04/09/2016 07:06
Niềm vui nơi “đầu sông đầu suối”
Ánh điện bừng sáng xua tan hơi lạnh núi rừng khi về đêm. Trong nếp nhà sàn của anh Hào, những bát rượu gạo được ủ bằng men của dân tộc Thái, được chưng cất bằng bí kíp riêng cùng các món ăn mang hương vị núi rừng mà chị Nguyễn Thị Dung - vợ anh Hào chuẩn bị đã bắt đầu dậy hương. Mọi người cũng đã tập trung đông đủ. Có cả Chủ tịch xã Ngụy Đình Phúc, Phó Chủ tịch xã Trần Quang Trung tình cờ ghé qua nên không khí cuộc họp càng vui.
Trưởng thôn Lê Văn Hào kể: Truyền thống ăn Tết Độc lập đã có gần 10 năm nay rồi, kể từ khi chỉ mới có mấy hộ gia đình di dân tụ về đây vỡ đất trồng mỳ, trồng lúa. Cho đến khi có doanh nghiệp lên đây lập dự án trồng cao su, đưa thêm các hộ gia đình vào làm công nhân, rồi thành lập xã, thôn, thành lập huyện, truyền thống tốt đẹp ấy vẫn được duy trì, ngày càng vui hơn, vì số hộ trong thôn tăng lên nhiều, đã có 185 hộ quần tụ bên nhau, đến từ nhiều tỉnh, như Cao Bằng, Thanh Hóa, Quảng Bình…
Ông Lý Văn Sáu - là người cao tuổi nhất nhì trong thôn - nhớ lại: Mấy năm đầu, chỉ có mấy hộ gia đình nên tổ chức cũng đơn sơ, như bảo nhau treo cờ Tổ quốc, rồi tập trung ăn với nhau bữa cơm thân mật, cùng ngồi nói với nhau về quê hương, kể cho nhau nghe những câu chuyện về gia đình, động viên nhau vượt qua khó khăn… Khi ấy, núi rừng còn hoang vu lắm, đường sá đi lại khó khăn, mấy ngôi nhà mái tôn vách ván leo lét đèn dầu cũng ấm lên vì không khí đón mừng Quốc khánh.
Thời gian sau, nhiều người đến ở, mỗi năm một đông. Cứ như thế, hàng năm cả thôn lại sum vầy với nhau để chào đón ngày Quốc khánh 2/9. Từ những ngày cuối tháng 8, cờ Tổ quốc đã được treo trang trọng trước mỗi nhà. “Ở đây, bà con nâng niu, giữ gìn những lá cờ đỏ sao vàng cẩn thận vô cùng, dù nắng gió vùng biên khắc nghiệt đến thế mà vẫn luôn tươi mới. Ấy cũng là thể hiện lòng thành kính với Tổ quốc” - anh Hào tâm sự.
Thanh niên, trai tráng tập trung làm vệ sinh môi trường, phát quang tuyến đường tuần tra biên giới, cũng là trục đường chính trong thôn; sau đó làm heo, làm gà, giã giò, gói nem dưới sự hướng dẫn của cha chú. Chị em phụ nữ thì dọn dẹp nhà cửa, gói bánh… Mọi việc đều được phân công rõ ràng cụ thể cho từng bộ phận.
Riêng ngày 2/9, là ngày vui nhất. Sau khi thành kính thắp nhang trên bàn thờ Bác Hồ, mọi người kéo nhau đi thăm hỏi, chúc tết từng nhà. Nhà nào cũng chuẩn bị con gà, can rượu, bánh trái để đón khách. Từ nhà này, kéo sang nhà khác, dần dà người đi trên đường chẳng kém ngày du xuân. Tối đến, lại tổ chức vui văn nghệ, hát các bài hát về quê hương, đất nước…
Vui Tết không quên nhiệm vụ
Dường như núi rừng Ia H’Drai cũng thấy náo nức, rạo rực bởi không khí chào đón Tết Độc lập. Cờ Tổ quốc tung bay trên Quốc lộ 14C - tuyến đường huyết mạch của huyện; tung bay trên các tuyến đường rừng, trên những mái nhà gỗ đơn sơ.
Trên đường từ xã Ia Đal về trung tâm huyện, tôi vẫn nhớ lời rủ rỉ tối qua của anh Phạm Văn Hảo: Dù bây giờ đời sống người dân còn khó khăn, nhưng đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nói đâu xa, ở thôn 3 này thôi, cách đây vài năm, ai nghĩ sẽ được bật công tắc đèn điện, được ngồi ở nhà coi tivi mỗi khi trời mưa gió. Đảng và Nhà nước luôn dành nhiều chính sách ưu đãi cho người dân nơi đây; những ngôi trường, trạm y tế, con đường mới… được xây dựng đã và sẽ làm cho vùng biên khởi sắc. Cảm nhận rõ về những đổi thay ấy, người dân Ia H’Drai nói chung và thôn 3 - xã Ia Đal nói riêng càng tin tưởng vào đường lối cách mạng của Đảng, nỗ lực vươn lên. Bản thân em sẽ luôn cố gắng, tích cực tuyên truyền, vận động mọi người trong gia đình, tuân thủ pháp luật của Nhà nước, cùng nhau phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc...
|
Tiếng hò reo từ sân bóng chuyền khiến tôi tò mò ghé vào. Thì ra huyện tổ chức giải bóng chuyền chào mừng Quốc khánh 2/9. Sân bóng của cơ quan quân sự huyện khá đông khán giả, bà con ở xã Ia Dom đến xem, cổ vũ đã đành, còn có nhiều người lặn lội từ xã Ia Đal xuống, từ xã Ia Tơi lên. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, họ hỉ hả nói chuyện, reo hò khi có pha bóng hay. Mấy cô gái người Thái ở thôn 3 tôi gặp hồi sáng cũng có mặt, tụm vào một góc rúc rích cười.
Gặp Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Lộc, anh bảo: Huyện Ia H’Drai mới thành lập, địa bàn rộng, dân cư ít, lại phân tán, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn nên mỗi ngày lễ tết như thế này là dịp để bà con được nghỉ ngơi, vui chơi, cũng là tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc cho mỗi người.
Theo anh Lộc, đón Tết Độc lập năm nay, huyện đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chức năng phối hợp với chính quyền xã tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa ngày Quốc khánh; hướng dẫn bà con tổ chức ngày lễ vui tươi, an toàn, tiết kiệm; tổ chức giải bóng chuyền…
Do đặc thù là huyện biên giới nên huyện đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự trong dịp lễ. Các lực lượng chức năng, lực lượng dân quân thường trực ở các xã đều được huy động toàn bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, khu vực biên giới nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Như lúc đêm qua, dù không khí sân bóng có sôi động đến mấy, dù những ly rượu của cô gái Thái có nồng nàn đến mấy, Phạm Văn Hảo và anh em dân quân vẫn kiên quyết chối từ để thực hiện nhiệm vụ tuần tra đêm của mình…
Lê Hải