18/03/2022 06:05
Ông Nguyễn Phúc Đoan- Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi chia sẻ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hàng năm, xã thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn. Trong đó, chú trọng khôi phục nhà rông truyền thống; gìn giữ văn hóa cồng chiêng, các nghề truyền thống; chọn lọc lưu giữ những phong tục tập quán và lễ hội tốt đẹp. Đồng thời, xã cũng tích cực tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về sự đa dạng, phong phú của văn hóa truyền thống qua nhiều hình thức như lồng ghép trong các cuộc họp ở thôn, sinh hoạt đoàn thể, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của xã...
|
Từ năm 2018 đến nay, xã đã huy động các nguồn lực, vận động nhân dân xây dựng mới được 2 nhà rông văn hóa truyền thống, sửa chữa 5 nhà rông bị xuống cấp, hư hỏng. Hiện nay, toàn xã có 5 thôn với 10 nhà rông.
Ông Nguyễn Phúc Đoan cho biết: Xã đã chỉ đạo các thôn xây dựng, thay sàn nhà rông bằng gỗ ván, trang trí phông màn, cờ Đảng, cờ Tổ quốc, ảnh Bác… đảm bảo phù hợp mục đích sử dụng. Đến nay, các thôn đều đã phát huy chức năng của nhà rông văn hóa, bảo lưu, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, hiện tại, toàn xã có 12 bộ cồng chiêng. Trong đó, 11 bộ của tập thể.
|
Hàng năm, xã đều mở lớp truyền dạy cách đánh cồng chiêng, trình diễn chiêng và múa xoang cho thế hệ trẻ. Qua đó, các em đều nắm vững những thao tác diễn tấu và những bài chiêng, từng bước trở thành hạt nhân nòng cốt, hình thành nên những đội cồng chiêng ở các thôn. Hiện nay, toàn xã có 10 đội cồng chiêng, múa xoang; trong đó có 5 đội cồng chiêng thanh thiếu niên và 5 đội cồng chiêng người lớn. Các đội đều đủ khả năng biểu diễn trong các dịp lễ hội của dân làng và các sự kiện lớn của tỉnh, huyện.
Bên cạnh cồng chiêng và múa xoang, xã Đăk Pxi cũng chủ động duy trì tổ chức Lễ Mừng năm mới, Mừng lúa mới, Mừng nhà rông mới. Các lễ hội riêng lẻ khác như: Lễ nước giọt, Trỉa lúa,…, địa phương vận động bà con phục dựng, duy trì tại cộng đồng thôn, làng theo hướng tươi mới, tiết kiệm.
Các ngành nghề truyền thống cũng được xã quan tâm lưu giữ như đan lát, dệt thổ cẩm. Trong đó, với nghề đan lát, hiện tại, mỗi làng có khoảng 5 nghệ nhân thành thạo nghề đan. Bởi vậy, việc truyền nghề đan lát ở địa phương có nhiều thuận lợi và được duy trì, kết nối thường xuyên cho con cháu. Những vật dụng được làm từ đan lát như: gùi, nong, nia… hiện vẫn gắn bó với bà con trong đời sống hàng ngày.
Với nghề dệt thổ cẩm, theo thống kê của UBND xã, số người biết dệt thổ cẩm chỉ còn khoảng 10 người. Xã đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ vật liệu và dụng cụ, tổ chức các lớp dạy truyền nghề. Các sản phẩm được địa phương đưa đi tham dự các sự kiện về văn hóa, văn nghệ của huyện và các địa phương khác. Qua đó, khích lệ lòng tự hào dân tộc của mỗi người để nghề truyền thống này không bị mai một.
Ông Nguyễn Phúc Đoan cho biết: Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc. Đồng thời, mỗi nội dung triển khai đều hướng đến công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong tham gia xây dựng và phát triển đời sống văn hóa trên địa bàn trong tình hình mới.
Tất Thành