Để dạy thêm, học thêm nền nếp

15/01/2025 06:20

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Với các quy định cụ thể như: giáo viên không được dạy thêm với học sinh tiểu học, không được dạy thêm có thu tiền ngoài nhà trường với học sinh đang dạy… sẽ từng bước đưa dạy thêm, học thêm vào nền nếp, ý nghĩa, tháo gỡ suy nghĩ mặc định giáo viên ép học sinh đi học thêm để tăng thu nhập, còn phụ huynh phải oằn mình trả tiền học thêm vì sợ con bị thầy cô phân biệt đối xử.

Phải thấy rằng, nhu cầu cho con được đi học thêm là có thật. Nhu cầu này phần xuất phát từ truyền thống hiếu học của dân tộc, phần vì tâm lý trọng bằng cấp của xã hội nên ai cũng muốn cho con đi học thêm mới cảm thấy yên tâm hơn về tương lai của con sau này.

Thế nhưng, cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Ngoài mặt tích cực của học thêm, dạy thêm là củng cố, nâng cao kiến thức cho học sinh thì nếu dạy và học tràn lan thì cũng sẽ dễ dẫn đến nhiều hệ lụy. Dư luận đã có không ít ý kiến trái chiều, dạy thêm học thêm nhiều làm suy giảm khả năng tự học, tự suy nghĩ của học sinh, học sinh cuốn vào dòng học thêm nhiều không có thời gian để nâng cao kỹ năng sống, rèn luyện thể chất, làm tăng gánh nặng về kinh tế cho một số gia đình, gây lãng phí về thời gian, tiền bạc. Không chỉ vậy, khi nhắc đến dạy thêm, học thêm, nhiều người nghĩ ngay đến việc giáo viên cắt xén bài giảng ở trường, ép học sinh đi học để tăng thu nhập cho cá nhân, rồi phụ huynh phải oằn mình trả tiền học vì sợ con bị thầy cô phân biệt đối xử.

Nhưng, liệu có phải tất cả các thầy cô giáo đều ép các em học thêm?

Học sinh học thêm trong nhà trường chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NP

 

Như đã nói nhu cầu học thêm là có thật. Không ít gia đình có nhu cầu cho con đi học thêm với nhiều lý do: Con học yếu, con muốn thi đỗ vào trường chất lượng cao và thậm chí cho con đi học thêm để con bớt thời gian dành cho các trò chơi điện tử, la cà, lêu lổng. Hơn nữa, với lượng kiến thức trong chương trình học lớn, đề thi lại có những câu hỏi cần tư duy nhạy bén, nếu không học thêm  khó đáp ứng được yêu cầu bài thi, đặc biệt trong kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT hay luyện thi ngoại ngữ để được cấp các chứng chỉ quốc tế.

Bởi vậy, đa số phụ huynh đều trao đổi, tìm hiểu các địa chỉ dạy thêm, đầu tư tiền bạc, dành thời gian đưa đón, còn các em học sinh sắp xếp thời khóa biểu sao cho phù hợp để theo học các lớp học thêm nhằm nâng cao kiến thức, có nhiều cơ hội thi đỗ trong các kỳ thi quan trọng (đối với học sinh khá, giỏi) và được hệ thống lại kiến thức, giảng dạy kỹ (học sinh trung bình, yếu).

Nhiều phụ huynh thú thực rằng, nhờ các thầy cô giáo dạy chính khóa ở trường cùng với các thầy cô giáo dạy thêm có trách nhiệm, tận tụy mà con cái họ từ chỗ yếu kém, mất căn bản đã vươn lên khá, giỏi, còn những em học lực khá, giỏi nhờ được bồi dưỡng nâng cao đã vươn lên đạt các thành tích cao hơn.

Đi cùng với những tích cực, cũng không thể phủ nhận có những bức xúc, bất cập trong dạy thêm, học thêm, khiến không ít người gọi là “vấn nạn”. Kiểu như học sinh bị phân biệt đối xử ở trường nếu không đi học thêm chính cô giáo mình; kiểu như giáo viên ra đề thi theo đúng mẫu, đúng dạng bài khi dạy thêm và học sinh nào đi học thêm thì điểm cao, không đi học thêm hoặc học thêm ở những giáo viên không dạy trên lớp thì điểm thấp; kiểu như các em mới lớp 1, lớp 2 sau cả ngày học tập ở trường, chiều về ăn uống qua loa lại vội vàng  ôm sách vở đi học thêm ở nhà giáo viên.

Kết hợp học tập với bồi dưỡng các kỹ năng để các em phát triển toàn diện. Ảnh: N.P

 

Nhưng, không ít giáo viên bộc bạch rằng, tình trạng đó không phản ánh lên tất cả và kiểu những giáo viên “gà bài”, kiểu giáo viên gây khó dễ với học sinh cũng chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Giáo viên, dù dạy chính hay dạy thêm đều bằng chính chuyên môn và năng lực, hoàn thành nghĩa vụ của một người thầy đúng với những giá trị mà xã hội trân trọng bấy lâu nay.

Đành rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng không ít người đã đặt câu hỏi, một bác sĩ giỏi được mở phòng mạch tư khám bệnh thì tại sao một giáo viên giỏi lại không thể mở lớp dạy thêm để kiếm sống ngay bằng chính nghề của mình? Bởi vậy, như một vĩ thanh buồn cho nghề giáo, nhất là những giáo viên muốn kiếm sống bằng đúng chuyên môn, năng lực của mình lại bị “xoay” đủ kiểu, từ mặc định “ép học sinh đi học thêm” để tư lợi cho cá nhân, đến kiểm tra, phê bình, kiểm điểm. 

Trong bối cảnh dạy thêm, học thêm kiểu “trăm hoa đua nở”, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 14/2/2025) được đánh giá tháo gỡ những vướng mắc tồn tại bấy lâu. Và để dạy thêm, học thêm ngày càng nền nếp, đảm bảo ý nghĩa góp phần giúp học sinh nâng cao năng lực, các cơ sở giáo dục sớm có những điều chỉnh hợp lý, thực hiện nghiêm quy định mới mà không làm xáo trộn dạy thêm của giáo viên, học thêm của học sinh. Còn về phía học sinh, phụ huynh, quan trọng hơn cả là nâng cao nhận thức, chọn học thêm ở đâu, học những môn gì, học như thế nào và kết hợp sao cho hợp lý giữa học tập với bồi dưỡng các kỹ năng để các em được phát triển toàn diện. 

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác