Đưa Kon Plông tiến vững chắc trong giai đoạn mới

20/01/2017 09:30

Năm 2002, huyện Kon Plông được thành lập lại trên cơ sở chia tách từ huyện Kon Plông cũ. 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thách thức đưa Kon Plông phát triển.

Phóng viên Báo Kon Tum có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Lân –Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông về những kết quả đạt được trong chặng đường qua và những định hướng cho giai đoạn tới.

PV: Thưa đồng chí, kể từ khi được tái lập, huyện Kon Plông đã vượt qua những khó khăn ban đầu như thế nào và đến nay đã đạt được những kết quả ra sao?

Chủ tịch Nguyễn Văn Lân: Huyện Kon Plông được thành lập lại theo Nghị định 14/2002/NĐ-CP ngày 31/1/2002 của Chính phủ, trên cơ sở chia tách huyện Kon Plông (cũ) thành huyện Kon Rẫy và huyện Kon Plông. Đây là sự kiện quan trọng đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Trong ngày đầu mới tái lập, điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của huyện còn thấp kém, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn, số hộ nghèo chiếm trên 70% dân số. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ được tập hợp từ nhiều nguồn vừa thiếu, vừa chưa am hiểu hết tình hình địa phương.

Người dân Kon Plông canh tác bên rừng phòng hộ Thạch Nham. Ảnh: D.L

 

Nhưng được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn đã giúp huyện sớm ổn định nơi làm việc và kiện toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở…Đây là nhân tố quyết định đưa huyện sớm vượt qua khó khăn để xây dựng và phát triển.

Trong 15 năm qua, huyện đã huy động nhiều nguồn lực, khai thác tiềm năng lợi thế về vị trí, đất đai, khí hậu, rừng và đất rừng…thực hiện nhiều dự án, đề án quan trọng như: quy hoạch và xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen; quy hoạch sắp xếp dân cư; xây dựng nông thôn mới…

Tốc độ tăng trưởng tăng dần lên theo mỗi năm, năm 2016 là 15,83%; duy trì tăng trưởng giá trị sản xuất của kinh tế ở mức cao và bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh thương mại gắn với phát triển nông - lâm - thuỷ sản, công nghiệp, xây dựng.

PV: Lấy cột mốc từ năm 2002 cho tới nay, đồng chí có thể cho biết những thành tựu nổi bật nào đáng ghi nhận của huyện?  

Chủ tịch Nguyễn Văn Lân: Nếu lấy mốc thời gian khi mới thành lập lại huyện năm 2002, thì khi đó tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện mới đạt 9,5%, đến năm 2016 ước tăng lên 15,83% (theo giá cố định 2010). Thu nhập bình quân đầu người đạt 18,28 triệu đồng/năm; năm 2002 chỉ đạt 3,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 68,84% đầu giai đoạn xuống còn khoảng 24,11% vào cuối năm 2015 và tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều đến cuối năm 2016 là 47,87%.

Nuôi cá tầm ở Kon Plông. Ảnh: D.L

 

Nhiều công trình trọng điểm cấp tỉnh, cấp quốc gia được triển khai xây dựng trên địa bàn huyện. Các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 24, Đường Đông Trường Sơn, Tỉnh lộ 676, giao thông đến các trung tâm xã...được đầu tư, nâng cấp khá đồng bộ, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện nhà.

Đặc biệt, Khu du lịch sinh thái Măng Đen gắn với đô thị Kon Plông không những được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, mà còn được tỉnh xác định là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh.

PV: Xin đồng chí cho biết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà huyện phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 ra sao?

-Chủ tịch Nguyễn Văn Lân: Là huyện miền núi, các xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn quá cao là thách thức lớn của địa phương.

Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020, huyện đề ra các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng trên 20,05%/năm; cơ cấu kinh tế nông- lâm- thủy sản 23,20%, công nghiệp - xây dựng 44,20%, thương mại-dịch vụ 32,60%; thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2020 đạt 220 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 35 triệu đồng; phấn đấu trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hàng năm giải quyết việc làm cho trên 500 lao động; tỷ lệ giảm hộ nghèo hàng năm bình quân từ 4-5%/năm.

Huyện tiếp tục huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trong lĩnh nông nghiệp công nghệ cao; tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, trọng tâm là công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Hy vọng với những thành quả đạt được trong 15 năm qua sẽ là điểm nhấn quan trọng, là niềm vinh dự tự hào, khẳng định thế và lực mới, để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kon Plông vững bước tiến lên.

    PV: Xin chân thành cám ơn đồng chí!

                                                                                Lê Sang (thực hiện) 

Chuyên mục khác