Dưới mái trường xanh

28/11/2016 20:17

Nổi tiếng là ngôi trường xanh mát lá hoa, thân thiện, Trường THCS Trần Khánh Dư ở xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum còn nức tiếng khắp thành phố Kon Tum khi có hơn 1/3 học sinh biết đánh chiêng, múa xoang.

Xanh mát lá hoa

“Lạc vào một công viên thu nhỏ”, đó là cảm nhận của chúng tôi khi bước vào Trường THCS Trần Khánh Dư. Khung cảnh trong trường tươi xanh, từ các dãy hành lang đến lớp học, sân trường đều được bày biện gọn gàng, ngăn nắp như chính ngôi nhà của mình. 

 Phía trước các dãy hành lang lớp học, những chậu hoa lan, hoa mười giờ, thủy tiên… căng tràn sức sống. Đâu chỉ có thế, chúng tôi còn thấy mình như đang ở một vùng quê yên bình khi cảm nhận sự thanh tao từ những búp sen, mùi thơm của những cây mạ non hay sự nhẹ nhàng, đậm truyền thống từ chiếc thuyền độc mộc…

Thấy chúng tôi chăm chăm ngắm nghía, nhiều em học sinh cứ cười tủm tỉm khoe rằng: Thầy hiệu trưởng và các thầy cô hướng dẫn chúng em trồng, chăm sóc cây, hoa đấy.

Thầy và trò cùng với các em học sinh chăm sóc vườn hoa. Ảnh: H.T

 

Nằm ở ngoại ô thành phố, Trường THCS Trần Khánh Dư có hơn 600 học sinh, đa số đều là người Ba Na. “Cái khó bó cái con đường đến trường”, mỗi lần vào năm học, việc vận động các em đi học rất khó bởi nhiều em chỉ thích lên rẫy nhổ mì, làm cỏ. “Năm 2012, khi về làm hiệu trưởng tại trường, tôi nghĩ phải “biến” ngôi trường thành một điểm đến thân thiện để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, từ đó mới có thể thu hút các em đến lớp” – thầy Trần Hữu Lộc - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Những ngày đầu, thầy cô trong trường ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy mỗi ngày đến trường, trên xe thầy Lộc đều dắt theo những chậu hoa lan rồi những xơ dừa, những ống tre… Giờ giải lao, mọi người hàn huyên thì thầy lại tranh thủ đóng giá, buộc làm giá đỡ rồi treo hoa ra trước hành lang phòng làm việc và các dãy phòng học. 

Cái ý nghĩ sẽ trồng thật nhiều hoa, treo hoa lan của thầy Lộc đều bị tất cả các thầy cô phản đối bởi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, ai cũng sợ học sinh sẽ phá hoa. Dẫu vậy, thầy Lộc vẫn làm.

Dọc đường, thấy nhà nào bỏ đi những chậu lan đã “xuống sắc”, thầy đều lấy, đem về trường để chăm sóc. Thấy ai bỏ các giỏ, chậu hoa, thầy liền nhặt nhạnh, “tút” thành các chậu mới.  

Thấy thầy hiệu trưởng đưa hoa đến trang trí khắp nơi; thấy thầy ngồi cặm cụi làm chậu, làm giá đỡ, các em học sinh cũng tò mò tìm đến. Được thầy hướng dẫn cùng làm, nhiều em tỏ ra thích thú.

Ngày hôm sau, đến lớp nhiều em lại mang theo những cành cây mục, gáo dừa để trồng lan; có em lại đem phong lan đến khoe rồi “tặng” luôn cho trường. Thấy học trò thay đổi, thầy cô giáo cũng động viên các em bằng cách bỏ tiền túi ra mua bình tưới về tặng học trò.

Thỉnh thoảng các em học sinh lại đem hoa lan đến trường. Ảnh: H.T

 

Dẫn chúng tôi ra hai hàng hoa sim ngay cổng trường, thầy Lộc bảo rằng, trước đây làng Kon Rờ Bàng như một đồi sim tím. Thế nhưng sau này, vì người dân đến khai hoang, sản xuất nhiều, sim tím không còn nữa. Để học sinh hiểu hơn về mảnh đất nơi mình sinh ra, thầy Lộc liền lặn lội lên Kon Plông, bứng sim đem về trồng.

“Sim ngó vậy chứ khó trồng lắm. Tôi phải cẩn thận bứng từng cây rồi về chăm chút như chăm con mọn vậy. Năm ngoái sim cho trái, học sinh trong trường phấn khởi lắm. Còn tôi rất vui mừng, bởi từ những cây sim và câu chuyện thực tế, học sinh nơi đây đã biết, thêm yêu nơi mình chôn rau cắt rốn” - thầy Lộc bộc bạch.

Không chỉ trồng lan, để tạo cho sân trường thêm tươi mát và để học sinh biết về truyền thống, thầy Lộc còn vào tận trong làng, bỏ tiền mua một chiếc thuyền độc mộc bị hư về rồi làm đất, đổ nước, trồng lúa và trồng sen lên. Từ ít thầy tiếp tục nhân giống. Đến nay, trong trường có đến 17 chậu hoa sen.

