh Sơn, ông Lực. Nhìn anh Sơn hể hả đi giữa những hàng cà phê tốt bời bời, tôi hiểu bây giờ anh, và nhiều người nữa, mới có cảm giác mình thực sự có quyền với mảnh đất đã đổ mồ hôi, công sức lâu nay.

“Lâu nay chúng tôi đòi quyền lợi chính đáng của mình một cách đúng luật bởi chúng tôi tin vào chính quyền, và thực tế đã chứng minh lòng tin của chúng tôi”- anh Sơn bộc bạch.

Lật lại hành trình “đòi” sổ đỏ của các hộ dân thôn 3, xã Đăk Psi mới thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. Đầu tháng 8, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Sở TN&MT làm việc với huyện Đăk Hà và doanh nghiệp để bàn biện pháp giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Tại đây, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã thống nhất, không thể vì doanh nghiệp nợ mà “treo” sổ đỏ của dân.  

Ngày 6/9, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi đất, giao cho địa phương quản lý; ngày 22/9, các bên đã bàn giao thực địa. Bắt đầu từ tháng 10/2016, huyện Đăk Hà xúc tiến việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Ông Hoàng Nghĩa Trí - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết, chậm nhất là 1 tháng nữa, người dân sẽ được nhận sổ đỏ.

Câu chuyện của hơn 70 hộ dân ở thôn 3, xã Đăk Psi đang đi đến một kết quả có hậu, nhưng lại mở ra một câu chuyện dài khác: Giải quyết “ma trận” đất đai của các công ty, nông lâm trường quốc doanh, mà trong đó, có nhiều vướng mắc, tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ dân.

Tin rằng, sẽ còn nhiều hộ dân nữa được giải quyết quyền lợi chính đáng từ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành.

Thành Hưng

Chuyên mục khác