10/08/2016 07:02
Chị Hà kể, đầu năm 2007, vợ chồng anh chị cưới nhau; vốn siêng năng nên anh chị nuôi quyết tâm làm giàu trên mảnh đất vùng biên bằng nghề làm nương rẫy. Cuối năm 2007, vợ chồng anh chị sinh được con gái đầu lòng đặt tên là Bùi Thị Minh Hồng. Niềm vui của hai vợ chồng trẻ chưa được bao lâu thì 4 tháng sau khi sinh con nỗi buồn đã ập đến với gia đình, vì bé Hồng có biểu hiện bất thường: không biết lật, tay chân co quắp, gương mặt không biểu cảm.
Vợ chồng chị Hà đã chạy vạy vay mượn tiền để đưa con đến bệnh viện chữa trị nhưng các bác sĩ đều bất lực. Nhiều người bảo với vợ chồng chị rằng cháu Hồng bị như vậy là do di chứng chất độc da cam từ ông nội mình. Chưa tin điều đó là sự thật và cũng để an ủi bản thân, năm 2010, vợ chồng anh Dương, chị Hà quyết định sinh đứa con thứ 2 – bé Bùi Thị Thủy. Thế nhưng, bé Thủy sau 4 tháng được sinh ra cũng mang căn bệnh và dị tật tương tự như chị gái mình.
Mỗi lần nhìn hai đứa cháu nội bệnh tật của mình, ông Bùi Văn Ảnh như đứt từng khúc ruột. Bế cháu Hồng trên tay, ông Ảnh nghẹn ngào cho biết, quê gốc của ông ở tỉnh Hòa Bình; những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, ông đi bộ đội và tham gia chiến đấu ở khắp chiến trường Tây Nguyên, miền Tây Nam bộ. 8 năm trong quân ngũ, những chiến trường ông đã đi qua, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, máy bay Mỹ rải chất độc hóa học rất nhiều. Ngày đó cũng chẳng biết chất độc hóa học có sức hủy diệt kinh khủng và để lại di chứng dai dẳng thế nào, chỉ thấy rằng sau mỗi đợt phun rải chất độc của Mỹ là cây lá trơ trọi, có những mảng rừng đang xanh bỗng chốc chết khô. Và sau mỗi trận chiến đấu ác liệt, để giải quyết cơn đói, cơn khát, ông đã cùng đồng đội múc nước suối uống…
|
Trở về sau chiến tranh, di chứng của chất độc da cam khiến sức khỏe ông Bùi Văn Ảnh suy giảm, những lúc trái gió trở trời ông đau nhức toàn thân. Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông sinh được 4 người con, trong đó đứa con trai thứ 3 tên Bùi Văn Dương (bố của hai đứa trẻ đang mắc bệnh) thường hay đau bệnh; đặc biệt, anh còn bị khiếm thính một bên tai, hay đau đầu, đi khám bác sĩ cho biết thần kinh cũng không được ổn định.
Năm 1992, ông Ảnh đưa gia đình vào Bờ Y lập nghiệp. Trên vùng quê mới, gia đình ông Ảnh cùng với những hộ dân cùng quê hương Hòa Bình di cư vào đây lập nghiệp chí thú làm ăn, xây dựng đời sống mới.
Thương hoàn cảnh và nghị lực của anh Dương, chị Bùi Thị Hà – cùng là người từ Hòa Bình di cư vào đây lập nghiệp đã lấy anh làm chồng.
Chị Hà ôm chặt đứa con gái nhỏ vào lòng, nước mắt lưng tròng: Đau lòng lắm nhưng cũng không có cách gì để cứu chữa cho các con. Nhiều lúc vợ chồng mong mỏi có một đứa con lành lặn để sau này chúng có chị có em để nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng không dám sinh tiếp vì sợ di chứng vẫn còn tiếp diễn. Vì cả hai bé đều không vận động được nên vợ chồng phải thay phiên nhau một người đi làm thì một người phải ở nhà để trông con nên cuộc sống gia đình cũng vất vả lắm.
Hiện mới chỉ có chính sách trợ cấp đối với người bị ảnh hưởng chất độc da cam thuộc thế hệ thứ nhất và thứ hai. Trong khi đó, qua cuộc tổng điều tra chính sách người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam – 1 trong 7 đối tượng được rà soát – thì hiện nay, cả nước phát hiện hàng chục nghìn nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba, thậm chí có gia đình có nạn nhân là thế hệ thứ tư bị nhiễm chất độc da cam có cuộc sống hết sức khó khăn rất cần được giúp đỡ.
“Nạn nhân da cam là đối tượng nghèo nhất trong những người nghèo và khó khăn nhất trong những đối tượng khó khăn. Vì vậy, mong muốn Đảng, Nhà nước ngoài quan tâm giải quyết chế độ cho người trực tiếp bị phơi nhiễm chất độc da cam và nạn nhân thuộc thế hệ thứ nhất, thứ hai, cũng nên sớm có chính sách hỗ trợ cho những nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư, giúp nạn nhân và gia đình nạn nhân phần nào vượt lên nỗi đau của hoàn cảnh” – ông Ảnh chia sẻ.
Tú Quyên