Câu lạc bộ Trí thức khoa học và công nghệ: Báo cáo chuyên đề về hội nhập kinh tế quốc tế

23/09/2016 13:50

Ngày 23/9, Câu lạc bộ Trí thức khoa học và công nghệ tổ chức buổi báo cáo chuyên đề Hội nhập kinh tế quốc tế, hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khả năng tác động tới Việt Nam với sự tham dự của gần 100 hội viên đến từ các sở, ban, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu dự buổi báo cáo. Ảnh: HT

 

Với chủ trương tích cực, chủ động hội nhập, Việt Nam đã mở rộng quan hệ kinh tế quan hệ ngoại giao với 179 quốc gia, thương mại đầu tư với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việt Nam đã tham gia vào những định chế kinh tế quốc tế quan trọng có tầm khu vực và toàn cầu: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Đến nay, Việt Nam cũng đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có hai hiệp định mới: Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo một báo cáo nghiên cứu của nhóm các học giả Peter Petri và Michael G.Plummer (2016), khi tham gia vào TPP, đến năm 2030 Việt Nam là nước hưởng lợi nhất xét về giá trị tương đối, với mức GDP tăng lên đến 8,1% ( tương đương 41 tỷ USD). Đến năm 2025, khi một số khoản cam kết chưa thực hiện, GDP Việt Nam tăng 5,8% so với việc không vào TPP (tương đương 22 tỷ USD).

Bên cạnh đó, khi gia nhập TPP, Việt Nam cũng phải vượt qua những thách thức: Rào cản hàng rào kỹ thuật; ngân sách có thể bị thất thu vì các dòng thuế sẽ giảm dần về 0%; nguy cơ mất thị trường nội địa vì hàng nhập khẩu từ các nước vào gia tăng; yêu cầu cao liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong TTP cao hơn rất nhiều so với WTO; yêu cầu tuân thủ đối với các quyền lao động cơ bản theo Luật Lao động quốc tế; sức ép kiện toàn khung khổ pháp luật và các chỉ tiêu theo chuẩn quốc tế.

Các hội viên còn được thông qua vấn đề doanh nghiệp cần thực hiện để chuẩn bị cho Hiệp định TPP khi bắt đầu thực hiện tại Việt Nam; giải đáp những vướng mắc mà các doanh nghiệp, doanh nhân đề xuất nhằm tạo những lợi thế để cạnh tranh đạt kết quả tốt nhất.

H.T

Chuyên mục khác