Ngoài việc trồng hoa, khuôn viên trường còn nuôi cả chim bồ câu, gà rừng... Mỗi sáng, nhiều em đến trường thật sớm, đem ít cơm nguội cho chim bồ câu, cho gà rừng rồi lại xin thầy để được tưới nước cho lan, cho hoa.

Ngôi trường xanh mát, rộn ràng tiếng chim đã tạo tinh thần thoải mái, giúp các em vui hơn khi đến lớp. Còn thầy Lộc thì phấn khởi: Tỉ lệ học sinh bỏ học đã giảm đáng kể; chất lượng giảng dạy cũng được nâng lên rất nhiều.

8 đội cồng chiêng

Không chỉ ấn tượng về không gian, ngôi trường nhỏ nằm bên bờ sông Đăk Bla còn nức tiếng khắp thành phố về việc lưu giữ truyền thống.

Không nổi tiếng sao được khi việc tập luyện cồng chiêng cho học sinh trong trường không phải là một điều dễ dàng, ấy vậy mà, Trường THCS Trần Khánh Dư có đến 8 đội cồng chiêng đánh thành thạo.

Thích nhạc trẻ, nhạc hip hop, thoạt đầu, có mấy em trong trường không thích học đánh cồng chiêng. Thế là, thầy Lộc và các thầy cô trong trường lại “ra tay”. Chẳng quản gian nan, đích thân các thầy cô giáo xuống tận các làng, nhờ những người biết đánh cồng chiêng giúp đỡ truyền dạy.

Về phía học sinh, 1 tháng liên tục, trong các giờ ngoại khóa, thầy Lộc đều dành thời gian phân tích, khuyến khích, động viên các em học đánh cồng chiêng. “Tối thứ Bảy, Chủ nhật nào, tôi cũng có mặt cùng tập luyện với các em. Thoạt đầu vì một phần “nể” thầy hiệu trưởng nên các em đi đều đặn. Sau này, tập được một vài lần, hứng thú nên các em rất hăng say” – thầy Lộc phấn khởi kể.

Từ 1 đội, thầy Hiệu trưởng định hướng và dần dần nhân lên đến 8 đội (với 250 học sinh/464 học sinh DTTS). Để tạo không gian cho các em trình diễn, trong những ngày lễ lớn, những ngày kỉ niệm, thay vì hát, múa nhạc đương đại, thầy khuyến khích các em đánh cồng chiêng. Có lẽ nhờ thế mà các em đã biểu diễn rất thành thạo, lần nào đi thi đều rinh giải về cho trường.

Ngoài cồng chiêng, thầy Lộc còn đi sưu tầm các vật dụng: nỏ, gùi, dao,  khố… về treo cẩn thận ở các phòng rồi giới thiệu cho học sinh. Không chỉ thế, để kích thích sức sáng tạo, tìm hiểu, trải nghiệm cho các em, cứ 3 năm một lần, nhà trường lại tổ chức hội trại “Phiên chợ quê” cho toàn thể học sinh, giáo viên trong trường.

Một điểm nhấn đáng chú ý, ở Trường THCS Trần Khánh Dư, buổi chào cờ được biến tấu thành buổi ngoại khóa đầu tuần. Trong 2 tiết đầu, các em sẽ được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, được tìm hiểu về các vấn đề sức khỏe, giới tính; tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ; trả lời các câu hỏi với những kiến thức xã hội rộng mở.

“Những hoạt động phong phú giúp chúng em không bị nhàm chán. Đó cũng là niềm vui giúp chúng em hứng thú đến trường” - em Rcon Mai Kơn, học sinh lớp 9 chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều buổi họp phụ huynh cũng được thiết kế thành “phụ huynh hỏi, hiệu trưởng trả lời”. Những nội dung đều được thông báo rộng rãi cho phụ huynh biết; phụ huynh có điểm nào không hiểu đều được khuyến khích đặt câu hỏi trực tiếp và nhà trường giải đáp một cách cặn kẽ.  

Trong cả buổi trò chuyện, thầy Lộc không giấu được niềm vui, cứ mãi khoe về việc học sinh đi học rất chuyên cần; các em học sinh cá biệt đã biết nghe lời, chăm đến lớp; tỉ lệ học sinh khá, giỏi tăng dần qua các năm. Chúng tôi hiểu được niềm vui ấy của thầy – một nhà giáo tận tâm, luôn tin yêu học sinh.

Chúng tôi tin chắc rằng, không phải ngẫu nhiên mà có được kết quả ấy. Đó là thành quả của một quá trình nỗ lực, chung tay vun đắp, xây dựng trường học thân thiện, xanh, sạch đẹp của thầy Lộc nói riêng, của toàn bộ cán bộ, giáo viên trong trường nói chung.  

Hoài Tiến

Chuyên mục khác