15/12/2016 18:02
36 tuổi 10 đứa con
Sau một lúc, chúng tôi cũng tìm được căn nhà sàn của chị Y Đ’ưi ở thôn 10, xã Đăk Tờ Re. Đứng trước cửa gọi thật lâu, một người phụ nữ gầy còm, hai bên má chi chít những vết nám, đầu tóc bù xù mới địu đứa con nhỏ bước ra. Phía sau chị, 2-3 đứa trẻ lóc nhóc, quần áo rách bươm vừa khóc mếu, nước mũi, nước dãi lòng thòng bám lấy áo, lấy quần mẹ.
“Mình là Đ’ưi, gặp mình có việc gì?” – chị Đ’ưi tỏ vẻ mệt mỏi. Nói rồi, phải mất hơn 10 phút “dẹp loạn” đàn con nhỏ, chị Đ’ưi mới ngồi trò chuyện được với chúng tôi.
36 tuổi nhưng nhìn chị Y Đ’ưi già hơn nhiều so với tuổi. Da dẻ nhăn nheo, người cứ lừ đừ, đôi mắt sâu hoẵm, đỏ kè vì mất ngủ. “Mệt lắm! Cứ lần quần với mấy đứa nhỏ đến chóng mặt” – chị Đ’ưi giải thích.
Lấy chồng từ năm 2002 (22 tuổi), trong năm đó, chị hạ sinh con trai đầu lòng – A Thọ. Sau khi sinh A Thọ, cứ 1-2 năm chị lại tiếp tục sinh. Và đến nay, 36 tuổi, chị đã có đến 10 đứa con. Ngồi nói chuyện, chị Y Đ’ưi phải giơ bàn tay, tính đi tính lại mấy lần mới nhẩm hết được hết năm sinh và tên của con mình.
Ở thôn 10 này, có riêng gì vợ chồng chị Đ’ưi sinh con đông. Đi từ đầu thôn đến cuối thôn, hầu như gia đình nào cũng 4-5 người con, hiếm lắm mới có được gia đình sinh từ 1-2 con. “Cũng có vài người có 10 con như mình, nhưng họ già rồi, không sinh được nữa thôi”- anh A Thai, chồng chị Y Đ’ưi thật thà kể.
Khi chúng tôi hỏi về các biện pháp tránh thai, chị Đ’ưi bảo rằng, cán bộ phụ nữ cũng thường xuyên tuyên truyền nhưng vợ chồng chị cũng như mọi người trong xóm chỉ sử dụng các biện pháp tránh thai tự nhiên chứ không sử dụng bao cao su hay uống thuốc. “Sinh con vất vả thế rồi có sinh thêm nữa không?” – chúng tôi hỏi. Chị Đ’ưi chỉ cười rồi nói: “Mình không biết nữa. Trời cho thì mình cứ sinh thôi”.
|
Rời thôn 10, chúng tôi tiếp tục đến với thôn 3. Dù đang trong mùa thu hoạch mì nhưng chị Y Bden vẫn ở nhà. Chị bảo, từ khi lấy chồng đến nay, đa số thời gian chị chỉ ở nhà để lo cho các con nhỏ. “Đông quá nên mình đâu gởi cho ai được, phải ở nhà với bọn nó thôi” – chị Y Bden nói.
36 tuổi, chị Bden cũng sinh được 6 mặt con. Người con đầu năm nay 18 tuổi, chỉ học được đến lớp 6 thì nghỉ và 2 người con nhỏ của chị, 1 đứa mới được hơn 2 tuổi và một đứa chỉ mới vài tháng tuổi. Con cái nheo nhóc, thế mà khi chúng tôi hỏi “có sinh nữa không?”, chẳng ngần ngại, chị Bden nói: “Có chứ”.
Thôn 3 có 47 hộ thì có đến 39 hộ có từ 3 con trở lên, chỉ có được 8 hộ sinh từ 1-2 con. Nhưng thôn trưởng A Lên nói rằng, những hộ sinh 1-2 con đang còn trẻ nên chưa nói được điều gì đâu. Sợ nay, mai họ lại sinh thêm con thứ 3, thứ 4 nữa vì trong làng, đa số đều 4-5 con thôi.
Và có riêng gì thôn 10, thôn 3, hầu hết các thôn ở xã Đăk Tờ Re, tỉ lệ sinh con thứ 3 đều gia tăng. Tính đến nay, tỉ lệ sinh con thứ 3 ở xã chiếm đến 41%. Dù chính quyền xã đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận các thôn, làng nhưng vẫn không ăn thua.
“Chúng tôi tích cực triển khai Nghị định số 39/2015/NĐ-CP về quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là ĐBDTTS khi sinh con đúng chính sách dân số để động viên việc giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 nhưng vẫn không được. Danh sách đưa ra có 20 chị đăng kí tham gia nhưng chỉ có 2 chị thực hiện. Người dân không nhận thức được nên thật sự rất khó”- chị Y Pẻh, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re băn khoăn.
