12/02/2017 08:08
Đăk Nhoong là một trong những xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Đăk Glei, hơn 95% dân số là đồng bào DTTS. Trước đây, cũng như nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, người dân Đăk Nhoong thường sinh nhiều, sinh dày bởi quan niệm đông con hơn đông của, sinh nhiều con để có người làm ruộng, làm rẫy; thế nên chuyện nhà nhà sinh 5 - 7 con là bình thường. Việc sinh con đông không chỉ là gánh nặng trực tiếp cho các gia đình mà còn là gánh nặng cho công tác dân số, cho sự phát triển của xã.
Trước thực trạng đó, cấp uỷ, chính quyền xã đã đề ra mục tiêu phải giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên để góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, ổn định đời sống người dân. Theo đó, xã đã củng cố lại Ban DS-KHHGĐ và giao Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, xây dựng đội ngũ cộng tác viên dân số nhiệt tình, năng nổ ở các thôn, làng.
Đội ngũ cán bộ dân số xã bám sát địa bàn, kịp thời tham mưu Đảng ủy xã ra Nghị quyết chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, trong đó xác định giảm tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và giảm thiểu tảo hôn là nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, xã chú trọng công tác truyền thông cho nhân dân về hệ lụy của việc sinh nhiều con. Cộng tác viên dân số đến từng nhà tích cực vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của quy mô gia đình ít con; tư vấn việc lựa chọn và sử dụng các biện pháp tránh thai.
Ông A Nang - Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban DS-KHHGĐ của xã chia sẻ: Vận động người dân nơi đây thực hiện KHHGĐ là cả một quá trình đầy gian nan bởi từ trước đến nay người dân luôn thích đông con. Hơn nữa, khi nói đến chuyện dùng các biện pháp tránh thai như đặt vòng, dùng bao cao su, triệt sản... các chị em thường xấu hổ, né tránh.
Thời gian đầu, tuyên truyền, hướng dẫn nhiều nhưng “cán bộ nói thì cán bộ nghe” còn người dân thì cứ bỏ ngoài tai, cung cấp các dụng cụ hỗ trợ cũng không dùng. Thế nhưng, với sự kiên trì của cán bộ làm dân số, sự chung tay của các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động; huyện hỗ trợ kinh phí tổ chức các chiến dịch, hoạt động truyền thông trọng điểm, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hoá đến từng người dân rồi mưa dầm cũng thấm đất, người dân từng bước cũng hiểu, nghe và tự giác thực hiện.
Chị Y Nhàn (thôn Đăk Ung) tâm sự: Ngày trước mình cứ nghĩ trời sinh voi ắt sinh cỏ, bố mẹ mình cũng sinh gần chục người con mà vẫn nuôi được thôi. Thế nhưng, sau này nhờ cán bộ giải thích, mình đã hiểu, sinh nhiều thì đồng nghĩa với nghèo khổ, không có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con cái tốt nên sau khi sinh bé thứ hai xong mình đã đặt vòng ngay.
Đến nay, ở Đăk Nhoong, tình trạng sinh dày, sinh nhiều con đã giảm rõ rệt. Nếu như năm 2014, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của xã là 1,9%, thì năm 2016 giảm xuống còn 1,2%. Đặc biệt, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên giảm đáng kể. Năm 2016, toàn xã chỉ còn 10% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh con thứ 3, không có người sinh con thứ 4 trở lên.
|
Điển hình như thôn Đăk Ung, toàn thôn có 110 hộ với 450 nhân khẩu nhưng không có hộ nào có người sinh con thứ 3 trở lên. Các cặp vợ chồng trẻ đều tự giác sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn. Những phụ nữ trẻ ở Đăk Nhoong bây giờ đều rất cởi mở, tự tin khi nói về vấn đề mà trước đây vốn được coi là tế nhị này. Có thể nói, đây là những con số, thông tin khá ấn tượng về công tác dân số ở một xã vùng đặc biệt khó khăn.
Song song với công tác vận động, tuyên truyền thực hiện các chính sách dân số, Trạm Y tế xã còn thường xuyên tổ chức các đợt khám, chữa bệnh các bệnh phụ khoa miễn phí cho chị em phụ nữ. Các dịch vụ y tế đều được cung cấp kịp thời, hiệu quả, an toàn nên đã tạo được niềm tin đối với những người thực hiện các biện pháp KHHGĐ.
Nói về mục tiêu trong thời gian tới, Chủ tịch UBND xã A Nang vui vẻ cho biết: Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Pháp lệnh Dân số đến với người dân để bà con thực sự thay đổi từ nhận thức đến hành động, qua đó từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài và ảnh: Hương Nga