28/10/2016 14:19
Theo ông Văn Tất Thắng - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu thuộc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Kon Tum: Tính từ đầu năm đến 30/9, tổng thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên toàn tỉnh gần 527,2 tỷ đồng, đạt trên 71% kế hoạch BHXH Việt Nam giao năm 2016, tăng hơn gần 25 tỷ đồng (xấp xỉ 5%) so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình nợ có xu hướng gia tăng, tổng số nợ đọng gần 48,5 tỷ đồng, chiếm 6,53% số phải thu, tăng 11,5 tỷ đồng (31%) so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do số phải thu tăng theo mức lương cơ sở từ tháng 5/2016, nhưng một số cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp chưa được cấp kinh phí để chuyển nộp BHXH, BHTN kịp thời; một số huyện được giao tự chủ một phần ngân sách thì trong giai đoạn đầu năm thu không đủ bù chi, nên nợ đọng BHXH, BHYT ở các huyện này diễn ra khá phổ biến; một số đơn vị sản xuất hoạt động đặc thù đóng BHXH, BHTN theo mùa vụ, không kịp thời theo tháng kéo theo lãi chậm nộp ngày càng tăng; nhóm doanh nghiệp ngoài quốc doanh có quy mô nhỏ làm ăn thua lỗ kéo dài; các mặt hàng cao su, cà phê và nông sản biến động khó lường, thậm chí có giai đoạn rớt giá liên tục, hàng hóa ứ đọng và nợ BHXH, BHYT của các doanh nghiệp sản xuất cây công nghiệp dài ngày, kinh doanh nông sản cũng ứ đọng theo; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe vi phạm trong khi nhận thức của một số chủ sử dụng lao động (SDLĐ) còn hạn chế; trước áp lực tìm việc làm ngày càng khó, người lao động (NLĐ) ngại đòi hỏi quyền lợi theo luật trừ phi doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng khiến NLĐ không còn đường lui.
|
Hiện nay, ở Kon Tum các món nợ từ 6 tháng trở lên khá cao, gần 23 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 47,5% tổng nợ. Cá biệt có nhiều đơn vị nợ lớn, kéo dài, không ít trường hợp nợ trên cả năm, đơn cử như Công ty CP Đầu tư phát triển Duy Tân lũy kế nợ đến 30/9 gần 1,9 tỷ đồng, thời gian nợ 20 tháng. Tương tự, Công ty CP Tấn Phát nợ xấp xỉ 1,15 tỷ đồng, thời gian 30 tháng; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Hà nợ gần 777 triệu đồng, thời gian 11 tháng; Công ty CP Trường Long nợ gần 770 triệu đồng, thời gian 15 tháng.
Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng có tốc độ tăng trưởng hàng năm chạm đáy, lãi chậm nộp gia tăng ngoài vùng kiểm soát, cơn bão nợ nần đẩy họ đến bờ vực phá sản và đã có không ít trường hợp "tháo chạy" không thực hiện nghĩa vụ nộp BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Cuộc sống của một bộ phận NLĐ vì thế rất bấp bênh và những khoản nợ tồn đọng vẫn mãi là gánh nặng cho ngành BHXH nói riêng, cho sự an sinh xã hội nói chung. Chẳng hạn như 3 lao động nữ của Công ty CP Sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng Kon Tum đã sinh con trong 2 năm nay, nhưng mãi đến tháng 9/2016 mới nhận được chế độ thai sản và 34 lao động bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng cũng mới vừa được chốt sổ BHXH, giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chỉ vì công ty này nợ BHXH, BHYT dây dưa mãi đến tháng 8/2016 mới giải quyết cơ bản nợ nần.
Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh phụ trách lĩnh vực thu Nguyễn Thị Hồng Chính: Trước thực trạng đó, BHXH tỉnh đã và đang triển khai thực hiện tổng hợp nhiều giải pháp đồng bộ, đan xen để cải thiện và khắc phục tình hình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tăng cường đối thoại chính sách hướng về cơ sở, làm chuyển biến nhận thức tích cực đối với các cấp, ngành, đơn vị SDLĐ, NLĐ và các tầng lớp nhân dân, phấn đấu duy trì số người đang tham gia, đồng thời tăng cường mở rộng, phát triển số người tham gia mới để tăng nguồn thu gắn liền với đẩy mạnh quản lý thu đúng tiến độ, giảm nhanh tỷ lệ nợ đọng. Trước mắt là rà soát, đối chiếu phân nhóm nợ có tính chất tương đồng để có biện pháp thu tương thích đối với từng loại nợ; tổng hợp, phân luồng đối tượng, hình thành các kênh khai thác BHYT hộ gia đình để tăng nhanh diện bao phủ; thành lập các tổ thu nợ bám sát cơ sở, phối hợp với các đơn vị kịp thời giải quyết những vướng mắc, ráo riết đẩy nhanh tiến độ thu số phát sinh gắn liền với giảm mạnh tỷ lệ nợ đọng; thường xuyên ra thông báo gửi lãnh đạo các đơn vị để đôn đốc thực hiện việc chuyển nộp BHXH, BHYT, BHTN trong giai đoạn nước rút cuối năm; lập danh sách các đơn vị vi phạm và số lao động chưa được tham gia BHXH, BHYT, BHTN báo cáo UBND tỉnh để có chỉ đạo thực hiện gấp rút; công bố danh sách nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở địa phương chỉ đạo cơ quan quản lý kiên quyết không bình xét danh hiệu thi đua - khen thưởng đối với các đơn vị vi phạm; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng phương án khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là các đơn vị có số nợ lớn, kéo dài gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại Khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn; rà soát, thực hiện bằng hết các nội dung kế hoạch cụ thể hóa các chương trình phối hợp với các sở, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan để nâng cao chất lượng trên mọi lĩnh vực hoạt động; sớm hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, kiểm tra liên ngành năm 2016 và đề xuất các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý mạnh sau kiểm tra đối với các hành vi vi phạm.
Với sự quyết tâm cao độ của đội ngũ công chức, viên chức BHXH toàn tỉnh Kon Tum cùng với những nhóm giải pháp hữu hiệu nêu trên, BHXH tỉnh Kon Tum quyết tâm phấn đấu kéo giảm tỷ lệ nợ xuống dưới ngưỡng cho phép theo quy định của BHXH Việt Nam và thấp nhất đến mức có thể; tiếp tục củng cố và tạo dựng niềm tin trong nhân dân vào chính sách BHXH, BHYT, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và thúc đẩy diện bao phủ BHYT theo chỉ tiêu giao của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg.
Thái Đông Hải