06/08/2024 06:37
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã tập trung lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, ý thức tôn trọng pháp luật gắn với giáo dục thể chất, tri thức, kỹ năng sống; tăng cường biên soạn các tài liệu, các bộ sách về địa lý tự nhiên, xã hội và truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống lịch sử các dân tộc.
Để xây dựng con người đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là ngành Giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, nhất là xây dựng văn hóa học đường, xây dựng xã hội học tập. Vì vậy, tỷ lệ học sinh khá giỏi, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng qua các năm. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt tỷ lệ 99,31%, cao hơn năm 2023 (98,78%) là 0,53%. Toàn tỉnh có 10 hội khuyến học cấp huyện, 102 hội khuyến học cấp xã với tổng số 77.251 hội viên; công nhận 59.386 gia đình học tập, 84 dòng họ học tập, 370 cộng đồng học tập và 304 đơn vị học tập. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành các nghị quyết về nâng cao chất lượng đối với học sinh DTTS và với nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ, kịp thời nên chất lượng giáo dục học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao.
|
Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng xã hội học tập, tỉnh ta đã triển khai sâu rộng việc thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong công sở”, “Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục”, tạo sự liên kết, phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách cho thế hệ trẻ. Công tác giáo dục đời sống gia đình và xây dựng gia đình văn hoá đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, toàn tỉnh có 957/980 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; nhân rộng 11 mô hình can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình và xây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả 62 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc bền vững.
Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tỉnh rất quan tâm bảo tồn, phát huy, phát triển bản sắc văn hóa của các dân tộc, nhất là các DTTS tại chỗ thông qua việc bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của các dân tộc. Thời gian qua, ngành Văn hóa và các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ các bộ cồng chiêng cho các thôn làng chưa có cồng chiêng; sưu tầm, khôi phục lễ hội truyền thống; phát triển các nghề truyền thống; xây mới, sửa chữa các nhà rông truyền thống. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã có 2.392 bộ cồng chiêng, so với năm 2020 tăng 178 bộ; có 437 làng đồng bào DTTS có nhà rông; phục dựng được 22 nghi lễ - lễ hội tiêu biểu của các DTTS... Các hoạt động liên hoan, trình diễn, tuần văn hóa được các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức.
|
Đặc biệt, các thiết chế văn hóa đã được tỉnh quan tâm đầu tư khá đồng bộ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 56/102 đơn vị cấp xã có nhà văn hóa, trong đó, có 67,8% số nhà văn hóa có quy mô xây dựng đạt chuẩn, đã được trang bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết để tổ chức các hoạt động; hệ thống thư viện được đầu tư xây dựng từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh đã có 26 sân vận động, 16 nhà thi đấu đa năng, 4 nhà thi đấu đơn môn. Trên địa bàn tỉnh đã có 28% người dân tham gia tập thể dục thể thao, 23% tổng số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, sự nỗ lực triển khai thực hiện của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc, môi trường văn hóa được cải thiện, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng phong phú, các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát huy, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững địa phương, đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Hà Nam