12/09/2016 15:38
Học nhờ... xã bạn
Anh Nguyễn Long Thịnh- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Long (huyện Đăk Hà) cho biết: Xã được thành lập từ tháng 12/2013, trên cơ sở điều chỉnh 3.000 ha diện tích tự nhiên, 3.125 nhân khẩu của xã Đăk Hring và 2.800 ha diện tích tự nhiên, 1.276 nhân khẩu của xã Đăk Psi (huyện Đăk Hà).
Đến nay, sau gần 3 năm thành lập, xã đã ổn định nhiều mặt, kinh tế-xã hội tiếp tục có bước phát triển, duy chỉ có trường trung học cơ sở (THCS) vẫn chưa được xây dựng. Dù trong Luật Giáo dục quy định rất cụ thể, trên địa bàn mỗi xã, phường, thị trấn phải hình thành hệ thống trường học đủ ba cấp học từ mầm non, tiểu học đến THCS.
Cũng vì chưa có trường mà đã 2 năm học trôi qua, bước vào năm học thứ 3, học sinh bậc THCS ở các làng Kon Teo, Đăk Lấp, Đăk Kơ Ne, Đăk Xế (vốn thuộc xã Đăk Psi trước đây) vẫn phải ngược lên học nhờ ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú-THCS Đăk Psi. Những em học sinh ở các làng Tua Tem, Pa Cheng, Kon Đao Jốp (vốn thuộc xã Đăk Hring) thì lại phải xuôi về học nhờ ở trường THCS Đăk Hring.
Đường xa, đi lại khó khăn nên các em bỏ học nhiều. Xã đã phối hợp với nhà trường thực hiện vận động cha mẹ và bản thân các em nhưng không mấy hiệu quả. Có thể nói phải đi “học nhờ” ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần học tập, chất lượng học sinh- Phó chủ tịch Thịnh phàn nàn.
|
Với Trường THCS Đăk Hring, hệ lụy của việc các em học sinh phải “học nhờ” đã thể hiện rất rõ qua việc duy trì sỹ số. Không cần phải mở sổ sách, thầy Cù Duy Trinh- Hiệu trưởng Trường THCS Đăk Hring cũng nhớ rất rõ, trong năm học 2015-2016, trường đã có 79 em học sinh khối 8, 9 bỏ học giữa chừng hoặc đi học không chuyên cần, trong đó có tới 39 em ở xã Đăk Long.
Theo thầy Trinh, qua nắm bắt tình hình, nhà trường nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học nhiều là nhà xa- như học sinh ở làng Kon Đao Jốp cách trường cả chục cây số, bố mẹ bận chuyện ruộng rẫy không đưa đón đi học được, trong khi nhà trường lại không có bán trú.
Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân nữa là do các em theo học ở Trường THCS Đăk Hring nên không được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước như học sinh học ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú- THCS Đăk Psi, trong khi gia đình các em ở vùng được hưởng chính sách. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, lại không được hỗ trợ nên nhiều em bỏ học ở nhà đi làm rẫy.
Trò chuyện với phóng viên Báo Kon Tum, thầy Nguyễn Hoàng Thích- Trưởng phòng Giáo dục huyện Đăk Hà cũng chia sẻ: Việc học sinh bậc THCS xã Đăk Long phải đi học nhờ ở các xã bạn là một thực tế rất đáng trăn trở hiện nay. Thương các em đấy nhưng cũng chỉ biết chờ vì muốn xây trường phải có sự đầu tư của huyện, tỉnh.
Mong lắm một mái trường...
Được biết, ngay sau khi thành lập xã, xét thấy Đăk Long có địa bàn rộng, phân bố phức tạp, số lượng học sinh cũng khá đông, ngành Giáo dục huyện đã đề nghị huyện, tỉnh bố trí nguồn vốn xây dựng trường THCS, nhưng do nhiều nguyên nhân mà đến nay vẫn chưa thấy triển khai xây dựng nên các em vẫn phải đi học xa.
Trong niềm vui đón ngày tựu trường, Y Yến và các bạn Y Uyên, Y Doanh…đang lo lắng về chặng đường 10 km từ nhà tới trường mà các em sẽ phải vượt qua hàng ngày. Năm học 2015-2016, cũng vì nhà quá xa mà các em nghỉ học nhiều. Dù nhà trường, chính quyền xã đã xuống nhà vận động, nhưng đến lớp được mấy buổi lại nghỉ.
Nghỉ học nhiều như vậy, năm nay vào lớp 9 có lo không theo được các bạn không- tôi hỏi. Y Yến ngại ngùng: Em không biết nữa. Nhưng trong hè, thầy giáo có về tận làng mở lớp bổ túc, em đi học đều hơn, nên cũng đỡ lo học dốt (cười).
Hỏi chuyện thầy Nguyễn Hoàng Thích thì được biết, trước thực trạng học sinh bỏ học, nghỉ học thường xuyên nhiều, Phòng đã chỉ đạo nhà trường mở lớp bổ túc kiến thức cho các em, nhằm đảm bảo vào năm học mới các em không bị “tụt hậu” kiến thức cơ bản so với những học sinh khác.
Theo đó, từ tháng 12/2015, nhà trường đã mở 3 lớp bổ túc văn hóa cho các em, gồm 2 lớp 9 và 1 lớp 8. Vì là lớp bổ túc nên chương trình học, giáo án được xây dựng hợp lý, giảm một số môn theo quy định và cả 3 lớp đều mở ở tại làng, trong đó, tại các thôn thuộc xã Đăk Long có 1 lớp 8 và 1 lớp 9. Thời gian kết thúc lớp học là cuối tháng 8/2016- thầy Trinh cho biết.
Và thế là suốt 9 tháng ròng, kể cả kỳ nghỉ hè, khi các đồng nghiệp bắt đầu những ngày hè vui vẻ, thì một số thầy cô giáo ở Trường THCS Đăk Hring lại lặn lội vào làng dạy các em. Thầy Lê Tấn Thành- giáo viên đứng lớp bộc bạch: Những tháng đứng lớp thì vất vả nhiều hơn, như: đường xa, không có chế độ, và nhất là không được nghỉ hè, nhưng vì các em học sinh nên vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm xây dựng trường THCS tại xã Đăk Long để các em đi học đỡ nhọc nhằn.
Còn khi được hỏi mong muốn điều gì trước thềm năm học mới, em Y Yến đã không ngần ngại mà trả lời rằng: Em mong có một mái trường tại xã để không còn phải lo ngại chặng đường đến lớp hàng ngày.
Đem mong ước ấy kể với Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Long Nguyễn Long Thịnh, anh trầm tư: Thú thật với anh, chúng tôi đã chờ “dài cổ” rồi. Mong lắm một ngôi trường THCS để con em đỡ khổ mà anh em chúng tôi cũng yên tâm hơn. Nghe thông tin từ Ban quản lý XDCB huyện, hiện nay đang tiến hành các thủ tục đầu tư cũng như bố trí nguồn vốn, có thể trong năm nay sẽ được khởi công xây dựng.
Tôi cũng thầm mong là như vậy khi hình dung đến cảnh các em phải vượt qua cả chục km để đến trường hàng ngày!
Thành Hưng