30/10/2024 13:10
Bà Bạch Thị Mân- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỉnh trở thành trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với khu du lịch cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch sinh thái Măng Đen. Để đạt được mục tiêu trên, ngành du lịch tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ, trong đó tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời, đẩy nhanh việc hoàn thiện công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch; chú trọng tuyên truyền, phát huy sự chủ động, sáng tạo, vai trò của người dân trong tham gia phát triển du lịch.
Vấn đề được ngành du lịch tỉnh đặc biệt quan tâm là thay đổi nhận thức và tư duy trong làm du lịch của người dân, doanh nghiệp để làm “đòn bẩy” thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển, khai thác triệt để tìm năng, thế mạnh của tỉnh ở lĩnh vực du lịch.
|
Theo đó, người dân cần có sự chủ động, xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng, tính chuyên nghiệp đặt lên hàng đầu trên cơ sở khai thác tối ưu nguồn lực và lợi thế tại địa phương. Trong hoạt động ở lĩnh vực du lịch cần tránh kiểu làm du lịch tự phát, “bắt chước” các mô hình một cách máy móc, tạo ra các sản phẩm “na ná” giống nhau trên thị trường, không tạo được bản sắc, sức hút và có lợi thế cạnh tranh kém. Trong đó, lĩnh vực du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa, nông nghiệp nông thôn là một trong những hướng đi “trọng tâm” được ngành du lịch tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư bởi kết hợp được nhiều thế mạnh về tài nguyên du lịch của địa phương.
Thành phố Kon Tum hiện là một trong những địa phương phát triển hiệu quả du lịch cộng đồng, được nhiều du khách ghé thăm với 4 điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh được công nhận.
Tiêu biểu như tại xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) hiện có 2 làng du lịch cộng đồng cấp tỉnh là làng Kon Kơ Tu và làng Kon Jơ Dri mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Ba Na, mỗi năm thu hút gần 8.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
Bà Y Khiêm- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết: Lượng khách đến tham quan, trải nghiệm tại các làng du lịch cộng đồng lớn đã tạo ra thu nhập đáng kể cho người dân tại địa phương. Cùng với đó, lượng khách đến đông đảo đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ hơn, đây chính là “kênh truyền thông, quảng bá” hiệu quả cho các điểm đến. Bởi vậy, chúng tôi luôn tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS trên địa bàn gìn giữ phát huy các giá trị truyền thống. Đồng thời, lồng ghép các nguồn lực, huy động người dân tại địa phương chung tay tạo cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp, thông thoáng, an toàn vệ sinh môi trường và góp phần xây dựng hạ tầng giao thông khang trang tại các điểm đến. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà địa phương gặp phải, đó là lượng khách lưu trú còn ít, chưa giữ chân được khách dài ngày bởi còn thiếu những điều kiện về cơ sở vật chất, các dịch vụ “vệ tinh” xung quanh.
|
Một trong những địa điểm mà du khách đến Kon Tum không thể bỏ qua là Khu Du lịch sinh thái Măng Đen (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông). Với tài nguyên rừng phong phú, có nhiều hồ, suối, thác và văn hóa bản địa độc đáo, địa phương đã phát triển hiệu quả thành trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng đang từng bước nâng tầm lên cấp quốc gia.
Toàn huyện Kon Plông hiện có 7 điểm du lịch cấp tỉnh và trên 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách vào dịp cao điểm.
Ông Phạm Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Hướng đi đang được huyện Kon Plông chú trọng, quan tâm đầu tư đó là phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch nông nghiệp, nông thôn, trải nghiệm văn hóa. Với những giải pháp trong khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tại chỗ, cùng nhiều hoạt động quảng bá, kết nối du lịch mà địa phương triển khai trong gian qua đã giúp thu hút lượng khách lớn, tăng doanh thu, giúp thành lập mới nhiều mô hình, cơ sở lưu trú phuc vụ du khách.
Đến nay, toàn tỉnh có 14 khu, điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh; trên 30 điểm du lịch nông thôn, văn hóa, cộng đồng khác đang được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 28 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được các cấp xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt; nhiều công trình tôn giáo có kiến trúc, nghệ thuật độc đáo.
Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh không ngừng được đầu tư, hoàn thiện. Trong đó có 218 đơn vị kinh doanh, lưu trú với tổng số 3.175 phòng; 6 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa đang hoạt động hiệu quả.
Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách đến tỉnh đạt 1.928.543 lượt (tăng 139,94% so với cùng kỳ); doanh thu đạt 598 tỷ đồng.
Theo bà Bạch Thị Mân, những kết quả đạt được thời gian qua cho thấy ngành du lịch đang đi đúng hướng để phát triển bền vững. Tuy nhiên, với tiềm năng du lịch còn rất lớn, tỉnh đang đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến và liên kết, kích cầu du lịch nội địa với các địa phương trên cả nước.
Hoàng Thanh