Chăm lo phát triển giáo dục vùng DTTS

15/10/2014 08:50

Xác định phát triển giáo dục vùng DTTS vừa là mục tiêu trước mắt, vừa là mục tiêu lâu dài nhằm từng bước nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, tạo nền tảng vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư, hỗ trợ, phát triển giáo dục trong vùng ĐBDTTS. Nhờ đó, quy mô và chất lượng giáo dục trong vùng ĐBDTTS không ngừng tăng lên, góp phần quan trọng xây dựng nguồn nhân lực cho tỉnh.
HS Trường PTDTBT Mô Rai, Sa Thầy trao đồi bài sau giờ kiểm tra. Ảnh: M.T 

 

Ông Nguyễn Hóa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Hằng năm, vào đầu mỗi năm học, ngành đều có văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc; chú trọng hướng dẫn các em cách học, phát huy tính sáng tạo, tích cực, tự giác trong học tập và rèn luyện phương pháp tự học, kỹ năng sống; quan tâm, tạo điều kiện để đảm bảo bình đẳng về cơ hội học tập cho con em các DTTS, trẻ em khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn. Để đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc, ngành luôn ưu tiên bố trí những cán bộ, giáo viên có năng lực cho các trường ở các vùng có học sinh DTTS.

Cùng với đó, phong trào dạy tốt và học tốt vùng DTTS được tập trung thực hiện với các giải pháp đồng bộ như: giáo dục mầm non ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, bố trí biên chế giáo viên đứng lớp, tập trung cho việc phổ cập mầm non 5 tuổi; triển khai thực hiện tài liệu Tập nói tiếng Việt trong tất cả các lớp mẫu giáo DTTS; tăng cường công tác bám làng, bám thôn vận động trẻ trong độ tuổi ra lớp; thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới đến 100% lớp mẫu giáo trong toàn tỉnh. Ngành cũng động viên giáo viên vùng ĐBDTTS học tiếng dân tộc để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Đối với Giáo dục phổ thông, ngành tiếp tục triển khai Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS. Liên tiếp các năm học ngành đều tổ chức kiểm tra, phân loại học sinh đầu năm học, từ đó xếp lớp, tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng phù hợp năng lực. Ngoài các giải pháp chung, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tổ chức có hiệu quả dạy phụ đạo, bồi dưỡng buổi thứ 2; tổ chức cho học sinh tự học trên lớp có hướng dẫn, theo dõi của giáo viên; tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đối với học sinh bán trú; tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn hàng ngày... Riêng học sinh THCS, THPT được tăng cường các môn công cụ và ngoại ngữ; học sinh cuối cấp THPT được tập trung ôn tập các môn thi tốt nghiệp, thi vào trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.

Qua các năm, ngành đều có rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất phục vụ cho học sinh DTTS; phát triển quy mô, mạng lưới và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo trong các trường chuyên biệt. Các chế độ, chính sách cho học sinh nội trú, học sinh bán trú, học sinh THPT vùng đặc biệt khó khăn được triển khai đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định.

Nhờ sự nỗ lực của ngành Giáo dục và sự phối hợp tích cực các địa phương, sở, ngành liên quan thời gian qua đã góp phần nâng cao số lượng, chất lượng giáo dục học sinh DTTS trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 9 trường PTDTNT với hơn 3.500 học sinh DTTS; 114 trường có học sinh DTTS bán trú, trong đó có 53 trường PTDTBT được hình thành và đi vào hoạt động (cấp tiểu học 20 trường, THCS có 33 trường) với tổng số gần 32.300 học sinh. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, riêng năm học vừa qua, trong số học sinh DTTS, tỷ lệ trẻ mầm non 5 tuổi đạt yêu cầu là 100%; học sinh tiểu học xếp loại khá, giỏi môn Tiếng Việt và Toán gần 48,2%; học sinh THCS đạt khá, giỏi chiếm 21%; THPT khá, giỏi  gần 19%, tốt nghiệp THPT đạt khoảng 95,6% và có 57 học sinh DTTS đỗ đại học nguyện vọng 1 với số điểm cao từ 18 – 22.

 Mai Trâm

Chuyên mục khác