17/10/2016 09:03
Gặp khó do chậm cấp phép
Khi làm việc với chúng tôi, ông Võ Văn Lương - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy thông tin: Trong thời gian qua, sau khi địa phương tiến hành các biện pháp ngăn chặn quyết liệt thì hoạt động khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn huyện đã được khắc phục cơ bản. Tuy nhiên, quy trình cấp phép khai thác còn hết sức chậm, vô tình đã đẩy giá cát sỏi trên thị trường lên cao, và cũng từ đó tạo nên áp lực không đáng có cho chính quyền và ngành chức năng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, từ tháng 7/2015 trên địa bàn huyện Kon Rẫy có 3 điểm mỏ được đấu giá, nhưng đến nay, cả 3 doanh nghiệp trúng đấu giá đều chưa được cấp phép, trong khi đó nhu cầu cát xây dựng trên địa bàn rất cao, thiếu nguồn cung, người dân, doanh nghiệp phải mua và vận chuyển cát từ địa phương khác tới với giá cả và chi phí đắt đỏ hơn nhiều.
|
Một doanh nghiệp thi công công trình trên địa bàn huyện (đề nghị giấu tên) phàn nàn rằng: Nếu trước đây, giá 1m3 cát khai thác tại địa bàn được bán với giá 100 nghìn đồng thì hiện tại mua từ thành phố Kon Tum lên, giá đội lên từ 160-180 nghìn đồng; nếu mua ít, chi phí vận chuyển càng cao, có khi tới 200 nghìn đồng/m3. Ấy vậy mà cũng nhiều khi phải “xếp hàng” chờ...
Tại xã Đăk Ruồng - một trong hai xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Kon Rẫy, việc cát xây dựng khan hiếm đã có tác động rõ rệt đến tiến độ hoàn thành tiêu chí về giao thông. Ông Đinh Ngọc Hải - Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng tỏ ra lo lắng: Huyện đã yêu cầu xã hoàn thành tiêu chí giao thông trong tháng 10/2016, vì vậy, xã sẽ tập trung làm 13,15km đường đi các khu sản xuất, nhưng việc khan hiếm cát như hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ xây dựng.
Quá trình triển khai chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách cũng bị ảnh hưởng bởi chuyện... cát. Đơn cử như trong tháng 8/2016, thị trấn Đăk Rờ Ve triển khai xây dựng 5 nhà đại đoàn kết, cần khoảng 30m3 cát, không có tiền để mua, chính quyền thị trấn “đánh bạo” lên xin huyện “linh hoạt” cho phép lấy cát ở khe suối nhưng huyện chịu, không dám “gật đầu” vì sai quy định.
Việc chậm cấp phép khai thác cho các điểm mỏ cũng làm tăng “gánh nặng” cho chính quyền địa phương trong quản lý, ngăn chặn nạn khai thác trái phép. Dù đã rất nỗ lực, nhưng trong thời gian qua vẫn xuất hiện một số trường hợp cố tình vi phạm. Gần đây nhất là vào tháng 8/2016, ngành chức năng đã phát hiện một doanh nghiệp làm đường giao thông ở xã Đăk Ruồng lén lút hút cát trái phép và xử phạt 35 triệu đồng.
Cần có cơ chế phù hợp
Trúng đấu giá điểm mỏ số 4 trên sông Đăk Pne (thuộc địa bàn thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) từ tháng 7/2015, nhưng đến nay Công ty TNHH Hương Linh (thôn 9, xã Đăk Ruồng) của ông Trần Xuân Tiềm vẫn chưa được cấp phép khai thác.
Giống doanh nghiệp ông Tiềm, Công ty TNHH Phú Thịnh trúng đấu giá mỏ số 6, Công ty TNHH Hữu Minh trúng đấu giá mỏ số 8 cũng đang “bơi” với thủ tục giấy tờ.
|
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, tôi cho rằng vướng mắc đến từ quy trình thủ tục phức tạp và kéo dài - ông Trần Xuân Tiềm nhận định - Hiện nay cơ chế cấp phép khai thác mỏ cát sỏi phân tán, nhỏ lẻ, có trữ lượng ít cũng giống như các mỏ khoáng sản có trữ lượng lớn. Doanh nghiệp phải trải qua đủ các bước: tham gia đấu giá; khi trúng đấu giá thì tổ chức thăm dò, báo cáo đánh giá trữ lượng, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lập các thủ tục, hồ sơ để được quyền khai thác khoáng sản...
Hoàn thành tất cả các khâu này là cả một hành trình dài, không chỉ mất nhiều thời gian mà chi phí rất lớn, bởi doanh nghiệp đều phải thuê tư vấn độc lập vì không đủ năng lực để tự thực hiện. Như Công ty Hương Linh trúng đấu giá mỏ số 4 từ tháng 7/2015, qua nhiều bước thủ tục, giấy tờ, thuê tư vấn lập đề án thăm dò, đến ngày 12/8/2016 mới được UBND tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, hiện đang thuê tổ chức có năng lực thực hiện việc lấy mẫu, làm rõ chất lượng, trữ lượng... Theo tiết lộ của chủ doanh nghiệp, đến nay đã chi phí hơn 150 triệu đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đối mặt với nguy cơ... lỗ vốn và lãi suất ngân hàng đè nặng. Đại diện Công ty Phú Thịnh cho biết: Chưa biết trữ lượng thế nào, tương lai làm ăn ra sao, nhưng giờ đã phải bỏ hàng trăm triệu đồng thuê tư vấn; rồi mua sắm máy móc về... bỏ không cả năm nay, trong khi lãi suất hàng tháng vẫn phải trả.
Dẫn chúng tôi đi thực tế khu mỏ số 4 mà doanh nghiệp trúng đấu giá, chị Đặng Thị Bích Lài (Công ty TNHH Hương Linh) cho hay trước đây Công ty Hương Linh đã từng trúng thầu khai thác ở mỏ này, việc khai thác cát chỉ có thể tiến hành trong mấy tháng mùa khô, năm 2015 thực hiện việc đấu giá, công ty tiếp tục đấu trúng.
Đầu tư mấy trăm triệu đồng mua máy hút, thuê nhân công để “làm” cát, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép, máy móc phải đắp chiếu cả mùa khô 2015-2016, trải qua mấy tháng mùa mưa, nước sông xói lở sâu vào bãi tập kết cát, đường vào mỏ cũng bị người dân lấn ra trồng cây. Chỉ mong sao hoàn tất các khâu để khai thác trong mấy tháng tới, nếu không thì lỗ nặng - Chị Tuyết lo lắng.
Theo ông Võ Văn Lương, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh và ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác cho các doanh nghiệp đã trúng đấu giá để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho thị trường xây dựng, góp phần ổn định giá cát sỏi hiện đang lên cao hơn 1,5 lần so với trước đây.
Mặt khác, nên có cơ chế phù hợp đối với các mỏ khoáng sản nhỏ lẻ, phân tán, nằm ở các khe suối, lòng sông, trữ lượng ít, có thể không cần cấp phép khai thác, điều tra trữ lượng mà phân cấp cho địa phương khảo sát, đấu thầu hoặc cấp giấy cho phép khai thác và thu tiền chứ không nên “áp” theo quy định như các loại khoáng sản khác. Bởi nếu thực hiện đánh giá theo quy định sẽ mất nhiều thời gian và chi phí lớn, chưa phù hợp với trữ lượng và giá trị khoáng sản khai thác- ông Lương kiến nghị.
Hồng Lam