Xuôi dòng Đăk Bla

20/12/2017 07:03

​Làm việc ở kon Tum trên hai mươi năm, nhưng tôi chỉ có vài dịp ngồi thuyền xuôi dòng Đăk bla. Cứ mỗi lần được dập dềnh theo sóng nước, thưởng thức cái cảm giác bồng bềnh với những con sóng vỗ lao xao vào mạn thuyền; ngắm những cây kbang (loài cây dùng để làm đai gùi) đến mùa lột vỏ để lộ lớp da non xanh xám, những trảng rừng xanh bát ngát…trong tôi như càng yêu Kon Tum hơn.

Sông Đăk Bla dài 139km, bắt nguồn từ chân núi ngọc linh, hội tụ nguồn nước từ các con suối và 3 nhánh sông nhỏ là Đăk aKôi, Đăk Snghe và Đăk Pne xuôi theo hướng Tây - Đông như bao dòng sông khác. Thế nhưng, đến đoạn qua huyện Kon Rẫy, dòng sông lại bẻ theo hướng Bắc - Nam và khi đến đoạn qua thành phố Kon Tum thì dòng sông lại chảy qua hướng Đông - Tây.

Dòng sông Đăk Bla – một phong cảnh tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho đồng bào các dân tộc Kon Tum và cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho giới văn nghệ sĩ khi đã một lần đặt chân đến nơi này.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo thời đầu những năm 80 thế kỷ trước đã có một bài thơ rất hay về dòng sông này: Sông Đăk Bla như một tiếng tù và/ Thổi qua lòng xanh thị xã/Một thoáng đồng bằng qua phố xá/Kon Tum, vầng trăng đầu tháng mọc bên em... Kon Tum đây và em của anh đây/gương mặt phố gương mặt sông gương mặt núi/ trong mắt em bốn mùa nhuần nhụy lại/ Thông xòe kim khâu nắng tóc em dài...

Cũng chính nhờ dòng sông này mà Kon Tum trở nên đặc biệt hơn và cũng là địa phương duy nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên có dòng sông chảy ngược qua lòng thành phố. Nếu đến Kon Tum mà chưa xuôi thuyền du ngoạn trên dòng sông Đăk Bla là du khách đã đánh mất cái thi vị, độc đáo của mảnh đất lành, có nhiều bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc sinh sống hai bên bờ sông. Vì vậy, nhiều khách du lịch đến Kon Tum rất mong muốn được một lần xuôi thuyền trên sông Đăk Bla để cùng hăm hở về “Tây”.

Xuôi thuyền trên sông Đăk Bla. Ảnh: L.S

 

Lần trước, cách đây hơn 10 năm, tôi đi cùng với đoàn khách du lịch người Pháp. Họ đến Việt Nam thông qua hai công ty lữ hành Pháp - Việt là Asia Marseille và Việt Nam Tourism - Hà Nội. Theo lịch trình, từ cầu treo Kon Klor, chúng tôi đi bộ xuyên qua cánh đồng làng Kon Jơri về làng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum).

Trong hành trình khám phá các làng người Ba Na dọc sông Đăk Bla, đoàn du lịch này đã dừng chân tại làng Kon K’tu. Làng có mái nhà rông nổi bật cao vút và cộng đồng dân làng rất thân thiện. Hầu hết các ngôi nhà sàn cũ đều được bà con tu sửa lại và không còn nuôi gia súc dưới gầm nhà. Thi thoảng trong làng đâu đó còn vang tiếng chày giã gạo, hay những thiếu nữ trên đường gùi nước về làng làm thích thú bao du khách.

Từ lâu, làng Kon K’tu trở thành điểm du lịch homestay. Nhiều đoàn khách đã đến đây và lưu trú ngay tại nhà của người dân địa phương. Họ thích thế để có góc nhìn gần gũi và thực tế hơn với cách sống, nền văn hóa của người Ba Na.

Sau một đêm vui với dân làng, sáng hôm sau, đoàn xuôi thuyền độc mộc từ làng Kon K’tu về làng Kon Rơ Wang. Từng thuyền, từng thuyền cứ nối đuôi nhau xuôi dòng. Mặc sức du khách thả hồn theo dòng nước, còn tôi ngắm và nhìn. Tôi đã chứng kiến sự hiếu khách tuyệt vời của các chủ thuyền người làng Kon K’tu, họ trao đổi với khách bằng tiếng địa phương pha trộn lẫn tiếng Anh. Người làng Kon K’tu hiền hòa, hòa đồng và hiếu khách…

Lần này, tôi trở lại làng Kon K’tu, tìm một chiếc thuyền độc mộc để xuôi. Theo lời giới thiệu của A Kim là hướng dẫn viên nghiệp dư của làng Kon K’tu tôi đi thuyền của A Pan. Địa điểm tôi xuống thuyền tại bến nước Hơ Lai cách làng Kon K’tu 5 km thuộc địa phận xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy).

Ở nơi này, sông này uốn lượn quanh co hơn.

xuôi dòng Đăk Bla buổi sáng, mặt nước có màu xanh lẫn với màu sẫm hồng. gió ban mai lồng lộng, tôi hoàn toàn có được cảm giác bồng bềnh trên sông nước như trước đây. Ánh nắng đổ xuống, xuyên sâu, tạo thành những lằn sáng chói chang.

Vào buổi trưa thì nước trong hơn, nhìn thấy tận đáy. Vào buổi chiều ánh nắng lại tạo những lằn sáng nhấp nháy, nước có màu vàng và pha với màu nước xanh thẫm hơn.

Nhìn thật kỹ, nước sông Đăk Bla hai buổi đều có màu sẫm thoang thoảng. Ban mai sẫm nhẹ, lúc xế chiều thì màu sẫm đục hơn.

Vừa chèo thuyền, ông A Pan vừa nói trong nuối tiếc: Giờ vào rừng tìm được cái cây để làm thuyền độc mộc khó lắm, như mình đây mua được chiếc thuyền này từ lâu rồi, hơn 10 triệu đồng. Năm lũ lớn 2009, thuyền mình bị trôi dạt đến làng kon Rơ Wang xã Vinh Quang. Mình tìm tận nơi để chuộc lại mất 2,5 triệu đồng.

Hiện nay, dịch vụ cho thuê thuyền độc mộc chơi sông bắt đầu phổ biến với hàng chục đầu thuyền ở làng Kon K’tu và các làng lân cận. Gần đây, có xuất hiện nhiều thuyền làm chất liệu bằng tôn. dù chất lượng thuyền không khác xa nhau, nhưng đi thuyền độc mộc có cái thú vui hơn.

Với đặc điểm nhỏ gọn và cấu tạo đơn giản, có sức nâng cao, ít lực cản của nước lại rất cơ động, thuyền độc mộc đã giúp người Ba na vận chuyển lúa, bắp trên nương rẫy, măng, củi… trong rừng về làng; làm phương tiện thả lưới, giăng câu…

đặc biệt thuyền độc mộc còn là không gian trữ tình của những tiếng hú điệu hò khi các chàng trai Ba Na cất lên gởi vào gió núi nhờ dẫn đường các cô gái Ba Na tìm đến bắt chồng…

Thuyền xuôi qua những trảng rừng, đồi chuối, những vườn cao su; qua từng đám lồ ô đến mùa lên măng xanh mởn, trong nắng sớmĐược dịp nhìn

                                                                               Dương lê

Chuyên mục khác