Vui hội tung còn

05/03/2018 07:04

​Không chỉ chăm lo lao động sản xuất, gây dựng cuộc sống, bà con còn nhiệt tâm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, làm nên nét đẹp đa dạng, phong phú của cộng đồng các dân tộc anh em Bắc Tây Nguyên. Hội tung còn (hay ném còn) đầu xuân kéo mọi người đến gần nhau hơn.

Hội xuân đâu chỉ mùng một mùng hai. Hội xuân Mậu Tuất ở xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà) vào mùng 10 tết. Những vườn cà phê đã thẫm nước, bắt đầu bung hoa. Những đồng lúa xanh mơn đã tinh tươm sạch cỏ...

Nắng đã lên, ngày hội tung còn bắt đầu. Sân còn là khoảng đất rộng và bằng phẳng, dưới chân đập Mùa Xuân tháng năm mang đến cho nơi này nguồn nước mát.

Hai người phụ nữ đứng tuổi trong sắc áo đặc trưng của người Nùng có nụ cười rạng ngời và ấm áp, hòa vào đám đông. Bà Luân Thị Bay năm nay 56 tuổi hồ hởi kể: Vào Đăk Hà năm 1986, những năm đầu còn vất vả bận rộn, chẳng nói; chứ những năm gần đây, năm nào, thôn Đăk Xuân cũng  tổ chức  vui tết. Trong đó, tung còn là trò chơi dân gian không thể thiếu. Năm nay là năm đầu tiên xã Đăk Ngọk tổ chức hội xuân nên chung vui tung còn không chỉ riêng bà con mỗi làng, mà còn có thêm đồng bào Thái, Tày, Mường... trong xã và cả bà con các địa phương láng giềng của huyện.

Bà Bay ( áo tím) , bà Quắn ( áo đen) cùng quả còn truyền thống. Ảnh: T.N

 

Tung còn (hay ném còn) là trò chơi dân gian thường được tổ chức trong các lễ hội xuân của đồng bào các dân tộc thiểu số ngoài Bắc. Cùng với vật chính là quả còn, trò chơi cần có sân còn và cột còn.

Nguyên gốc, tung còn đầu xuân là ngày hội để trai gái gặp nhau, tìm hiểu, se duyên. Sau này, trò chơi dân gian này trở nên phổ biến, thu hút nhiều lứa tuổi tham gia, cùng giao lưu gần gũi, thắt chặt tình  cảm. Và xuyên suốt, tung còn thể hiện niềm ước mong về hạnh phúc, niềm vui trong cuộc sống; mong cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, may mắn hanh thông....

37 năm trước, vợ chồng bà Luân Thị Bay, ông La Văn Mộc đã nên duyên nhờ hội tung còn mùa xuân ở quê nhà Xuân Nội, Trà Lĩnh, Cao Bằng. Hội xuân năm nay, bà Bay vẫn tung còn lọt hồng tâm và nhắc lại cho lớp cháu con lời giao duyên thuở ấy. Một nắng hai sương nơi quê hương mới, gia đình ông bà không chỉ có bát ăn bát để. Cả ba người con đều phương trưởng, an vui.

 Bà Luân Thị Quắn 53 tuổi, ở thôn Đăk Xuân kể: Ngày trước, hội còn để se duyên, nên gái trai ai cũng gắng làm quả còn thật đẹp, thật ấn tượng. Chàng trai bắt được quả còn cũng được cô gái tung còn tặng những vật kỷ niệm nho nhỏ, nhưng ý nghĩa, như chiếc túi thổ cẩm, đôi hài, chiếc khăn tay... Bây giờ, dù tung còn không chỉ dành riêng cho nam - nữ, nhưng tục tặng quà vẫn được duy trì, để thắt chặt thêm tình nghĩa xóm làng. Từng quả còn vẫn được chau chuốt làm ra.

Hai đầu tung còn trong ngày hội. Ảnh: T.N

 

Ông Hoàng Văn Bàn, dân tộc Thái, ở thôn Đăk KĐem, xã Đăk Ngọk thì bảo, sau này, ở một số nơi, hội tung còn có một vài chi tiết đổi khác, nhưng cơ bản, vẫn giữ tinh thần và ý nghĩa của phong tục truyền thống. Dù quy mô, phạm vi tổ chức khác nhau, nhưng hội vui tung còn ở những vùng kinh tế mới có đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc tại địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn thực sự là sợi dây nối kết mọi người trong không khí vui tươi, đầm ấm, cùng nhau hướng tới những điều tốt lành.

Chia tay hội tung còn đầu năm Mậu Tuất, các cháu nhỏ Vi Thanh Dương, Bùi Vi Tân Hà  và các bạn cùng lớp, cùng trường tiểu học, trung học cơ sở ở xã Đăk Ngọk còn lưu luyến, chờ đến xuân sau...

Thanh Như

Chuyên mục khác