32% trẻ em suy dinh dưỡng
Quay trở lại câu chuyện của chị Y Đ’ưi. Sinh 10 người con nhưng chị bảo, chưa hề biết đến việc khám thai hay siêu âm là như thế nào. Chị cũng chẳng hề biết bổ sung chất dinh dưỡng, sắt trong quá trình mang thai. “Gạo ăn còn không đủ, lấy đâu ra tiền mà mua đồ bồi bổ” – chị Đ’ưi nói.
Trong suốt quá trình mang thai, chị Đ’ưi cũng chỉ ăn cơm với rau ráng trong nhà hái được. Khi vợ sinh, biết vợ cần bồi dưỡng nên ngoài việc đi làm thuê, chồng chị mới tranh thủ thời gian đi đánh thêm ít cá, con tôm để vợ ăn cho có sữa nuôi con. “Thịt thì không có tiền mua, đánh cá thì cũng bữa có bữa không, cứ ăn nhín nhịn thèm vậy thôi” – anh A Thai bảo.
Những người con anh chị sinh ra, vì không được bố mẹ chăm sóc kĩ lưỡng nên cứ nheo nhóc. “Đến giờ ăn cơm, đứa nào ham chơi, không chạy về ăn thì mình cũng… quên luôn. Do đông quá mình đếm không hết. Đứa nào về sau, hết cơm thì ăn đại quả chuối, củ mì thôi” – chị Đ’ưi kể. Chỉ vào 2 đứa con gầy còm, chị Đ’ưi bảo, chắc là bọn nó bị suy dinh dưỡng đấy, nhưng mình không có tiền nên cũng chịu thôi.
Cơm nước không được lo chu đáo, đến đau ốm, bệnh tật, vợ chồng anh chị cũng chỉ tự mua thuốc cho con hoặc chữa bằng lá cây rừng tại nhà. Chị bảo, cũng may được trời thương nên các con của chị ít đau ốm vặt. Chỉ có lần, 2 đứa con chị tự chặt mía ăn, người chị chặt trúng tay em nên phải ra bệnh viện chữa trị. “Giữ đứa này thì đứa kia chạy nên mình không quản hết được. Cũng may là bây giờ tay nó lành rồi” – chị Đ’ưi kể thêm.
Hỏi đến việc học hành của các con, vợ chồng chị cũng lắc đầu. Anh chị bảo, đông quá nên cũng không biết hết được. Cứ sáng lại, các con tự ăn cơm rồi đến trường. Còn tối lại, đứa nào học thì học, không thì… thôi.
Gia đình chị Y Bden cũng không khác gì mấy. Vì chị Bden phải ở nhà chăm con nên một mình anh A Việt - chồng chị phải chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền. Không có rẫy cũng chẳng chăn nuôi, mỗi ngày cả gia đình 8 miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng công làm thuê của anh A Việt. Những ngày nông nhàn, bữa cơm chỉ còn canh với rau. Bởi vậy, những đứa con của anh chị cũng nheo nhóc, gầy còm.
Hay như gia đình anh A Lưn (37 tuổi) ở thôn 3 cũng có 7 người con. Đứa con lớn mới học lớp 10 và đứa con nhỏ mới được vài tháng tuổi. Vì hai vợ chồng anh cứ quần quật đi làm kiếm tiền nên các con đành để ở nhà tự chăm lẫn nhau. Anh nói, lắm lúc thấy con cái tội nhưng không làm cách nào khác được. Vợ chồng anh chị phải đi làm mới đủ tiền mua gạo, nếu không, đến cơm cũng không có đủ để ăn.
Chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ khi mang thai không đảm bảo, hơn thế, khi sinh xong, các ông bố, bà mẹ lại không có điều kiện chăm sóc cho các con nên trẻ em nơi đây bị suy dinh dưỡng rất cao. Trong năm 2016, xã này có đến 32% trẻ em bị suy dinh dưỡng.
Cùng với đó, việc sinh con đông khiến đời sống kinh tế của các gia đình cũng gặp nhiều khó khăn. Như nhà chị Đ’ưi, Bden, dù được nhận trợ cấp, hỗ trợ rất nhiều nhưng biết đến bao giờ mới thoát được cảnh nghèo khó.
Rời xã Đăk Tờ Re, hình ảnh những đứa trẻ nheo nhóc, mặt mày lấm lem cứ nằm trong tâm trí. Không biết đến bao giờ, xã mới thoát được cái vòng luẩn quẩn: giàu con, nghèo của, để những đứa trẻ thôi nheo nhóc, được quan tâm, chăm sóc, phát triển? Có lẽ, đó cũng chỉ là một câu hỏi bỏ lửng và khó có lời giải đáp.
Nguyên Phúc – Bình An