09/09/2016 09:41
Đã bao giờ ta nghĩ đến, một ngày nào đó, túi ni lông bỗng dưng “biến mất”, cuộc sống con người sẽ ra sao chưa nhỉ? Hẳn rằng sẽ xáo trộn ít nhiều bởi việc sử dụng những cái túi “nhỏ gọn và tiện lợi” ấy đã trở thành thói quen khó bỏ, nhưng chắc chắn sẽ không còn cảnh nhìn đâu cũng thấy túi ni lông; môi trường sống sẽ sạch sẽ, trong lành hơn.
Biết rồi, khổ lắm…
Ngày nay, thật hiếm khi thấy các bà, các chị đi chợ bằng chiếc làn nhựa, giỏ tre, mà thay vào đó là lỉnh kỉnh túi ni lông đủ kích cỡ, màu sắc. Trong tủ lạnh mỗi gia đình, vẫn là những cái túi “ rẻ, gọn và tiện lợi” chứa riêng mỗi loại thực phẩm, từ đồ ăn chế biến sẵn đến tươi sống.
Thậm chí, nhiều người còn lạm dụng túi ni lông, ví như đi mua cá, sau khi được mổ sẵn tại chợ, thay vì dùng 1 túi ni lông, người mua hàng sẽ yêu cầu dùng 2 lượt túi vì sợ tanh và vấy bẩn lên quần áo và đồ dùng khác. Người bán hàng cũng sẵn sàng phục vụ “thượng đế” vì giá trị túi ni lông cũng chẳng đáng là bao...
Câu hỏi đặt ra là: Khi lạm dụng túi ni lông như vậy, người ta có biết đến tác hại của nó?
Khi thực hiện bài viết này, tôi đã thực hiện một cuộc “điều tra” nho nhỏ đối với chị em trong xóm, và kết quả là không phải mọi người không biết gì, không nghe gì về tác hại của túi ni lông đối với môi trường sống, đối với sức khoẻ của con người. “Đài, báo nói ra rả như thế, không biết nhiều thì cũng biết ít, nhưng vì tiện lợi nên cứ sử dụng. Quen rồi. Chẳng ai nghĩ đến chuyện phải sửa, phải thay đổi” - một chị cho biết.
Không chỉ vậy, có chị còn rành rọt: Những chiếc túi ni lông nhỏ bé như vậy nhưng thời gian phân hủy tự nhiên phải mất đến hàng trăm năm đến hàng nghìn năm. Nếu chúng ta thải ra môi trường mà không được thu hồi thì sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước. Nếu túi ni lông bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn dòng chảy, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, túi ni lông còn gây mất mỹ quan và cảnh quan.
|
Bên cạnh đó, việc dùng túi ni lông đựng đồ ăn nóng sẽ sinh ra nhiều chất độc hại cho cơ thể bởi các chất phụ gia thêm vào để làm túi ni lông mềm, dẻo, dai vô cùng độc hại. Những túi ni lông nhuộm màu xanh đỏ, chứa các kim loại như chì, cadimi, nếu đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây hại cho sức khỏe con người.
Túi ni lông có nhiều tác hại như vậy, vì sao nhà nhà vẫn dùng túi ni lông, người người vẫn dùng túi ni lông? Câu trả lời rất đơn giản: Sự tiện ích mà túi ni lông mang lại trong sinh hoạt hàng ngày. Mua đồ ư? Dù một vài món hàng hay nhiều món hàng, chỉ cần lấy túi ni lông xách về, vừa gọn, vừa sạch. Dọn dẹp nhà cửa ư? Mọi thứ rác thải, đồ bỏ đi… cứ nhét vào túi ni lông, sau đó lại dồn vào một túi lớn, buộc chặt lại, đem ra thùng rác là xong, nhanh gọn, sạch sẽ.
Vì thế nên để người dân nói không với loại túi độc hại này vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”.
Ý nghĩa lớn từ việc làm nhỏ
Như đã nói ở trên, không thể phủ nhận sự tiện ích mà túi ni lông mang lại trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng cũng chính thói quen sử dụng túi ni lông vô tội vạ đang phổ biến trong đại bộ phận người dân hiện nay là tác nhân gây ô nhiễm môi trường sống và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Vậy làm thế nào để hạn chế việc sử dụng túi ni lông?
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cuộc trò chuyện với đứa cháu gái đang cộng tác với một tổ chức bảo vệ môi trường ở thành phố biển Đà Nẵng. Tổ chức này đang thúc đẩy vận động người dân hạn chế sử dụng túi ni lông. Cháu cho biết: Nhận thức được tác hại của túi ni lông đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành lệnh cấm sản xuất túi ni lông khó phân hủy, hoặc yêu cầu người tiêu dùng phải trả tiền mua túi ni lông khi mua hàng để khuyến khích tái sử dụng túi ni lông hoặc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.
|
Ở nước ta, các sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy cũng đang được đưa vào đời sống. Tuy nhiên, do giá thành cao hơn túi ni lông nên khó vận động người bán hàng nhỏ lẻ tại các chợ dân sinh hay những người bán hàng rong dùng túi này thay thế túi ni lông thường dùng khi bán hàng.
Do vậy, để đẩy lùi việc sử dụng túi ni lông tràn lan như hiện nay, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức mọi người trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông bằng cách tái sử dụng nhiều lần túi ni lông, khuyến khích, ưu tiên sử dụng các túi tự hủy, túi thân thiện môi trường với những ưu thế như chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh…
Mỗi lần về thăm nhà, cháu gái tôi lại tặng mỗi gia đình trong xóm những cái túi bằng giấy nhỏ xinh. Và cũng không biết cháu nó vận động thế nào mà gần đây, ở xóm nhỏ nằm bên Quốc lộ 24 này đang dần có sự chuyển biến. Con mương thoát nước nhỏ chạy suốt con hẻm tắc nghẽn toàn túi ni lông, nước không chảy được, gây ứ đọng, được cánh đàn ông hò nhau ra khơi thông, túi ni lông được gom lại. “Phong trào” xách làn đi chợ bắt đầu được chị em hưởng ứng, lan dần ra cả xóm. Tình trạng các gia đình vứt vương vãi túi ni lông khắp nơi đã giảm hẳn. Mỗi nhà đều cố gắng hạn chế dùng túi ni lông, nếu có thì đều gom lại đem đốt trước khi bỏ ra thùng rác.
Phải nói rằng tôi rất có ấn tượng với hình ảnh chị em xách làn đi chợ hàng ngày. Một cái làn nhựa, có nắp đậy hẳn hoi. Thực phẩm được xếp gọn gàng; rau, củ, quả thì để thẳng vào trong làn, chỉ thực phẩm tươi sống thì mới dùng đến túi ni lông để đựng cho sạch. Như thế mỗi lần chỉ phải dùng vài túi ni lông thôi.
Đây là việc nên làm, vì một môi trường sống không túi ni lông - ai cũng nói vậy. Và tôi nghĩ rằng, nếu nhiều người có ý thức hạn chế tối đa việc dùng túi ni lông mỗi lần đi chợ hẳn sẽ đủ sức tạo nên sự thay đổi lớn đối với môi trường. Đôi khi hành động bảo vệ môi trường không phải là điều gì quá to tát, mà chính việc thực hiện những việc nhỏ nhất…
Hồng Lam