27/05/2018 17:58
Một ngày vào hè, hoa bằng lăng nở rộ, hoa phượng đỏ thắm, khoe sắc màu rực rỡ ở vùng ngã ba biên giới Ngọc Hồi, chúng tôi đi dọc theo đường Hồ Chí Minh về thăm Khu di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Seang ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục. Nơi đây ghi dấu chiến công hiển hách của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
|
Nắng hè chói chang, chúng tôi băng qua đường lô cao su khoảng hơn 650 mét, qua rặng cây xanh ngắt, cụm di tích lịch sử Đăk Seang hiện ra là một trảng rừng xanh ngắt. Khu di tích lịch sử Đăk Seang có tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ là 41.437m2 (gồm diện tích nhà bia tưởng niệm, một phần sân bay Đăk Seang, đường vào cứ điểm và Trại Đăk Seang). Trại Đăk Seang được Mỹ xây dựng vào tháng 8/1966 do lực lượng đặc biệt của Mỹ chỉ huy, nhằm án ngự phía Bắc tỉnh Kon Tum và biên giới Việt – Lào. Toàn bộ Trại Đăk Seang được xây dựng thành một pháo đài lớn, nằm trên một quả đồi thấp có địa hình tương đối bằng phẳng. Cứ điểm này có nhiệm vụ tổ chức thám thính biên giới và ngăn chặn đường xâm nhập, giao liên, tiếp vận của cách mạng, nhận diện, phá hủy hạ tầng cơ sở của cách mạng và trên cơ sở đó mở các trận tấn công tiêu diệt, phá hoại hậu phương của ta.
Trong tập hồi ký “Chiến đấu ở Tây Nguyên” của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo có ghi: Trại Đăk Seang là một trong những cứ điểm quan trọng của Mỹ ở vùng Tây Nguyên. Do nằm sâu trong vùng căn cứ của ta, lại bị đánh hai lần (năm 1968) nên địch xây dựng Đăk Seang thành căn cứ kiên cố với hệ thống lô cốt, hầm ngầm, tháp canh; vây quanh có 7 lớp kẽm gai được cài mìn dày đặc, giữa có hào rộng cắm chông. Ở các khu chỉ huy, trận địa pháo đều có hàng rào phân khu; ở phía bắc có sân bay, máy bay C130 có thể lên xuống được. Đầu năm 1970, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên chủ trương mở chiến dịch Đăk Seang, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, bao vây, tiến lên dứt điểm giải phóng một khu vực.
Trung đoàn 28 của ta nhận lệnh bao vây tiến công Đăk Seang cùng với sự phối hợp của bộ đội địa phương, ta cho một đơn vị thuộc Trung đoàn này chiếm lĩnh một vài cao điểm trên dãy núi Et. Địch từ Tân Cảnh tiến lên phía nam Đăk Seang, bị quân ta đánh chặn lại. Địch lại cho đổ bộ trực thăng xuống phía tây Đăk Seang và đánh lên núi Et. Ý định của địch là đánh quân ta ở núi Et trước, sau đó mới giải toả cho Đăk Seang. Bị đơn vị của Trung đoàn 28 đánh bật khỏi núi Et, địch co cụm lại dưới chân núi Et. Ta liền cho Trung đoàn 66 ở nam Đăk Seang cơ động lên bao vây quân địch ở phía tây Đăk Seang, dưới chân núi Et. Trận quyết chiến diễn ra. Sau hai ngày đêm chiến đấu liên tục, một Trung đoàn của ta đã tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 42 của địch; bắt sống tù binh, trong đó có cả chỉ huy và thu toàn bộ vũ khí. Đây là chiến thuật đánh điểm diệt cứu viện, dù cứu viện bằng đường bộ hay bằng đường không. Từ trận này mà hình thành chiến thuật vận động bao vây tiến công liên tục. Đây là một hình thức chiến thuật mới được hoàn thiện trong chiến dịch này là bao vây chặt quân địch, sau đó liên tục công kích cho đến khi dứt điểm làm chủ trận địa…”
Nhắc đến di tích Đăk Seang, ngoài bộ đội chủ lực, còn phải nhắc đến những chiến công oanh liệt của quân và dân huyện H40 những năm 1970 – 1975, gắn liền với tên tuổi của các anh hùng cách mạng A Sang (nguyên Tỉnh đội trưởng – Tỉnh đội Kon Tum), Quân Xuân (nguyên Trinh sát Tỉnh đội Kon Tum), B’loong Keo (nguyên dân quân du kích xã Đăk Nông), A Phê (nguyên Huyện đội phó H40) và nhiều anh hùng cách mạng khác... Chiến thắng Đăk Seang có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, khai thông biên giới, mở rộng và hoàn chỉnh vùng giải phóng với hàng chục ngàn dân, tạo điều kiện cho bộ đội địa phương, quân và dân huyện H40 (huyện Đăk Glei ngày nay) vây ép chi khu Đăk Pét, tiến tới giải phóng Đăk Pét năm 1974 và giải phóng tỉnh Kon Tum ngày 16/3/1975. Và Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Seang được UBND tỉnh ký Quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 01/12/2011. Đây là di tích lịch sử cấp tỉnh đầu tiên của huyện Ngọc Hồi và cũng là di tích cấp tỉnh thứ 12 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Già A Pư làng Đăk Răng, xã Đăk Dục cho biết, trong những năm chiến tranh, đồng bào trong làng di tản nhiều nơi trong rừng, dù bị Trại lính ở Đăk Seang khống chế, nhưng người làng ở các xã Đăk Dục, Đăk Nông dẫu còn đói cơm nhạt muối vẫn một lòng theo cách mạng, cõng đạn, chuyển lương tiếp tế cho bộ đội chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Ông Lê Xuân Trự ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An- người tham gia trận đánh Trại Đăk Seang ngày ấy, khi về thăm lại chiến trường xưa vùng Ngọc Hồi, đã ghi lại trong cuốn nhật ký: “Mỗi người cựu chiến binh từng kinh qua thời khói lửa đều có những kỷ niệm không thể nào quên. Những năm tháng đó, so với cuộc sống trong một đời có thể không dài lắm. Nhưng trên thực tế, đó là những năm tháng đã theo họ trọn đời, sống nghĩa tình với đồng đội, với dân Kon Tum-Tây Nguyên và bản lĩnh kiên trung của người lính”.
Giữa trưa hè, bầu trời Ngọc Hồi trong xanh đầy mây trắng, tôi đứng nơi đền thờ các anh hùng liệt sĩ, giữa lòng chiến khu xưa, xung quanh muôn trùng cỏ cây, đá núi và trong phút giây hoài niệm, tôi chợt hình dung giữa chốn này, gần nửa thế kỷ trước đã có những chàng trai, cô gái tuổi thanh xuân đã hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc, cho sự nghiệp kháng chiến vẻ vang của dân tộc. Khu di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Seang mãi mãi là niềm kiêu hãnh, dấu ấn của một thời đầy thử thách, gian lao, nhưng hào hùng của Sư đoàn 10 và quân dân Kon Tum.
Box: Từ chiến thắng Đăk Seang đến chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, những thất bại của Mỹ, ngụy trên mặt trận Tây Nguyên đã mở đầu cho hiệu ứng đô mi nô thất bại liên tiếp trên các chiến trường khác của địch. Từ đây đã dọn đường cho những chiến sĩ giải phóng quân tiến thẳng đến Đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975.
Dương Lê